| Hotline: 0983.970.780

Những nông dân 'bốn chấm' ở miền Tây

'Địa chỉ đỏ, địa chỉ xanh' ở Thanh Bình

Thứ Năm 03/03/2022 , 09:44 (GMT+7)

Chỉ sau vài năm thành lập, nơi đây đã trở thành địa chỉ hấp dẫn, thu hút nhiều người tìm đến, từ doanh nghiệp, sinh viên, khách du lịch đến nông dân…

Đây là mô hình tiên phong trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường. Đồng thời, là nơi duy nhất cung cấp nhiều loại cây rau màu ghép gốc cho người nông dân. Đó là Nông trại sinh thái Ecofarm Đồng Tháp (ấp Nam, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp).

Địa chỉ đỏ của nông dân

Trang trại Ecofarm Đồng Tháp rộng 11ha, nằm sát bên bờ sông Tiền. Mặc dù thời điểm chúng tôi đến trời đang nắng gắt, nhưng ở đây vẫn khá thoáng mát nhờ những vườn mít, xoài quýt, và gió từ sông thổi lên.

Ecofarm Đồng Tháp nằm ngay bên bờ con sông Tiền. Ảnh: Phúc Lập.

Ecofarm Đồng Tháp nằm ngay bên bờ con sông Tiền. Ảnh: Phúc Lập.

Ecofarm Đồng Tháp thuộc công ty CP Ecofarm, thành lập năm 2015, là đơn vị đầu tiên ở Đồng Tháp bỏ ra số tiền khá lớn để nhập đến 30 ngàn m2 nhà kính với giá khoảng 800 triệu cho diện tích 1.000m2 từ Israel về làm mô hình nhà kính. Thời điểm cách đây 6 - 7 năm, đây là mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao tiên tiến nhất ở Thanh Bình với hệ thống tưới ngầm, châm phân, dinh dưỡng tự động hoàn toàn. Đồng thời, đây cũng là nơi đầu tiên và duy nhất ở Đồng Tháp hiện nay ghép gốc các loại rau màu như cà tím, cà chua, ớt, khổ qua.

Anh Trần Văn Sơn, Giám đốc công ty Ecofarm, đón chúng tôi và cho biết, do dịch bệnh Covid-19 nên mấy tháng qua, trang trại không có khách tham quan. Các loại cây trồng ngắn ngày như dưa lê, dưa lưới, cũng giảm diện tích.

“Ecofarm hiện có 5ha trồng cây đặc sản địa phương là xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, quýt Lai Vung… bắt đầu cho thu hoạch, 3ha nhà kính trồng dưa lê, dưa lưới, các loại rau ăn lá. Riêng về cây rau màu ghép gốc thì mặc dù mơi làm mấy năm, nhưng đã tạo được lòng tin của bà con rồi, vì hiệu quả rất tốt. Hiện nay Ecofarm cung cấp hàng triệu cây giống các loại cho bà con. Tôi sẽ dẫn các anh ra khu nhà kính xem quy trình ghép gốc cây rau màu”, anh Sơn cho biết.

Nhà kính ươm giống và ghép gốc các loại rau mầm của Ecofarm. Ảnh: Phúc Lập.

Nhà kính ươm giống và ghép gốc các loại rau mầm của Ecofarm. Ảnh: Phúc Lập.

Nói rồi anh dẫn chúng tôi ra khu nhà kính cách đó cả cây số. Bên trong nhà kính rộng 500m2 được thiết kế các giàn di động, cách mặt đất khoảng 60cm, trên các giàn xếp kín các bầu ớt, cà tím từ 1 - 3 tuần tuổi.

Trả lời câu hỏi về ưu, nhược điểm của việc ghép cây, nữ kỹ sư Võ Duy Phương Thảo đang cùng nhân viên chăm sóc những liếp rau vừa đâm chồi tại đây phân tích: “Cây ghép có ưu điểm vượt trội về khả năng kháng bệnh, năng suất cao hơn, thời gian thu hoạch lâu hơn. Còn nhược điểm thì không lớn, đó là cây mầm chỉ ươm trong 1 tháng là có thể trồng trên ruộng, nhưng ghép thì phải thêm khoảng 3 tuần nữa mới trồng được. Ngoài ra, chi phí cũng cao hơn chút. Như giá cây cà tím ghép cao hơn khoảng 3 lần. hoặc cây khổ qua, 1 hạt giống giá 1,5 ngàn đồng, nhưng 1 cây ghép giá tới 5 ngàn".

