| Hotline: 0983.970.780

'Dì Hai' và gợi ý của hai đời Tổng thống Mỹ cho nông sản Việt

Thứ Ba 08/10/2019 , 10:15 (GMT+7)

Hơn 10 năm trước ông Philip Kotler chuyên gia về tiếp thị hiện đại đã khuyên Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới.

08-45-44_nh_2
Rất đông khách đến thăm mô hình chuỗi lúa Nhật

Mới nghe qua tưởng như mơ hồ nhưng khi Tổng thống Bill Clinton ăn phở ở TP Hồ Chí Minh hay Tổng thống Barack Obama ăn bún chả ở Hà Nội thì thực sự ước mơ đó đã có những tiến triển nhất định...
 

Lúa gạo - nền tảng của ẩm thực Việt

Ẩm thực Việt có nhiều thứ bắt nguồn từ hạt gạo. Ngày nay bên cạnh những giống lúa đặc sản bản địa còn có những giống lúa đặc sản của thế giới cũng được du nhập về mà Japonica (lúa Nhật) là một ví dụ. Trong các dòng lúa Nhật đang trồng khá phổ biến ở nhiều tỉnh thành thì J02 (tên gọi dân dã là "Dì Hai") được nhiều người đánh giá là đầu bảng cả về chất lượng cũng như năng suất.

Trước đây sản xuất lúa gạo bị cắt riêng từng công đoạn. Doanh nghiệp bán giống cứ bán, nông dân sản xuất cứ sản xuất, thương lái thu mua cứ thu mua, không có sự kết dính nào mà chỉ mang nặng tính tự túc, tự phát nên hiệu quả kinh tế rất kém. Xã Cao Xá, huyện Lâm Thao là đơn vị đầu tiên của tỉnh Phú Thọ đã ký hợp đồng với Công ty CP Giống - Vật tư Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam để sản xuất theo chuỗi từ cung ứng giống đến bao tiêu sản phẩm. Và đây cũng là nơi tiên phong trong việc đưa “dì Hai” vào sản xuất ở vụ mùa.

Vốn là giống ưa khí hậu mát mẻ, J02 đặc biệt thích hợp với vụ xuân nên thử nghiệm trồng trong vụ mùa là cả một sự mạnh dạn của đơn vị cung ứng, thất bại sẽ phải đền bù. Ông Phạm Văn Hạnh-nông dân tiêu biểu của xã Cao Xá kể: “Để có cánh đồng lớn hôm nay không hề đơn giản. Nhờ người dân quyết liệt và nhất là chính quyền đi tiên phong mới làm được bởi được mùa không mấy ai nhắc đến công lãnh đạo nhưng hễ mất mùa là bị… réo tên ngay”.

Nhớ lại vụ xuân 2013 khi lần đầu tiên bà con Cao Xá tiếp cận với giống mới, đủ thứ bỡ ngỡ, hoài nghi nên công ty phải cử người giúp gieo mạ, cấp mạ, cấp thuốc bảo vệ thực vật cho rồi cầm tay mà chỉ việc. Kỹ thuật dần dần quen, gạo ăn dần dần nghiện. Giờ đây vụ xuân 95% diện tích của xã đã cấy J02 bởi hương thơm, vị đậm đặc trưng của gạo Nhật khó có gạo gì sánh bằng.
 

Có cơ sở để mở rộng trong vụ mùa

Thế nhưng muốn đảm bảo chất lượng phải có gạo tươi, bởi thế mà phải cấy ở cả hai vụ. Dân Cao Xá đã thử nghiệm cấy lúa Nhật ở vụ mùa 2014 nhưng thất bại hoàn toàn bởi duy ý chí, chưa nghiên cứu chưa kỹ các đặc tính của giống… Vụ mùa 2019, họ lại tiếp tục thử nghiệm trên quy mô 100 ha với số hộ tham gia lên tới 1.081. Nhờ được ký cam kết bảo hành năng suất và bao tiêu sản phẩm nên dân răm rắp tuân theo sự chỉ đạo của cán bộ với 3 cùng: cùng làm đất, cùng thời vụ, cùng giống. Cụ thể, cấy trong khung thời gian 6-10/7, chăm sóc cùng công thức 10kg supe lân, 8 kg đạm, 7 kg kali và 15 kg NPK 5:10:3 Lâm Thao/đầu sào.

Điều đặc biệt là toàn bộ cánh đồng đều sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu vừa giải phóng sức lao động vừa tiết kiệm chi phí, sức khỏe cho nông dân. Cụ thể, phun thuốc bằng máy bay chỉ 35.000đ/sào/lần trong khi phun thuốc thủ công mất đến 60.000đ/sào/lần.

08-45-44_nh_3
Lúa Nhật cả trong và ngoài mô hình đều rất tốt.

Vụ mùa năm nay nắng nóng kỷ lục nên cũng phần nào ảnh hưởng đến việc ngâm ủ mạ và khả năng sinh trưởng của cây lúa nhưng J02 vẫn thắng lớn. Năng suất trung bình đạt 70 tạ/ha, có nhiều hộ thâm canh cao đạt trên 80 tạ/ha tương đương với 280-300kg/sào như bà Hà, ông Khiêm ở khu Đông Lĩnh, bà Thược, bà Thu, ông Khải ở khu An Thái, Đông Thịnh, Hạ Thôn…

Không chỉ 100 ha trong mô hình mà 50 ha bà con tự cấy đều thành công. Hạch toán chi tiết J02 đã đem lại lợi nhuận 21 triệu đồng/ha, cao gấp hơn 4 lần so với giống lúa Khang dân quen thuộc.

Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Thọ cho biết, riêng vụ xuân 2019 diện tích trồng J02 của địa phương đã khoảng 9.000 ha. Kế hoạch sắp tới của tỉnh sẽ nâng tỷ lệ các giống lúa chất lượng lên 50% diện tích trong đó J02 sẽ là chủ lực.

“Vụ mùa năm nay diện tích trồng lúa của Phú Thọ đã giảm gần 2.000 ha so với mùa 2018, rất đáng báo động. Dân chưa giàu nhưng đã bỏ ruộng có cái mừng là đã biết tính toán hiệu quả kinh tế, không làm lúa bằng mọi giá nhưng có cái lo là bỏ nhưng không bán, không cho thuê, không cho mượn đất…

Qua thực tế chứng minh, J02 hoàn toàn có thể đưa vào ở vụ mùa nhưng cần cấy tập trung, thời điểm thích hợp là trà trung để tránh nắng nóng đầu vụ và cuối vụ có thời tiết mát cho tích lũy chất. Tôi hi vọng liên kết chuỗi kiểu này sẽ giảm được chuyện bỏ ruộng vì đầu vào giảm, đầu ra có người lo, hiệu quả kinh tế sẽ là khá”, ông Anh nói.

Bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Công ty Cổ phần Giống vật tư Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam nhận định: “Phải đối xử với nông nghiệp xứng đáng thì mới có thể giúp cho nông dân trở nên giàu có. Phú Thọ không tuy có lợi thế về diện tích cho sản xuất nhưng lại có lợi thế về chất lượng bởi có cả đồng bằng, trung du, miền núi nơi nhiệt độ chênh lệch ngày đêm lớn, thổ nhưỡng, khí hậu đặc thù. Thành công ở Cao Xá trong vụ mùa cả về năng suất lẫn chất lượng đã mở ra hướng mới cho công ty là sản xuất gạo tươi mỗi năm ở 3 vùng miền, ở 3 thời vụ. Thóc sau khi thu hoạch sẽ được giữ ở trong kho mát chỉ khi có đơn đặt hàng mới xay xát để đảm bảo chất lượng mà không phải sử dụng đến chất bảo quản".

"Hiện chúng tôi đang cung cấp gạo cho các bếp ăn tập thể lớn cũng như một số siêu thị, nhà hàng, phản hồi của thị trường rất khả quan. Không những thế, nhiều tỉnh thành còn chọn J02 để xây dựng thương hiệu gạo đặc sản cho địa phương mình…”, bà Tâm chia sẻ.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Bắt chó thả rông trên tinh thần không đánh trống bỏ dùi

ĐỒNG NAI Trước diễn biến bệnh dại phức tạp, tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu sẽ chặt đứt nguồn lây bệnh từ chó thả rông, chó dại.

Nuôi vịt, chăm lợn bằng điện thoại thông minh

Với sự chủ động đổi mới tư duy, nông dân Quảng Ninh ngày càng tự tin làm chủ công nghệ để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.