| Hotline: 0983.970.780

Giám sát toàn diện dịch bệnh giai đoạn chuyển mùa

Thứ Ba 25/06/2024 , 09:07 (GMT+7)

SÓC TRĂNG Trong giai đoạn chuyển mùa, nguy cơ lây lan dịch bệnh động vật rất cao, chủ động giám sát toàn diện là giải pháp an toàn bảo vệ đàn vật nuôi.

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có tổng đàn trâu trên 2.600 con, đàn bò là gần 53.800 con, tăng so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Kim Anh.

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có tổng đàn trâu trên 2.600 con, đàn bò là gần 53.800 con, tăng so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Kim Anh.

Hiện, có 3 loại dịch bệnh động vật phổ biến, nằm trong diện được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng thực hiện giám sát thường xuyên, bao gồm: Dịch tả heo Châu Phi, lở mồm long móng và viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Từ đầu năm, địa phương đã ghi nhận 2 ổ dịch dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn huyện Mỹ Tú và Châu Thành. Cơ quan thú y đã tiến hành tiêu hủy 24 con, trọng lượng trên 1.200kg. Qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân bộc phát dịch bệnh chủ yếu đến từ ổ dịch cũ và biện pháp chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học. Nhờ được kịp thời phát hiện, dịch bệnh chỉ xảy ra ở diện hẹp, khoanh vùng xử lý, nên tránh được lây lan.

Từ đó đến nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không phát hiện ổ dịch mới. Tuy nhiên, ông Lâm Minh Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhìn nhận, nguy cơ phát sinh vẫn còn cao, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa hiện nay.

Mặt khác, việc phát triển đàn vật nuôi cùng với hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ động vật các dịp lễ tăng cao. Trong khi đó, tâm lý người nuôi chủ quan, chưa khai báo đầy đủ với ngành chuyên môn, nhất là các vùng có ổ dịch cũ. Điều này, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch tả heo Châu Phi vẫn còn hiện hữu.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng xác định, công tác giám sát dịch bệnh động vật phải được thực hiện chặt chẽ. Trong đó, việc tuyên truyền, hướng dẫn hộ nuôi thực hiện "5 không" trong phòng chống dịch cần được tăng cường. Nhất là tại những khu vực có tổng đàn heo lớn, ổ dịch cũ hay các khu vực có nguy cơ cao. Từ đó, phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm ngay khi dịch bệnh vừa được phát hiện.

Riêng đối với công tác tiêm phòng dịch, hiện vacxin dịch tả heo Châu Phi mới được đưa vào tiêm phòng. Do chưa có chính sách hỗ trợ hộ nuôi, nên công tác này chỉ thực hiện được tại một số trang trại có nhu cầu. Chưa tổ chức thực hiện đại trà ở các hộ nuôi nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, ngành chuyên môn cũng thực hiện lấy mẫu giám sát dịch tả heo Châu Phi tại các trại heo nuôi gia công của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để xét nghiệm đủ điều kiện kiểm dịch xuất tỉnh.

Ngoài ra, công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, giám sát ổ dịch, nơi buôn bán, giết mổ, cơ sở thu gom động vật cũng được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thường xuyên thực hiện.

Đối với dịch bệnh lở mồm long móng và viêm da nổi cục trên trâu, bò, công tác tiêm vacxin phòng bệnh là giải pháp cần thiết.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn hộ nuôi thực hiện '5 không' trong phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn hộ nuôi thực hiện “5 không” trong phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Trong đợt 1 năm 2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng ra quân, tiêm vacxin phòng bệnh lở mồm long móng cho trên 29.000 con gia súc và trên 10.600 con trâu bò đã được tiêm phòng dịch bệnh viêm da nổi cục.

Hiện nay, công tác tiêm phòng vẫn đang được ngành chuyên môn tiếp tục triển khai thực hiện tiêm bổ sung. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác trên động vật nuôi đang được ngành thú y quản lý dịch tễ chặt chẽ.

Theo đánh giá của ông Hoàng, hiện nay ý thức phòng bệnh cho động vật của các cơ sở, trang trại chăn nuôi và người dân đã được nâng cao, thông qua việc chủ động mua vacxin về tiêm phòng theo hướng dẫn của cán bộ thú y cơ sở.

Điều này góp phần rất lớn giúp ngành chăn nuôi tỉnh Sóc Trăng phát triển. Công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trong các tháng đầu năm 2024 cơ bản thực hiện hiệu quả, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.

Thời gian tới, chiến dịch tiêm vacxin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật đợt 2/2024 và tiêm bổ sung theo chu chuyển đàn tiếp tục được triển khai. Song song đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thực hiện lấy mẫu giám sát dịch bệnh động vật, để kịp thời đưa ra các thông tin cảnh báo đến người nuôi.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.