| Hotline: 0983.970.780

Địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch bệnh diện rộng

Thứ Sáu 28/06/2024 , 11:30 (GMT+7)

ĐĂK LĂK Trước tình hình dịch trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các địa phương tăng cường các giải pháp, phòng chống dịch có hiệu quả.

Trước việc dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công điện chỉ đạo về việc tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại địa phương này.

Các địa phương tại Đắk Lắk tổ chức tiêm phòng lở mồm long móng trên bò. Ảnh: Quang Yên.

Các địa phương tại Đắk Lắk tổ chức tiêm phòng lở mồm long móng trên bò. Ảnh: Quang Yên.

Theo đó công điện nêu rõ, từ đầu năm 2024 đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên cả nước diễn biến khá phức tạp, nhất là dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 410 xã thuộc 40 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 17.400 con, tăng 53,74% so với cùng kỳ năm 2023; 34 tỉnh, thành phố đã phát hiện động vật nghi mắc bệnh dại; 7 tỉnh đã xảy ra cúm gia cầm A/H5N1, buộc tiêu hủy trên 12.000 con gia cầm, đặc biệt đã có 1 người chết vì nhiễm vi rút cúm A/H5N1 và 1 người nhiễm vi rút cúm A/H9N2…

Tại tỉnh Đắk Lắk, dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 7 huyện (Krông Năng; Lắk, Krông Bông, Krông Pắc, Ea Súp, Cư M’gar và Cư Kuin) làm chết và tiêu hủy 189 con, với tổng khối lượng 6.335 kg; đã phát hiện và tiêu hủy 29 con chó mắc bệnh dại và nghi mắc bệnh dại…

Để công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm kịp thời, hiệu quả, hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và cuộc sống của người chăn nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, theo đúng quy định của pháp luật về Thú y, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và các địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh động vật tại các địa phương; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi; thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh…

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk kiểm tra heo bị dịch tả lợn châu Phi tại huyện Krông Pắc. Ảnh: Quang Yên.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk kiểm tra heo bị dịch tả lợn châu Phi tại huyện Krông Pắc. Ảnh: Quang Yên.

UBND các huyện, thị xã, thành phố: trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực hợp pháp để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; chủ động triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường…

Bên cạnh đó, tổ chức triển khai việc tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng vật nuôi hiện có được tiêm phòng trong thời gian sớm nhất có thể; tập trung các nguồn lực để tổ chức xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp dấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.

Các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý.

Các địa phương tiêu hủy heo bị nhiễm bệnh. Ảnh: Quang Yên.

Các địa phương tiêu hủy heo bị nhiễm bệnh. Ảnh: Quang Yên.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đơn vị triển khai thực hiện tốt các nội dung của công điện này; kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở NN-PTNT) những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý.

Xem thêm
Chăn nuôi thay đổi để tồn tại: [Bài cuối] Vùng chăn nuôi tập trung là cách tiếp cận không sai

‘Nhiều địa phương đang hiểu sai giữa vùng chăn nuôi tập trung và khu chăn nuôi tập trung’, TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nói.

Phát triển kinh tế tập thể trong sản xuất mô hình tôm lúa bền vững

KIÊN GIANG Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong mô hình tôm - lúa giúp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, giảm chi phí.

Trồng sâm Bố Chính trên đất màu bỏ hoang

HÀ TĨNH Sau hơn nửa năm trồng thử nghiệm, cây sâm Bố Chính bước đầu cho thấy chính thích nghi tốt với đất đai, khí hậu tại Hà Tĩnh, hé mở cơ hội mới cho người dân.

Bình luận mới nhất