| Hotline: 0983.970.780

Đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu

Thứ Tư 26/12/2018 , 10:16 (GMT+7)

Ứng dụng công nghệ cao (CNC) là xu thế tất yếu để có bước “nhảy vọt” trong sản xuất; mở hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, NNCNC thực sự cần những doanh nghiệp đủ tâm, đủ tầm để tạo động lực thúc đẩy.

Một địa phương giàu tiềm năng

Thanh Hóa có dân số đứng thứ 3, diện tích đứng thứ 5 nước ta với trên 800 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, trải đều trên nhiều dạng địa hình, khí hậu, thích hợp để phát triển nông nghiệp đa dạng. Thanh Hóa được kỳ vọng sẽ có nền nông nghiệp toàn diện; ứng dụng CNC để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. 

10-38-23_1
Nông nghiệp CNC tạo bước “nhảy vọt” trong sản xuất (Ảnh: Võ Dũng)

Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Thanh Hóa là một trong 10 địa phương trên cả nước hoàn thành xây dựng và hoạt động có hiệu quả khu NNCNC. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch khu NNCNC Lam Sơn - Sao Vàng. 

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiên phong “nhảy vào” lĩnh vực NNCNC và bước đầu đã cho thấy hiệu quả. Điều đó đã thu hút sự quan tâm của nhiều công ty giống cây trồng trong và ngoài nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... 

Hiện tỉnh đã hình thành các vùng SXNN tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là NNCNC.

Điển hình như Cty CP Mía đường Lam Sơn đầu tư xây dựng trung tâm sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại huyện Thọ Xuân; dự án trang trại bò sữa của Cty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk với quy mô 16.000 con; Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và dự án bò thịt chất lượng cao quy mô 10.000 con được nhập từ Úc tại huyện Bá Thước...

Năm 2017, Cty CJ Seafood (Hàn Quốc) sau khi khảo sát tiềm năng nuôi cá nước ngọt tại một số tỉnh đã quyết định lựa chọn Thanh Hóa để đầu tư nuôi cá nước ngọt và dự định xây dựng nhà máy sản xuất thực phẩm với quy mô ban đầu 2,5 ha, tổng mức đầu tư 4 triệu USD.

Mới đây, Cty Kachay Global Development đã làm việc, tìm hiểu thực tế và ký biên bản ghi nhớ hợp tác để đầu tư dự án Nhà máy Chế biến thực phẩm tại Khu NNCNC Lam Sơn - Sao Vàng. UBND tỉnh đã đồng ý đề xuất của công ty về việc mở rộng quy mô dự án ra vùng phụ cận với 1.000ha, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Trong đó, 200ha vùng lõi sẽ để xây dựng nhà máy chế biến, khu nghiên cứu, đào tạo nhân lực CNC... Vùng phụ cận chủ yếu dành cho sản xuất.
 

Cần “cú hích” từ doanh nghiệp

Cty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco) là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp CNC. Năm 2013, Lasuco khánh thành dự án Trung tâm NNCNC Lam Sơn với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, trên mặt bằng sản xuất gần 100ha; bao gồm các hạng mục cải tạo sinh thái; xây dựng khu nhà kính, nhà lưới; khu nhân giống; tòa nhà sản xuất giống nuôi cấy mô và thiết bị các phòng thí nghiệm…

10-38-23_2
Doanh nghiệp đóng vai trò thúc đẩy nông nghiệp CNC (Ảnh: Võ Dũng)

Đây là dự án NNCNC đầu tiên tại Thanh Hóa, được hợp tác với các viện nghiên cứu đầu ngành trong và ngoài nước, cho ra các giống mía sạch bệnh, chất lượng cao; cam giống và cam thương mại; rau quả an toàn chất lượng cao; dưa vàng, cà chua Cherry, ớt chuông;… Dự án này đặt mục tiêu doanh thu đến năm 2025 đạt 1.500 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 2.500 - 3.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Chinh, cán bộ Cty CP Mía đường Lam Sơn cho biết, ứng dụng NNCNC được xác định là một bộ phận cấu thành hỗ trợ đắc lực cho công ty trước mắt và lâu dài. Dự kiến, đến năm 2020, tỷ lệ giữa sản phẩm NNCNC và mía đường của công ty sẽ là 40/60.

Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM ở Thanh Hóa đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2020, tỷ lệ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn đạt 100%, trong đó sản phẩm ứng dụng CNC đạt 30%. Đề án tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 của Thanh Hóa xác định, phát triển NNCNC là hướng đi, là xu thế tất yếu.

