| Hotline: 0983.970.780

Hết hỗ trợ, 'dì Hai' tự đứng trên đôi chân của mình

Thứ Năm 04/07/2019 , 09:02 (GMT+7)

Thông thường những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới hay các giống mới, muốn mở rộng nhanh trong sản xuất đều cần những chính sách hỗ trợ kiểu “mồi” của nhà nước.

Tuy nhiên có nhiều thứ hết “mồi” là biến mất nhưng cũng có những thứ hết “mồi” vẫn phát triển vững bền...
 

Huyện có 68,6% diện tích lúa chất lượng

Ứng Hòa là huyện có diện tích cấy lúa lớn của Hà Nội với tổng diện tích trên dưới 9.000ha tuy nhiên giá trị kinh tế từ hạt thóc không mấy hấp dẫn người dân. Do canh tác manh mún, vài chục giống trên một cánh đồng lại thêm kỹ thuật sản xuất kém, công nghệ phơi sấy, bảo quản lạc hậu nên tỷ lệ thu hồi gạo thấp, chất lượng gạo phập phù. Thóc thường được phơi trực tiếp trên sân bê tông hoặc đường nhựa, dưới trời nắng to cho nhanh khô nên tạp chất nhiều mà nhất là gây nên hiện tượng bạc bụng, nứt gãy, hạ phẩm cấp, giá trị của hạt gạo.

08-22-08_nh_1
Kiểm tra gạo sau khi xay xát.

Để nâng cao giá trị của hạt gạo, Ứng Hòa chủ trương đẩy mạnh phát triển chương trình lúa hàng hóa. Huyện đã đưa nhiều giống lúa mới vào sản xuất như Sơn Lâm 1, Sơn Lâm 2, Thiên Ưu 8 mà nhất là J02-một giống lúa có nguồn gốc từ Nhật Bản.

Bắt đầu từ 3-4 năm trước huyện hỗ trợ người dân tham gia chương trình bằng giống, thuốc bảo vệ thực vật và công chỉ đạo mô hình nhưng không theo dạng nhỏ hẹp mà tập trung thành những cánh đồng mẫu lớn từ 20 ha trở lên với mục tiêu 1 cánh đồng, 1 giống, 1 quy trình sản xuất đồng nhất.

Tính ra với mức hỗ trợ khoảng 2 triệu/ha thì tổng kinh phí để hỗ trợ khoảng 4-5 tỉ đồng/vụ. Và cũng nhờ đó, mà diện tích cấy lúa chất lượng cao ở địa phương này đã tăng nhanh đột biến mà nhất là giống lúa Nhật J02, đạt trên 2.000 ha. Theo thống kê của phòng Kinh tế, năng suất của J02 vụ xuân bình quân đạt 250kg/sào, cao hơn hầu hết các giống lúa thuần khác thậm chí là cả lúa lai.

Điều quan trọng hơn là chất lượng vượt trội của lúa Nhật. Dù đặc thù chung của miền Bắc là mỗi nhà chỉ có diện tích vài sào nhưng do chăn nuôi tận dụng giờ ít, cơ cấu thức ăn của người giờ phong phú hơn nên lượng gạo dôi dư làm hàng hóa trong mỗi gia đình nông dân mỗi lúc một nhiều.

Bởi thế, điều quan tâm đầu tiên với nông dân trước mỗi thời vụ không phải chỉ là giống đó năng suất ra sao, sức chống chịu với điều kiện ngoại cảnh thế nào, chất lượng tốt hay xấu mà là có bán được không? Mỗi sào cấy lúa J02 cho lãi thuần đạt khoảng hơn 900.000đ/vụ vượt xa so Bắc Thơm số 7 - giống lúa chất lượng nổi tiếng gần như chưa thể thay thế ở nhiều địa phương tới 200.000đ.

Từ việc phải hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật, công chỉ đạo sản xuất để “mồi”, chính thức vụ xuân 2019 huyện Ứng Hòa đã ngưng chính sách hỗ trợ. Thế nhưng diện tích lúa chất lượng đã không những giảm mà lại còn tăng.

