Nhà máy này sở hữu những công nghệ tiên tiến để sử dụng khí thải, rác thải cho sản xuất nguồn điện xanh sạch.
Chôn lấp chất thải hữu cơ và thu gom nước rỉ rác để phát điện
Vừa qua, đoàn công tác của chương trình trao đổi kinh nghiệm phát triển năng lượng sinh học đã đến Hàn Quốc để trao đổi kinh nghiệm phát triển năng lượng sinh học, tìm hiểu quá trình chuyển dịch năng lượng của Hàn Quốc. Chương trình này được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam” (BEM). Dự án do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân CHLB Đức (BMU) thông qua Quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế tài trợ, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) phối hợp thực hiện từ tháng 4/2019 đến tháng 9/2023.
Tại Hàn Quốc, đoàn công tác đã làm việc với các bộ ban ngành, viện nghiên cứu, các nhà đầu tư dự án năng lượng sinh học… và tham quan hai nhà máy điện sinh học ở Hàn Quốc là nhà máy sản xuất điện từ rác thải tại Thủ đô Seoul và nhà máy đồng phát nhiệt - điện sử dụng sinh khối tại tỉnh Gyeonggi.
Chúng tôi đến tham quan nhà máy sử dụng công nghệ phân giải kỵ khí để sản xuất điện từ nguồn nước rỉ rác của bãi rác thải, thuộc Công ty Landfill Management Corp (SLC). Công ty SLC quản lý bãi chôn lấp Sudokwon, được thành lập trực thuộc Bộ Môi trường Hàn Quốc để thúc đẩy xử lý thích hợp chất thải rắn đô thị, phục hồi và bảo vệ tài nguyên.
Tham quan Nhà máy điện khí sinh học của Công ty SLC ở Sudokwon, chúng tôi choáng ngợp trước quy mô lên đến hàng chục ha. Trước mắt là những thiết bị đồ sộ nối tiếp nhau dài tít tắp, với những bể chứa và xử lý chất thải lỏng thành khí sinh học, những đường ống dẫn khí giăng mắc và chạy dài cả km, những silo cao vời, trang trí các hình vẽ thân thiện cổ vũ cuộc sống xanh, những tuabin, máy phát điện đồ sộ và tank chứa khí sinh học, ống khói cao vút…
Cán bộ kỹ thuật tại nhà máy cho hay, rác thải từ Seoul sẽ được vận chuyển đến bãi rác Sudokwon. Tại đây, Công ty SLC áp dụng các kỹ thuật thu gom chất thải tích lũy và sử dụng khí mê-tan từ bãi rác làm nhiên liệu để chạy máy phát điện nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.
“Nhà máy xử lý 2 loại rác thải chính là rác thải sinh hoạt hộ dân và rác thải công nghiệp. Trong đó, rác thải công nghiệp chủ yếu là từ các nhà máy xây dựng bao gồm bê tông, sắp thép” cán bộ kỹ thuật của Nhà máy điện SCL chia sẻ.
Phía nhà máy cho biết thêm: Các loại rác thải sinh hoạt sẽ được phân tách thành các thành phần như giấy, nhựa, nilon để sản xuất các loại viên nén (RDF). Các thành phần hữu cơ còn lại sẽ được đem đi chôn lấp và nước rỉ rác được thu gom để phát điện. Trong khi đó, rác thải công nghiệp sẽ được phân tách các loại sắt thép, còn lại là bê tông sẽ được đem đi chôn lấp vĩnh viễn. Chi phí bán điện được tính toán hàng năm, trong đó 30% được sử dụng cho việc vận hành và bảo trì, bảo dưỡng, số còn lại sẽ là lợi nhuận của công ty.
Về số lượng lớp chất thải được chôn lấp tại từng bãi chứa, đại diện nhà máy cho biết tại mỗi bãi chứa và xử lý rác thải có 8 lớp chất thải, mỗi lớp cao 5m và được chôn lấp trong khoảng 7 - 14 năm, công suất chôn lấp của mỗi bãi là 400.000m3. Hiện tại, những bãi chôn lấp đã hết công suất sử dụng được tận dụng để xây dựng thành các khu vui chơi và sân golf, mang lại nguồn lợi ích kinh tế cho công ty.
Nguồn nước rỉ rác từ các bãi chôn lấp sẽ được thu gom về bể chứa để sản xuất khí sinh học. Do Công ty xử lý rác thải SLC là thành viên của Tổng Cục môi trường, nên khí sinh học sẽ được chuyển miễn phí sang nhà máy phát điện ở bên cạnh. Tổng khu xử lý rác thải hữu cơ được thiết kế cho nhà máy điện khí sinh học công suất điện khoảng 50MW. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, lượng khí sinh học sinh ra từ nguồn nước rỉ rác và bùn đang cung cấp cho sản xuất chỉ khoảng 2,2MW điện.
Giải quyết thách thức từ rác thải
Theo các chuyên gia của Hàn Quốc, lượng chất thải phát sinh ở Hàn Quốc đã tăng gần 200% trong ¼ thế kỷ qua, từ 180.573 tấn/ngày năm 1996 đã lên đến 540.872 tấn/ngày vào năm 2021. Trong khi đó, công suất của các cơ sở đốt rác và bãi chôn lấp đang giảm nhanh chóng. Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra kế hoạch cấm chôn lấp trực tiếp chất thải rắn đô thị dễ cháy từ năm 2026.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về hệ thống xử lý chất thải tốt hơn, chính quyền Thành phố Seoul đã cam kết cung cấp các dịch vụ làm sạch sáng tạo và đưa ra một hệ thống xử lý chất thải có thể làm hài lòng các công nhân vệ sinh và người dân.
Tại Thủ đô Seoul, hiện nay hệ thống thu gom rác thải được áp dụng quy định phân loại rác thải tại nguồn ở ngay tại từng nhà dân, sau đó được hệ thống thu gom tiếp tục phân loại ra thành các rác thải rắn có thể tái chế, các rác thải rắn buộc phải chôn lấp, các rác thải hữu cơ. Đến nay, hệ thống thu gom và xử lý rác thải, chất thải tại Seoul đã đạt tỷ lệ tái chế 71% và giảm 30% chất thải thực phẩm, đồng thời giảm thiểu chất thải chôn lấp.
Chuyên gia của Hàn Quốc nhận định, khu vực đô thị Seoul với kế hoạch mở rộng trên toàn quốc đến năm 2030 nên thị trường năng lượng từ chất thải ở Hàn Quốc đang tăng nhanh. Do đó, các chính sách của chính phủ cũng đang chuyển sang thúc đẩy sản xuất khí sinh học từ chất thải hữu cơ, với kế hoạch đưa khí sinh học vào hệ thống điện quốc gia và tăng giá mua điện cho khí sinh học. Chính phủ Hàn Quốc đã đặt mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050 và giảm 40% lượng khí phát thải so với mức của năm 2018 vào năm 2030.
Thực hiện chủ trương này của Chính phủ Hàn Quốc, Công ty SLC đã đi đầu trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào việc xử lý rác thải hữu cơ, biến thành nguồn điện năng xanh sạch. Hiện, nhiều công ty ở Hàn Quốc cũng đang nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp xử lý chất thải hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn bao giờ hết để đối phó với những thách thức đó.