Sau 5 năm bước chân sang lĩnh vực NNCNC, công ty đã tạo ra 2 giống mía LS1, LS2 cho năng suất, chất lượng cao từ công nghệ nuôi cấy mô, cung ứng để nông dân trồng 1,4 nghìn ha mía, cho năng suất tăng gấp 1,5 lần so với thực tế tại địa phương.

Nguồn giống rau, củ, quả sản xuất trong nhà lưới cũng đã cấp cho người dân sản xuất 130ha. Công ty xây dựng được 100ha nhà lưới và tự sản xuất được 123ha rau, củ, quả các loại để đưa vào 271 siêu thị từ Đà Nẵng ra các tỉnh phía Bắc. Năm 2018, từ lĩnh vực rau, củ, quả CNC, Lasuco đã có doanh thu 28 tỷ đồng và sẽ phấn đấu đạt 50 tỷ đồng vào năm 2019.

Nếu Lasuco sử dụng quỹ đất sẵn có để sản xuất NNCNC thì nhiều doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Cuối năm 2017, Cty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Alaka đầu tư trên 8 tỷ đồng cho 2,2ha nhà lưới tại huyện Thọ Xuân. Tuy nhiên, để mở rộng mô hình, doanh nghiệp này vẫn còn băn khoăn vì theo tính toán, thời gian khấu hao tài sản phải mất trên 10 năm, trong khi hợp đồng thuê đất với xã chỉ 5 năm.

Cùng với yêu cầu về quỹ đất tập trung, thời gian thuê, phát triển NNCNC cần phải có nguồn vốn lớn. Theo tính toán, để có 1ha nhà kính với các thiết bị công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu, cần 10 - 12 tỷ đồng; theo công nghệ Việt Nam 3 - 5 tỷ đồng. Riêng nhà lưới chi phí tối thiểu là trên 1,5 tỷ đồng/ha. Trong khi đó, tài sản của doanh nghiệp, hộ sản xuất ứng dụng CNC chủ yếu là nhà lưới, nhà kính lại chưa được tính vào giá trị khoản vay và danh mục thế chấp. Với doanh nghiệp đã thế, với hộ sản xuất, người dân thì khó khăn còn nhân lên gấp bội.

Theo ông Phạm Văn Chinh, đó là những khó khăn trong quá trình thực hiện. Còn khó khăn về thị trường mới mang tính chất sống còn của NNCNC. Vì vậy, thương mại và dịch vụ phải đồng hành và đi trước một bước. Nếu doanh nghiệp, hộ sản xuất không có thị trường ổn định, không liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm được thì sẽ triệt tiêu sản xuất.

10-38-23_3
Một góc dự án Trung tâm Nông nghiệp CNC Lam Sơn của Lasuco (Ảnh: Võ Dũng)

Ông Lê Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết, toàn huyện hiện có 55.000m2 nhà lưới của hộ gia đình, cá nhân nhưng việc ứng dụng CNC vào sản xuất đã được thực hiện 5 - 6 năm lại đây với khoảng 500ha cây trồng/năm. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NNCNC có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, nhận thức của người dân. Đến nay, toàn huyện có 10 xã ứng dụng, nhiều hộ dân nhảy vào làm nhưng sự hợp tác giữa người dân và doanh nghiệp chưa rõ nét.

“Để phát triển NNCNC, ngoài các chính sách “mồi” thì doanh nghiệp sẽ đóng vai trò thúc đẩy. Điều chúng tôi mong muốn là họ sẽ đầu tư vào chính địa bàn của họ sau đó có các chính sách đầu tư mở rộng theo chuỗi liên kết. Không có doanh nghiệp thì NNCNC rất khó thực hiện vì thế cần thu hút được càng nhiều doanh nghiệp càng tốt”, ông Hoàng nêu quan điểm.

Hiện nay, ngoài Khu NNCNC Lam Sơn - Sao Vàng, dự án chăn nuôi bò sữa của Vinamik; mô hình chăn nuôi theo chuỗi của các Cty Việt Hưng, Phú Gia, phát triển NNCNC tại Thanh Hóa vẫn chủ yếu dừng lại ở một số mô hình nhỏ, thiếu tập trung, mức độ áp dụng công nghệ thấp. Nếu không có giải pháp hữu hiệu tháo gỡ kịp thời những khó khăn thì mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng giá trị SXNN ứng dụng CNC của Thanh Hóa chiếm 30% tổng giá trị SXNN sẽ là một bài toán khó.

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm