| Hotline: 0983.970.780

Đi hát dạo nuôi bà bị bệnh tai biến

Thứ Sáu 06/04/2012 , 11:01 (GMT+7)

Mới 12 tuổi nhưng em Nguyễn Trâm Anh, hiện đang trọ ở khóm 3, phường 4, TP.Cà Mau đã có 7 năm đi hát dạo ở các đám cưới kiếm tiền về nuôi em và bà bị bệnh nặng.

Mới 12 tuổi nhưng em Nguyễn Trâm Anh, hiện đang trọ ở khóm 3, phường 4, TP.Cà Mau đã có 7 năm đi hát dạo ở các đám cưới kiếm tiền về nuôi em và bà bị bệnh tai biến liệt nửa người.

Tuổi thơ của Trâm Anh là chuỗi ngày bất hạnh, cha mẹ lại bất đồng trong cuộc sống nên đã chia tay nhau, mỗi người đi một ngả, bỏ lại 2 chị em Trâm Anh bơ vơ giữa cuộc đời khi mới lên 2. Từ đó, hai chị em Trâm Anh và Nguyễn Xuân Mai phải sống cùng bà ngoại hết nhà trọ này đến nhà trọ khác. Bà Nguyễn Thị Dung (57 tuổi), bà ngoại Trâm Anh buồn bã kể lại: “Chồng tui đi theo vợ khác lâu rồi, cha, mẹ Trâm Anh cũng ly dị nhau rồi bỏ đi, từ đó 3 bà cháu sống đùm bọc với nhau. Mấy bà cháu sống chủ yếu bằng tiền đi nhặt phế liệu”. Thương bà, thương em, Trâm Anh theo bà đi nhặt phế liệu ở các cống rãnh, về nhà lại cáng đáng công việc của người “phụ nữ” chính trong gia đình, từ giúp bà nấu cơm, chăm em, giặt quần áo… 

Bé Trâm Anh cắt rau lo bữa ăn cho 3 bà cháu

Thế nhưng nỗi bất hạnh lại ấp đến khi bà Dung bị bệnh tai biến phải nằm một chỗ. Dù mới 5 tuổi nhưng Trâm Anh đã mạnh dạn đề xuất với bà: “Bà cho cháu đến các đám cưới xin chủ nhà vô hát, ai thương thì cho ít tiền về nuôi bà”. Nỗi bất hạnh của Trâm Anh được tạo hóa bù đắp phần nào khi phú cho em cái giọng hát truyền cảm. Chất giọng của “ca sỹ bất đắc dĩ” được cất lên từ tấm lòng hiếu thảo với bà, thương em rất mực đã lay động lòng người. Sau khi hát xong, có người thương tình cho Trâm Anh ít tiền nhưng cũng có khi chỉ là tràng pháo tay hoặc cái nhìn thương cảm. Rồi Trâm Anh lại ngậm ngùi trở về nhà trọ nơi có bà ngoại bệnh tai biến liệt nửa người chờ cháu về thuốc thang, nơi đứa em chờ chị mang tiền về mua gạo nấu cơm.

Trong 10 năm theo bà ngoại ở nhà trọ, thì có tới 7 năm Trâm Anh đóng toàn bộ số tiền nhà cho chủ trọ. Cám cảnh gia đình, chủ trọ thương tình cho đóng trễ dăm ba hôm. Mỗi tháng Trâm Anh cũng phải đóng ngót trên 400 ngàn đồng tiền trọ, điện nước. Để có được tiền lo cho bà, cho em, đóng tiền trọ, Trâm Anh rong ruỗi khắp ngõ ngách, ở đâu có người gọi là Trâm Anh xuất hiện, bất kể là trời nắng hay mưa, có khi em mải hát đến tận 11 giờ đêm mới về.

Trong căn nhà trọ ẩm thấp chưa đầy 10 m2 (ở khóm 3, phường 4, TP Cà Mau) là nơi trú ngụ của 3 bà cháu. Không được học, không vốn liếng, chỉ có lời ca tiếng hát trẻ thơ đi hát từng ngày để đổi lấy chén cơm sống qua ngày. Mặt chữ chưa rành, Trâm Anh chỉ tập đánh vần qua những ngày bà ngoại mua sách về dạy cho, lời ca tiếng hát thì học lóm của các ca sỹ trên các đĩa nhạc, không người dạy hát… Ấy vậy mà, hè năm 2011, Trâm Anh liên tục được nhận 4 giấy khen vì có thành tích trong Hội thi tiếng hát Hoa phượng đỏ. Nói về ước mơ của mình, bé Trâm Anh bọc bạch: “Em chỉ mong được đi học để sau này có thể nuôi bà và nuôi em”.

Anh Nguyễn Thanh Phong, người ở cùng dãy nhà trọ với bà cháu Trâm Anh cho biết: “Hoàn cảnh mấy bà cháu Trâm Anh rất khổ. Bà ngoại bệnh tật, một mình Trâm Anh phải đi hát kiểm tiền nuôi bà và nuôi em. Thấy rất thương cảm nhưng tôi cũng là người nghèo đi ở trọ, chẳng có gì để giúp đỡ”. Bởi vậy, gia cảnh này rất cần sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm để em thực hiện được ước mơ đi học và nuôi bà, nuôi em.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ trên hoặc gửi về Văn phòng Báo NNVN, số 49 Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ, ĐT: 0710.3845431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm