Hết vốn, tốn công
Đêm trước, cơn mưa không ngớt khiến dòng sông Mã bị nhuộm đỏ. Vậy nhưng các hộ dân làm nghề chài lưới tại thị trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) cũng chả buồn quan tâm. Dẫu sao, cá lồng đã chết, dân cũng hết vốn để tái sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở khu phố 1 Lâm Xa (thị trấn Cành Nàng) khẳng định mình là người đầu tiên phát hiện dòng nước màu đen chảy dọc sông Mã cách đây chưa lâu. Rạng sáng hôm đó, vợ chồng chị bất ngờ trúng đậm mẻ cá, tôm chừng khoảng 30 - 40kg. Vì cá nổi trên mặt nước bất thường nên việc đánh bắt cũng thuận lợi hơn. Chị Hoa vừa dong thuyền dọc sông Mã vừa gọi với thuyền khác ngược dòng lên phía thượng nguồn để bắt cá...
Chị Hoa tưởng vớ bẫm mẻ lưới, thế nhưng cá vừa kéo lên trông yếu ớt và chết rất nhanh. Phía bờ sông xuất hiện hiện tượng cá, tôm nổi lờ đờ trên mặt nước và dạt vào bờ. Nghi ngờ việc cá chết do ô nhiễm nguồn nước sông Mã, vợ chồng chị Hoa vừa dong thuyền vừa hô hoán các hộ dân chài di chuyển lồng bè, đề phòng thiệt hại.
“Dòng nước màu đen, bốc mùi hôi thối như luồng ngâm. Chồng tôi không tin liền lấy tay vốc nước lên để thử nhưng phải vội vàng nhả ngay tức khắc vì tạp chất gây rát họng và mùi vị rất khó chịu. Người dân sau khi phát hiện nước đổi màu đã nhanh chóng di chuyển lồng bè để cứu cá...”, chị Hoa kể lại.
Cũng vì nước sông Mã xuất hiện màu đen bất thường nên nhiều gia đình nuôi cá lồng thiệt hại nặng nề, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần, túng quẫn. Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng ở phố 1 Lâm Xa (thị trấn Cành Nàng) có 3 lồng cá tương đương khoảng 3 tạ cá sắp được thu hoạch, nhưng trong vòng 1 tháng trở lại đây, gia đình phát hiện 5 lần cá chết bất thường.
Chị Hồng nhận định, cá chết là do nguồn nước sông Mã bị ô nhiễm. “Dòng nước đen tràn về khiến cá bạc hết thân và chết rất nhanh. Người dân trong xóm không ai dám lấy cá làm thực phẩm hay cho lợn, gà ăn vì sợ vật nuôi nhiễm bệnh. Số cá còn lại may mắn được cứu vì dân chuyển lồng xuống hón nước cạnh sông nhưng được vài hôm thì cá tiếp tục chết và thiệt hại toàn bộ lồng nuôi”, chị Hồng kể.
Người phụ nữa dự định sẽ dùng số tiền bán cá để trả một phần nợ ngân hàng, nay bỗng chốc tay trắng. Người dân mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí, cấp lại giống để sản xuất, gỡ gạc lại vốn. Trong khi đó, một số hộ dân khác thì đắn đo tái thả giống bởi lo ngại nguồn nước sông Mã có thể ô nhiễm trở lại, gây thiệt hại như năm nay và cũng bởi họ hết vốn để mua cá giống.
Cũng theo phản ánh của dân chài, một vài năm trở lại đây, nguồn lợi thủy sản trên sông Mã giảm hẳn do nguồn nước bị ô nhiễm. Cũng chính vì vậy, thu nhập, đời sống của người dân bị ảnh hưởng. “Trước đây, nếu thả 100 lồng lưới bát quái có thể thu về 4 - 5kg tôm cá/ngày nhưng nay chỉ thu về 3 lạng. Nguồn lợi thủy sản khan hiếm, trong khi nuôi cá lồng gặp nhiều rủi ro khiến cuộc sống người dân gặp không ít khó khăn. Cứ thế này thì chúng tôi hết kế sinh nhai”, chị Hồng than thở.
Cá chết do thiếu oxy có thuyết phục?
Sau khi kiểm tra thực tế, cơ quan có thẩm quền xác nhận hiện tượng cá chết lác đác, nhỏ lẻ ở một số hộ dân trên sông Mã đoạn chảy qua địa bàn huyện Bá Thước từ ngày 20/3/2024 và sau đó cá chết nhiều từ ngày 27/4/2024. Ngoài cá nuôi lồng còn có hiện tượng cá tự nhiên ngoi lên mặt nước, dạt vào bờ, đặc biệt có hiện tượng cá tự nhiên chết như tại thị trấn Cành Nàng, xã Thiết Ống…
Huyện Bá Thước cũng là địa phương chịu thiệt hại lớn nhất vì hiện tượng cá chết bất thường. Theo ước tính của cơ quan có thẩm quyền, có tới hơn 13 tấn cá tại 231 lồng nuôi và khoảng 200 hộ dân bị thiệt hại. Hiện tượng cá lồng và cá tự nhiên chết bất thường cũng xuất hiện trên sông Mã đoạn chảy qua địa bàn xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thuỷ với 21/328 lồng bị thiệt hại, tương đương gần 1 tấn cá (đây là xã tiếp giáp với huyện Bá Thước có sông Mã chảy qua).
Trước thực tế trên, UBND huyện Bá Thước đã phối hợp với cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, xác định nguyên nhân cá chết, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu gom, tiêu hủy xác cá, đồng thời khuyến cáo người dân không sử dụng nguồn nước sông Mã phục vụ sinh hoạt.
Mới đây, Sở TN-MT Thanh Hóa đã công bố kết quả phân tích các mẫu nước tại khu vực cá lồng chết bất thường. Cơ quan này cho biết, hiện tượng cá chết tại nhiều lồng nuôi trên sông Mã của bà con tại huyện Bá Thước có nguyên nhân từ việc hàm lượng oxy hòa tan thấp, nước có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các chỉ tiêu COD, BOD5, tổng Nitơ, có thể gây ảnh hưởng tới cá và các sinh vật sống trong môi trường nước. Tuy nhiên không phát hiện các hóa chất độc hại và kim loại nặng trong nước.
Như vậy, với kết luận này, việc hàng chục tấn cá chết bất thường là do sự thay đổi các yếu tố có tính tự nhiên của môi trường chứ không phải tác nhân do quá trình sản xuất hoặc tác động khác do con người gây nên.
Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, việc lấy mẫu nước và kết luận nguyên nhân cá chết do thiếu oxy chưa thật sự thuyết phục, bởi thời điểm lấy mẫu không trùng với thời gian người dân phát hiện nước sông Mã chuyển màu đen và có dấu hiệu ô nhiễm nặng. Trong khi đó, chính quyền sở tại dù có phát hiện nước sông Mã ô nhiễm tại thời điểm có tin báo và tiến hành lấy ngay mẫu nước cũng không được cơ quan chuyên môn chấp nhận, bởi cấp huyện không có chức năng này và mẫu nước cung cấp không đảm bảo kỹ thuật trong quá trình thu thập, bảo quản mẫu nước.
Một số người dân khác đặt câu hỏi: Nếu nước sông thiếu oxy, tại sao cá tôm ở phía thượng lưu (tính từ xã Phú Thanh, Quan Hóa trở lên) không chết mà chỉ chết phía hạ lưu? Ngoài ra, kinh nghiệm của người nuôi cá cũng cho thấy nếu thiếu oxy, cá chỉ chết từ từ với tỷ lệ không nhiều chứ không thể chết với số lượng lớn, đồng loạt như vậy. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đã sử dụng các biện pháp xử lý (sục oxy, xử lý môi trường nuôi) nhưng cá vẫn chết.
Một số ý kiến từ phía người trong cuộc nhận định, cá chết không loại trừ nguyên nhân nước sông Mã bị ô nhiễm do tác động của con người mà cụ thể là hoạt động sản xuất kinh doanh gây ra. Từ nhận định trên, chúng tôi tiếp tục ngược sông Mã để kiểm chứng.
Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã trực tiếp khảo sát nguy cơ phát thải ra sông Mã tại một số cơ sở sản xuất giấy, vàng mã trên địa bàn huyện Bá Thước và Quan Hóa. Các cơ sở này nằm cạnh sông Mã, tuy nhiên các chủ cơ sở đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn. Nước thải sau trong quá trình sản xuất được thu gom tại bể chứa và thực hiện các quy trình xử lý và lưu tại bể để tái sử dụng. Các máy bơm hút nước từ sông Mã phục vụ hoạt động sản xuất được đặt cạnh sông và được lắp đặt camera giám sát 24/24 giờ, đồng thời được kết nối tới trung tâm theo dõi và không phát hiện hiện đường ống xả nước ra môi trường.
Khảo sát tại Nhà máy Thủy điện Bá Thước 1 cho thấy, từ đầu năm 2024 không có hiện tượng xả đáy. Mực nước phía dưới đập rất thấp do thủy điện đang đóng các cửa van đập tràn. Thời điểm ngày 28/4, Thủy điện Bá Thước 1 xả đáy nên hàm lượng oxy trong nước được cải thiện. Như vậy, phản ánh của người dân về dòng nước đen bốc mùi trên sông Mã đoạn chạy qua huyện Bá Thước có thể không xuất phát từ địa phương này.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bá Thước cho biết, hiện huyện đã lập danh sách các hộ dân bị thiệt hại do cá lồng chết để hỗ trợ. Tuy nhiên, đây chưa phải thời điểm thích hợp để tái sản xuất cá lồng trên sông Mã vì cần thời gian để nước sông Mã ổn định trở lại.