Cụ thể, trên tổng diện tích trồng lúa 8776 ha thì lúa chất lượng cao đạt 6.019 ha, chiếm 68,6% diện tích, tăng 8,1% so với cùng kỳ; năng suất lúa đạt 61,8 tạ/ha, sản lượng ước đạt 54.196 tấn. Nếu như trước đây lúa Nhật chỉ đạt trên 2.000 ha thì nay đạt khoảng 3.000 ha.

Chính vì thế, huyện đã tăng cường chỉ đạo phấn đấu tỷ lệ lúa chất lượng cao ở vụ mùa đạt 50% trở lên trong đó giống lúa J02 đạt từ 35%.

Bên cạnh đó, khuyến khích tăng cường áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất như cấy thưa, cấy nhỏ rảnh và áp dụng biện pháp 3 giảm 3 tăng để hạn chế chi phí thuốc bảo vệ thực vật, tăng chất lượng, độ an toàn của nông sản.
 

Những điều cần phải giải quyết

Tuy nhiên, một khi diện tích lúa chất lượng đã chiếm thế áp đảo so với lúa thông thường thì một lần nữa đầu ra của sản phẩm trở thành một vấn đề cần phải quan tâm. So với tốc độ mở rộng diện tích rất nhanh thì vấn đề công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm và xúc tiến thương mại cho lúa Nhật nói riêng và lúa chất lượng cao nói chung của Ứng Hòa lại chuyển biến khá chậm.

Hiện tại, trên địa bàn huyện mới chỉ có 1 HTX Sản xuất Kinh doanh Nông nghiệp Đoàn Kết xây dựng 15 giàn sấy lúa tại xã Hồng quang để thu mua lúa tươi J02 đem vào chế biến. Đơn vị này cũng đang xây dựng dự án chuỗi sản xuất - chế biến lúa gạo tại xã Liên Bạt nhằm thu mua, bao tiêu lúa gạo cho bà con.

08-22-08_nh_2
Canh độ lửa của giàn sấy lúa.

Huyện đã hoàn thành việc xây dựng nhãn hiệu gạo chất lượng Khu Cháy, đã được Cục Sở hữu Trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại quyết định số 93898/QĐ-SHTT ngày 24/12/2018, giao cho HTX Đoàn Kết sử dụng nhằm nâng cao giá trị hàng hóa cho sản phẩm lúa gạo của huyện, tăng thu nhập cho người nông dân, khuyến khích người nông dân sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa, có liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp bao tiêu.

Tuy nhiên, phần lớn lượng thóc chất lượng cao trong dân vẫn chưa được chế biến tinh, chưa có thương hiệu mà chỉ là bán theo kiểu “hàng xáo” nên thường xuyên tái diễn điệp khúc được mùa mất giá, làm giảm thu nhập của người nông dân và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Chính vì thế, ý nghĩa lớn nhất của chương trình lúa hàng hóa là đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân chưa thực sự đạt.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là sự lỏng lẻo trong việc liên kết sản xuất của chương trình lúa hàng hóa. Chưa hình thành tổ chức đại diện cho các đơn vị tham gia cùng mua chung, bán chung một sản phẩm để từ đó áp đặt quy chuẩn chung cho sản xuất, chế biến, bảo quản.

HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện còn yếu, chưa đa dạng dịch vụ để đáp ứng được yêu cầu mỗi lúc một khó tính của sản xuất hàng hóa.

Vì vậy, trong thời gian tới Ứng Hòa cần tập trung thúc đẩy sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị trong đó ưu tiên việc thu hút doanh nghiệp đầu tàu về chế biến, thương mại lúa gạo hàng hóa cho người dân. Xây dựng quy chế, quy định cho hệ thống thu mua tránh tình trạng tranh mua tranh bán, phá vỡ hợp đồng, gây thiệt hại cho các bên.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, mục tiêu của thành thành phố phấn đấu đến năm 2020 có 20% diện tích lúa Nhật, năm 2025 có 30% diện tích, hình thành và phát triển 50 - 60 vùng sản xuất lúa Nhật đủ tiêu chuẩn. Song song với đó, Hà Nội sẽ hỗ trợ mạnh những công đoạn còn yếu hiện nay như công nghệ sấy, sơ chế, chế biến, bảo quản, xúc tiến thương mại…

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm