| Hotline: 0983.970.780

Tên đường phố sao xứng với công danh

Thứ Ba 10/11/2015 , 07:35 (GMT+7)

Việc đặt tên danh nhân cho đường phố ở Thủ đô cần phải làm sao để xứng công lao, đóng góp cho xã hội. 

Có nhiều danh nhân, uy tín và ảnh hưởng của họ bao trùm nhiều mặt đời sống xã hội, có uy tín cả với thế giới nhưng vẫn chưa có tên đường. Còn nhiều tên đường người dân sống tại khu vực không biết đó là ai.

Danh nhân đang cạn dần?

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, qua các thời kỳ lịch sử, Hà Nội đã nhiều lần có sự điều chỉnh địa giới hành chính nên cũng có những thay đổi, bổ sung liên quan đến việc đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng (vườn hoa, công viên, quảng trường...). Về việc đặt tên danh nhân trong thời gian gần đây, ông Tiến chia sẻ: “Trước đây danh nhân nổi tiếng dồi dào, gần đây cạn dần”.

Thực ra, vấn đề này theo chúng tôi không phải danh nhân đang cạn dần. Còn nhiều danh nhân chưa được đặt tên đường. Xin nêu một vài ví dụ dưới đây.

Những cán bộ hưu trí của Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NN-PTNT), Hội Thủy lợi Việt Nam từng trăn trở và có cả văn bản gửi đến các cơ quan chức năng nêu ý kiến về việc 2 vị cố Bộ trưởng Trần Đăng Khoa (1907-1989) và Hà Kế Tấn (1912-1997) chưa được đặt tên đường phố ở Thủ đô.

Nếu xét về công lao đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Nhà nước, 2 vị cố Bộ trưởng nêu trên đều có thành tích lớn, đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Nếu xét về lĩnh vực chuyên môn, thì họ cũng đều ghi dấu ấn trong những công trình của ngành thủy lợi nước ta.

Cố Bộ trưởng Trần Đăng Khoa từng làm Giám đốc Học viện Thủy lợi, rồi Giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học Thủy lợi. Ông là người tham gia thiết kế đập Bái Thượng (thuộc hệ thống thuỷ lợi Sông Chu, tỉnh Thanh Hóa) và hệ thống thủy lợi tại Đà Lạt (Lâm Đồng) từ thời Pháp thuộc.

Còn cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn có công đầu trong kiến tạo nên bộ máy thủy lợi Việt Nam trong suốt những năm 1960; nổi bật là việc quy hoạch trị thủy sông Hồng và hệ thống thủy lợi đồng bằng Bắc bộ. Song, từ nhiều năm nay, mong muốn được thấy tên đường phố mang tên Trần Đăng Khoa, Hà Kế Tấn vẫn như bóng chim, tăm cá.

Ông Phan Khánh, cán bộ hưu trí ngành thủy lợi, người trăn trở với việc này, từng chia sẻ với chúng tôi: “Trong khi đó, có những tên đường tôi nghe rất xa lạ. Thậm chí, có người được thổi lên thành tên đường”.

Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vừa tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn Hà Nội” với mục đích tìm ra giải pháp đổi, đặt tên đường phố Hà Nội trong bối cảnh đô thị hóa, đường sá đang ngày càng mở rộng và thêm mới. 19 tham luận của các tác giả với rất nhiều ý kiến đóng góp cho việc đặt, đổi tên đường phố.

Nhiều vị tướng lĩnh đến nay cũng chưa có tên đường như Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (1908-1986), người đầu tiên được phong quân hàm tướng (1946); Trung tướng Lê Hiến Mai (tức cố Bộ trưởng Dương Quốc Chính). Cả hai vị đều có tên trong danh sách 11 vị tướng đầu tiên được phong quân hàm năm 1948… Thiếu tướng Lê Thiết Hùng còn là một trong những bậc khai quốc công thần của đất nước, cũng như của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Rộng mà hẹp

Nhiều nhân sĩ, trí thức cũng chưa có tên đường như cố Chủ tịch Quốc hội Bùi Bằng Đoàn; cố Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại; Luật sư Trịnh Đình Thảo - Chủ tịch Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; GS Trần Đức Thảo - nhà triết học duy nhất của Việt Nam thế kỷ 20; GS Nguyễn Mạnh Tường và GS Trương Tửu là hai người thầy của thế hệ các nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam; Họa sĩ Bùi Trang Chước - tác giả Quốc huy Việt Nam…

Hoặc như ông Kim Ngọc, người chủ trương khoán ruộng cho người nông dân, mang đến no ấm cho hàng triệu người, chẳng lẽ không xứng đáng để có tên một đường phố ở Thủ đô?

Nếu xét riêng theo ngành, theo giới thì cũng thấy còn khuyết thiếu nhiều danh nhân chưa có tên đường.

Ví dụ, bà Lê Thị Xuyến (1909-1996), người Chủ tịch đầu tiên của Hội LHPN Việt Nam (1946-1956), nữ Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, người phụ nữ đầu tiên được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội; hoặc bà Nguyễn Thị Thục Viên (1903-1984), nữ Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của Thủ đô Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa đầu tiên, đến nay cũng chưa có tên đường…

Còn như, chúng ta vẫn ca ngợi “Hà Nội ba mươi sáu phố phường”, vẫn nói câu cửa miệng “Thương nhớ mười hai”, “Món ngon Hà Nội”, vậy mà tác giả của những áng văn chương làm đẹp Hà Nội ấy, nhà văn Thạch Lam (1910-1942), nhà văn Vũ Bằng (1913-1984) chẳng có nổi một con phố nhỏ làm điểm tựa đi về. Hà Nội rộng mà sao hẹp quá...

Danh nhân được đặt không biết là ai

Trong khi đó, nhiều tên đường phố được đặt thì người dân trong khu vực sinh sống quanh đó lại không biết là ai. Đây là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học. “Có nhiều đường phố đặt tên danh nhân không thật sự điển hình nên nhân dân lại không biết là ai, ở thời nào, có công trạng gì…”, ông Nhật thẳng thắn nói.

Để khắc phục những bất cập trong quá trình đặt, đổi tên đường phố tại Hà Nội, theo TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng di sản Văn hóa Quốc gia, cần phải xây dựng tiêu chí cho việc đặt tên đường, phố Hà Nội nói riêng và đặt tên, đổi tên đường phố và các công trình công cộng Hà Nội nói chung.

Xem thêm
Loạt phim chiếu rạp hè chất lượng trong năm 2024

Các bộ phim bom tấn Hollywood bắt đầu ra rạp, hứa hẹn tạo nên một mùa hè rực rỡ với nhiều kỳ vọng vào các cột mốc doanh thu ấn tượng.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

HLV Mai Đức Chung bất ngờ trở lại ĐT nữ Việt Nam

HLV Mai Đức Chung sắp trở lại với công việc làm HLV trưởng ĐT Nữ Việt Nam vì VFF chưa chốt được HLV mới.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.