Về quy trình ghép, Phương Thảo cho biết, cây giống sạch bệnh, khoảng 30 ngày tuổi mới bắt đầu cắt ghép để độ lớn thân cây vừa với ống ghép. Đầu tiên cắt gốc ghép phía trên 2 lá mầm, cắt xéo 40 độ, tương tự, ngọn ghép cũng cắt xéo. Sau đó, gắn ống ghép tự tiêu vào thân. Và cuối cùng là đưa phần ngọn vào ghép cho khớp với phần gốc trong ống.

Kỹ sư Võ Duy Phương Thảo đang thực hiện quy trình cắt, ghép gốc cây ớt giống. Ảnh: Phúc Lập.

Kỹ sư Võ Duy Phương Thảo đang thực hiện quy trình cắt, ghép gốc cây ớt giống. Ảnh: Phúc Lập.

“2 cây ghép với nhau có nguồn gốc thế nào?”, tôi hỏi. Cô đáp: “Phần gốc ghép là hạt giống công ty nhập, sạch bệnh, cây khỏe, nhưng năng suất kém, còn phần ngọn là hạt giống địa phương, năng suất cao, nhưng chống chọi sâu bệnh kém, thời gian thu hoạch ngắn, bà con mang đến đặt mình ghép”.

“Năng suất cây ghép cao hơn bao nhiêu so với cây không ghép?”, tôi hỏi. “Theo khảo sát từ những mô hình trồng cây ghép của bà con thì năng suất cao hơn khoảng 1,5 lần so với cây không ghép. Ngoài ra, do cây ghép khỏe hơn, nên thời gian thu hoạch cũng dài hơn”, Thảo nói.

Khu vực vườn mít rất đẹp ở Ecofarm. Ảnh: Phúc Lập.

Khu vực vườn mít rất đẹp ở Ecofarm. Ảnh: Phúc Lập.

“Nhìn quy trình ghép thấy có vẻ đơn giản?”, nghe thắc mắc, Phương Thảo giải thích: “Coi vậy chứ không dễ đâu. Tỷ lệ sống của cây phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm. Như phải chọn 2 cây có cùng kích thước, rồi khi cắt 2 vết trên 2 cây phải tương đồng với nhau để khi ghép lại, 2 vết cắt này khớp nhau như 1 cây cắt đôi xong ghép lại vậy. Vết cắt càng khớp thì “vết thương” của cây càng mau lành, cây khỏe hơn. Ngược lại, nếu vết cắt không đều, hoặc 2 cây có độ to nhỏ khác nhau, ghép lệch… thì cây có thể chết, hoặc lâu hồi phục, cây không khỏe. Hồi đầu mới làm, tôi chỉ ghép 1 ngày vài trăm cây, giờ tăng lên khoảng 1 ngàn cây 1 ngày".

Địa chỉ xanh của cộng đồng

Rời khu nhà kính ươm giống rau mầm, chúng tôi tiếp tục theo Giám đốc Trần Văn Sơn tham quan khu vực vườn trái cây, ao cá, nhà dưa lưới, khu chăn nuôi… Tất cả đều được quy hoạch khá bài bản.

Nhà kính trồng dưa lưới theo hướng hữu cơ ở Ecofarm sẽ là nơi cho khách tham quan trải nghiệm thực tế. Ảnh: Phúc Lập. 

Nhà kính trồng dưa lưới theo hướng hữu cơ ở Ecofarm sẽ là nơi cho khách tham quan trải nghiệm thực tế. Ảnh: Phúc Lập. 

Công ty định hướng từ đầu là xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch trải nghiệm, chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững gắn với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Toàn bộ quy trình sản xuất ở đây đều làm theo các mô hình hiện đại nhất của Israel. Trong đó, chú trọng sản xuất bền vững, cho ra sản phẩm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái. Vì thế, việc xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp đã được đầu tư ngay từ đầu mới thành lập Ecofarm”, anh Sơn nói. Quả thật, khi đi ngang khu vực ủ phân vi sinh, các loại chất thải, không có mùi hôi, mùi lạ.

Heo, gà ở Ecofarm. Ảnh: Phúc Lập.
Heo, gà ở Ecofarm. Ảnh: Phúc Lập.

Heo, gà ở Ecofarm. Ảnh: Phúc Lập.

“Du lịch trải nghiệm cụ thể là gì?”, tôi thắc mắc. “Có thể hiểu là hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá một địa điểm nhằm thưởng thức, học tập, tích lũy, rèn luyện thêm những kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết để du khách hiểu hơn về giá trị của bản thân và cuộc sống, công việc của chính mình cũng như của cộng đồng. Với sứ mệnh “Vì lợi ích dài lâu” và những ưu thế, sở trường của riêng mình, Công ty Ecofarm đã nghiên cứu và phát triển mô hình hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp dịch vụ du lịch trải nghiệm. Đây là sự kết hợp giữa sự trình diễn những công nghệ mới nhất trong công nghệ trồng trọt hiện đại và những hoạt động mang tính thông tin, truyền bá, hỗ trợ huấn luyện kỹ năng... mang đến cho du khách những trải nghiệm khác biệt ngoài việc thưởng thức phong cảnh đẹp, sản phẩm ngon, an toàn”, anh Sơn giải thích.

Khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng nhiều lần đến Ecofarm để động viên, khích lệ cán bộ, nhân viên tại đây. Ảnh: Ecofarm.

Khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng nhiều lần đến Ecofarm để động viên, khích lệ cán bộ, nhân viên tại đây. Ảnh: Ecofarm.

Theo kế hoạch, nhiều hạng mục trong mô hình Ecofarm đang từng bước triển khai. Đó là đường hoa ven sông, đảo hoa trong hồ sinh thái, trại ong mật; vườn thú cưng tương tác; mê cung hoa; tháp quan sát sông Tiền.

“Trong hoạt động trải nghiệm, du khách có thể quan sát các hoạt động sản xuất như thụ phấn hoa, hoạt động của hệ thống cung cấp nước, dinh dưỡng tự động, nuôi ong mật, nhân giống hoa, cây sạch bệnh, thu hoạch dưa. Thậm chí có thể tham gia các khóa huấn luyện kỹ năng thực hành như giâm chiết - ghép hoa cảnh; thu mật và thu phấn hoa; lắp ghép hệ thống phun tưới tự động (phun quay, tưới nhỏ giọt), kỹ thuật thủy canh rau ăn lá...

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) đến chia vui với thành quả của Ecofarm khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Ảnh: Ecofarm.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) đến chia vui với thành quả của Ecofarm khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Ảnh: Ecofarm.

Với hoạt động du lịch trải nghiệm nêu trên tại nông trại, du khách sẽ có được những khoảng thời gian thú vị, sôi động trong hoạt động trải nghiệm cũng như những phút giây thư giãn, bình yên, ngắm dòng sông Tiền và thưởng thức những món ăn yêu thích, mang đậm phong thái, hương vị quê hương”, anh Sơn nói.

"Với mục tiêu phát triển thương hiệu nông sản địa phương, cải thiện kĩ thuật sản xuất, nâng cao đời sống của người dân và bảo vệ môi trường, Ecofarm đã tăng cường liên kết, hợp tác với các đơn vị như trường Đại học Cần Thơ; Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân Bón và Môi trường Phía Nam; Viện Bảo vệ Thực vật; và Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục, Môi trường và Phát triển… Ngoài ra, Ecofarm cũng chú trọng đầu tư cho nguồn nhân lực. Ngay từ năm 2010, công ty đã cử một nhóm kỹ sư nông nghiệp đi tập huấn tại Israel về công nghệ quản lý nguồn nước và công nghệ sau thu hoạch", anh Phạm Văn Sơn, giám đốc Ecofarm Đồng Tháp.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.