| Hotline: 0983.970.780

Dịch bệnh đàn vật nuôi giảm nhờ người dân tự ý thức phòng bệnh

Thứ Năm 27/04/2023 , 15:56 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Nhờ chủ động tiêm vacxin cho đàn gia súc, gia cầm và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nên từ đầu năm đến nay, huyện Cam Lâm chưa phát sinh dịch bệnh.

Chăn nuôi nông hộ trên địa bàn xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa. Ảnh: Kim Sơ.

Chăn nuôi nông hộ trên địa bàn xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa. Ảnh: Kim Sơ.

Chú trọng phòng, chống dịch bệnh

Xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm là một trong những địa phương có đàn gia súc, gia cầm khá lớn của tỉnh Khánh Hòa.

Theo bà Trần Thị Thùy Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hòa cho biết, toàn xã hiện có 19 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó có 18 trang trại chăn nuôi gà với quy mô từ 5.000 - 10.000 con/trang trại và 1 trang trại chăn nuôi lợn với quy mô 100 lợn thịt và 15 lợn nái.

Đối với chăn nuôi nông hộ, toàn xã có khoảng 1.000 con lợn, 390 con bò và 6.500 con gà.

Theo bà Trần Thị Thùy Giang, so với trước đây, tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn xã có chiều hướng giảm, nhất là sau đợt bùng phát dịch tả lợn Châu Phi xảy ra vào năm 2019.

Sau đợt dịch này, người chăn nuôi nói chung và người nuôi lợn nói riêng đã dè dặt tái đàn và đã có ý thức hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chăn nuôi bò sinh sản của gia đình ông Nguyễn Bảo An, thôn Văn Tứ Đông, xã Cam Hòa. Ảnh: Kim Sơ.

Chăn nuôi bò sinh sản của gia đình ông Nguyễn Bảo An, thôn Văn Tứ Đông, xã Cam Hòa. Ảnh: Kim Sơ.

Theo đó, ngoài tiêm phòng vacxin cho gia súc, gia cầm đầy đủ, kịp thời, thì việc vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại cũng được người dân chú trọng.

Ghi nhận tại gia đình ông Nguyễn Bảo An, một hộ chăn nuôi bò sinh sản, ở thôn Văn Tứ Đông, xã Cam Hòa cho thấy, hiện gia đình ông rất ý thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Bảo An cho biết, trước đây ông đi làm thuê làm mướn khắp nơi, công việc vất vả mà kinh tế gia đình lúc nào cũng khó khăn. Thấy vậy, năm 2013, ông An đã quyết định không đi làm thuê, làm mướn nữa mà chuyển sang nghề chăn nuôi. Ban đầu, ông  An nuôi thỏ, nuôi vịt nhưng không thành công, từ thất bại đó ông chuyển sang nuôi bò sinh sản.

Với cặp bò cái đầu tiên, sau một thời gian ông An gây dựng, đàn bò đã phát triển lên 20 con và việc nuôi bò của gia đình ông luôn đảm bảo an toàn dịch bệnh. Nhờ chăn nuôi hiệu quả nên mỗi năm ông xuất bán trung bình 5 -7 bò nghé, giá bán từ 15-16 triệu đồng/con.

Đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Kim Chung luôn chú trọng tiêm vacxin phòng bệnh. Ảnh: Kim Sơ.

Đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Kim Chung luôn chú trọng tiêm vacxin phòng bệnh. Ảnh: Kim Sơ.

Theo ông Nguyễn Bảo An, việc chăn nuôi bò của gia đình thời gian qua được đảm bảo an toàn dịch bệnh là nhờ cán bộ thú y trong xã quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn về các biện pháp chăn nuôi an toàn và phòng, chống dịch bệnh trên đàn bò hay mắc phải như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục…

“Để đàn bò có sức đề kháng không bị nhiễm bệnh, tôi luôn tiêm phòng vacxin đầy đủ các bệnh nguy hiểm và vệ sinh, sát khuẩn chuồng trại sạch sẽ. Cùng với đó, bổ sung dinh dưỡng vitamin đầy đủ cho bò, đặc biệt luôn giữ nguyên tắc giữ ấm vào mùa mưa, thoáng mát vào mùa hè…”, ông An chia sẻ.

Tương tự, những năm gần đây đàn lợn sinh sản và lợn thịt của gia đình ông Nguyễn Kim Chung, ở thôn Văn Tứ Đông luôn duy trì đàn khoảng 30 con và luôn được đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Ông Nguyễn Kim Chung cho biết, việc chăn nuôi lợn hiệu quả là nhờ chú trọng tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ, kịp thời. Cụ thể, khi lợn con được 15 ngày tuổi ông tiêm ngừa bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, tai xanh…

“Tiêm phòng vacxin phòng bệnh cho lợn rất quan trọng, tuy nhiên nhiều người chăn nuôi không chú trọng nên đến khi lợn mắc bệnh thì rủi ro thiệt hại rất lớn. Ngoài việc tiêm phòng dịch bệnh cho lợn, tôi còn thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Cứ 3 ngày, tôi xịt sát trùng một lần trong và xung quanh chuồng để hạn chế mầm bệnh xâm nhập." Ông Chung chia sẻ.

Hiện chăn nuôi trên địa bàn huyện Cam Lâm chuyển dịch theo hướng trang trại. Ảnh: Kim Sơ.

Hiện chăn nuôi trên địa bàn huyện Cam Lâm chuyển dịch theo hướng trang trại. Ảnh: Kim Sơ.

Chăn nuôi chuyển dịch sang trang trại

Ông Lê Ngọc Tú, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cam Lâm cho biết, so với các địa phương khác trong tỉnh, ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện Cam Lâm khá phát triển, tập trung chủ yếu chăn nuôi lợn, gia cầm và trâu bò; trong đó đàn gia súc đạt 195.000 con, đàn gia cầm khoảng 1 triệu con. Tuy nhiên, hiện nay chăn nuôi bò có xu hướng giảm do đồng cỏ bị thu hẹp, còn chăn nuôi lợn lại phát triển khá mạnh. 

Theo ông Lê Ngọc Tú, trước áp lực về dịch bệnh cũng như dịch bệnh từng xảy ra vào những năm trước đây nên chăn nuôi trên địa bàn đã có sự chuyển dịch từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, hiện chăn nuôi nông hộ chỉ chiếm 20% tổng đàn. 

"Với xu hướng từ chăn nuôi nông hộ sang trang trại, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện và chính quyền địa phương đã khuyến cáo người nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, triển khai đầy đủ tiêm phòng vacxin, đồng thời vệ sinh, tiêu độc khử trùng thường xuyên", ông Lê Ngọc Tú chia sẻ.

Riêng đối với chăn nuôi nông hộ, để phòng chống dịch bệnh, từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã tổ chức phun trên 700 lít hóa chất để vệ sinh, tiêu độc khử trùng cho trên 3.500 hộ chăn nuôi và đã triển khai tiêm vacxin phòng cúm gia cầm đợt 1/2023, đến nay toàn huyện đã tiêm được trên 60.000 con gà của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngoài ra, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện còn phối hợp chính quyền cấp xã tăng cường tiêm vacxin phòng dại chó mèo, tụ huyết trùng trâu bò và lợn, dịch tả lợn cổ điển.

“Nhờ chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh và áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện chưa xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn giá súc, gia cầm”, ông Tú chia sẻ.

Xem thêm
Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng hơn 13 lần trong 19 năm

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội đã tăng một mạch từ 610ha năm 2005 lên khoảng 8.000ha trong thời điểm hiện tại.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.