| Hotline: 0983.970.780

Đẹp ngay từ tên đường

Thứ Tư 11/11/2015 , 07:35 (GMT+7)

Tôi rất lạ khi thấy gần đây, có quan điểm từ phía những người làm quản lí văn hoá rằng chúng ta sắp cạn kiệt quỹ tên danh nhân để đặt tên đường./ Tên đường phố sao xứng với công danh

Quả thật tôi không thể hiểu được căn cứ vào đâu để có một quan điểm như vậy.

Lâu nay, nhìn vào cách chúng ta sử dụng tên danh nhân để đặt tên đường, tôi thấy theo nếp cũ, chúng ta vẫn nặng về lấy tên những danh nhân có gắn với chiến tranh giữ nước, xưa cũng như nay, để đặt tên cho đường phố. Cách đó có lí của nó nhưng không nên là một tiêu chí áp đảo.

Gần đây, việc đặt tên đường cũng đã có những sự mở rộng về tiêu chí nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học được đặt tên cho các đường phố. Từ Xuân Diệu, Phạm Huy Thông, đến Đào Duy Anh, Phạm Ngọc Thạch, Lê Văn Thiêm, Nguỵ Như Kon Tum. Tôi thấy đó là một điều đáng mừng.

Có lẽ chúng ta đang đi dần tới một nhận thức về những giá trị rất đa dạng làm nên quốc gia chúng ta. Và càng ngày, chúng ta càng nhận ra ý nghĩa của văn hoá, của những di sản tinh thần mà những thế hệ đi trước để lại, những di sản cấu thành nên chính cái gọi là căn cước dân tộc. Chính vì thế nên tôi mới thấy hết sức băn khoăn khi người ta cho rằng sắp cạn tên danh nhân để đặt tên đường.

Tôi chỉ nói trong lĩnh vực chuyên môn của tôi, văn học, nghệ thuật. Không thiếu danh nhân để/cần phải đặt tên đường.

Tôi cứ băn khoăn, ở Hồ Tây, nơi ông Phùng Quán đã sống một quãng thời gian dài của cuộc đời, sao không có một con đường mang tên ông? Chúng ta đã có một con đường mang tên Bùi Xuân Phái, nhưng còn Dương Bích Liên, còn Nguyễn Sáng, còn Lưu Công Nhân rồi ngay cả Nam Sơn, hay chính Tardieu. Phải, chính Tardieu, tại sao ta không nghĩ đến một con đường mang tên ông, người đã mang đến cho Hà Nội một di sản tuyệt vời: Trường Mỹ thuật.

Hay những nhà sư phạm, nhà khoa học, nhà giáo như Hoàng Xuân Nhị. Vẫn chưa có một con đường mang tên Hoàng Xuân Nhị, người trí thức đã để lại vinh hoa của Paris lại sau lưng để về bưng biền tham gia kháng chiến, tham gia hoạt động giáo dục, người thầy của bao thế hệ các nhà sư phạm, nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Theo tôi, chúng ta không thiếu danh nhân. Tôi chỉ sợ cái chúng ta thiếu là một cái nhìn nhân văn và có tình.

Thực ra, có lẽ lâu nay những quy định của chúng ta về việc chọn danh nhân nào để đặt tên đường vẫn còn có phần hơi khắt khe. Chúng ta mong muốn lựa chọn những danh nhân có sự “trong suốt” trong tiểu sử, phải không có chút tì vết. Điều đó là có thể thông cảm nhưng không phải là dễ.

Trí thức ở thời đại nào cũng là những người dấn thân. Con đường của họ đến với chân lí là con đường của những trải nghiệm, của những thử - sai phải trả giá bằng chính cuộc đời họ, chính những đau khổ của cuộc đời họ. Có thể có những lầm lạc, những khúc quanh trong cuộc đời.

Điều quan trọng là phải nhìn vào tổng thể, vào những giá trị tối hậu mà đến cùng, sau khi đã “đậy nắp quan tài” họ đã để lại. Theo góc nhìn như thế thì còn biết bao nhiêu trí thức mà tôi nghĩ, ta có thể đặt tên đường.

Đó là Trần Trọng Kim, Nhất Linh, Khái Hưng và ngay cả Thạch Lam. Giá mà ở quanh hồ Tây, chỗ mạn đường Yên Phụ, làng Yên Phụ ấy có một con đường mang tên Thạch Lam và cạnh đấy là một con đường mang tên Nhất Linh (nhà văn Nhất Linh chứ không phải nhà chính trị Nguyễn Tường Tam). Như thế, Hà Nội sẽ nhân văn, sẽ đẹp hơn biết bao nhiêu. Đẹp ngay từ tên đường.

TS PHẠM XUÂN THẠCH

"Hà Nội nên đặt tên doanh nhân là những người có công lao với đất nước. Việc này tuy chậm nhưng có thể nói rằng rất đáng hoan nghênh.

Có nhiều doanh nhân thành đạt đã có đóng góp to lớn với đất nước. Họ chính là người đã đem sản nghiệp của gia đình đóng góp cho Chính phủ trong thời gian quốc khố trống rỗng khi mới giành chính quyền. Họ cũng tham gia đóng góp trí tuệ xây dựng bộ máy lãnh đạo đất nước.

Vừa là doanh nhân họ còn là những danh nhân. Đó là doanh nhân Ngô Tử Hạ, Đại biểu Quốc hội khóa I; doanh nhân Nguyễn Sơn Hà, Đại biểu Quốc hội khóa I; doanh nhân Đỗ Đình Thiện, thư ký của Hồ Chủ tịch khi sang Pháp năm 1946, người làm công tác tài chính mà không nhận lương; doanh nhân Trịnh Văn Bô, Ủy viên Ủy ban Hành chính Hà Nội, chủ nhân ngôi nhà 48 Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn Độc lập; doanh nhân Vương Thị Lai, người phụ nữ hiến 109 lạng vàng cho Chính phủ trong Tuần lễ vàng 1945", Đại tá -PGS.TS Dương Hồng Anh, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự.

 

Xem thêm
Loạt phim chiếu rạp hè chất lượng trong năm 2024

Các bộ phim bom tấn Hollywood bắt đầu ra rạp, hứa hẹn tạo nên một mùa hè rực rỡ với nhiều kỳ vọng vào các cột mốc doanh thu ấn tượng.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

HLV Mai Đức Chung bất ngờ trở lại ĐT nữ Việt Nam

HLV Mai Đức Chung sắp trở lại với công việc làm HLV trưởng ĐT Nữ Việt Nam vì VFF chưa chốt được HLV mới.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.