| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 'bão giá' thức ăn chăn nuôi đã ập tới

Thứ Năm 24/03/2022 , 17:06 (GMT+7)

Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang mới bước đầu được khống chế, người chăn nuôi chưa kịp mừng thì cơn 'bão giá' thức ăn chăn nuôi đã ập đến.

Hiện tỉnh Tuyên Quang đã cơ bản khống chế được bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện tỉnh Tuyên Quang đã cơ bản khống chế được bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 549.600 con lợn. Trong năm 2021, dịch tả lợn Châu Phi đã phát sinh tại 1.502 hộ/394 thôn/86 xã trên địa bàn 7/7 huyện, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là 11.049 con, tương đương 530.957 kg lợn hơi. Tính đến cuối tháng 3/2022, các địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang công bố đã khống chế thành công dịch tả lợn Châu Phi.

Đảm bảo chăn nuôi an toàn, ngành NN-PTNT Tuyên Quang cũng như chính quyền địa phương tiếp tục định hướng người chăn nuôi phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, đồng thời ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý môi trường, sử dụng quy trình, công nghệ mới trong xử lý chất thải, đảm bảo thực hiện tốt việc xử lý chất thải trong chăn nuôi, phát huy lợi thế phát triển các vật nuôi chủ lực được xác định và nâng cao giá trị sản phẩm đối với vật nuôi đặc sản.

Ông Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, các địa phương cũng cần thực hiện tốt công tác dự tính, thông tin, dự báo chính xác, thường xuyên giá cả thị trường đối với các sản phẩm chăn nuôi cho người chăn nuôi tiếp cận, cập nhật. Đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, nâng cấp các cơ sở giết mổ hiện có, xây dựng các điểm bán lẻ nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y; truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm chăn nuôi lưu thông trên thị trường.

Xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương là địa phương cuối cùng của tỉnh Tuyên Quang công bố hết dịch tả lợn Châu Phi. Do nhận biết được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh cũng như thiệt hại nên công tác vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng chuồng nuôi đang được chính quyền, ngành chức năng và nhân dân tích cực triển khai thực hiện hiệu quả nhằm bảo vệ đàn vật nuôi.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương cho biết, hiện nay, xã đã cấp hơn 30 lít hóa chất sát trùng cho 14 thôn. UBND xã cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, mua thêm vôi bột rắc xung quanh khu vực chăn nuôi, hố phân, để tiêu diệt các mầm bệnh. Đối với các chợ bán thịt gia súc, gia cầm sống, xã chỉ đạo các hộ kinh doanh buôn bán chủ động phun thuốc sát trùng trước và sau mỗi buổi chợ.

Người chăn nuôi lợn ở Tuyên Quang đang phải đối diện với khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Ảnh: Đào Thanh.

Người chăn nuôi lợn ở Tuyên Quang đang phải đối diện với khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Ảnh: Đào Thanh.

Khi dịch tả lợn Châu Phi về cơ bản đã được khống chế, người chăn nuôi lợn ở Tuyên Quang lại vấp phải khó khăn bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao khiến việc tăng đàn cũng bị cầm chừng.

Trang trại lợn của anh Hà Văn Dũng, thôn Lục Liêu, xã Tân Thanh, huyện Sơn Dương chăn nuôi hơn 300 con lợn, mỗi ngày trang trại tiêu thụ khoảng 700kg cám. Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các loại cám đã tăng giá 2 đợt, trung bình mỗi bao thức ăn 25kg đội giá khoảng 15.000 - 25.000 đồng.

Anh Dũng cho biết, giải bài toán về giá thức ăn tăng cao, hiện nay gia đình anh phối trộn thêm nhiều ngô, đậu tương, sắn. Nếu tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng lên như hiện nay trong khi giá lợn hơi xuất chuồng không tăng sẽ đẩy người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Để duy trì tổng đàn như hiện nay, trung bình mỗi tháng trang trại của anh Dũng lỗ khoảng 5 triệu đồng.

Trước khó khăn kép mà người chăn nuôi lợn ở Tuyên Quang đang gặp phải, ngành chức năng tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện phát triển chăn nuôi gắn với thị trường, đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Liên kết với các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thực phẩm, tạo chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm lâu dài, bền vững, có kiểm soát, truy xuất nguồn gốc chăn nuôi. Duy trì phát huy hoạt động có hiệu quả các tổ nhóm, hợp tác xã chăn nuôi trong mối liên kết ngang và liên kết dọc trong quá trình sản xuất. Sử dụng các loại thức ăn sẵn có tại địa phương như ngô, lúa, đậu tương, sắn, phối trộn làm thức ăn cho đàn vật nuôi.

Xem thêm
Cục trưởng Cục Thú y: ‘Không có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật’

Trước thông tin có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đã đối thoại với các doanh nghiệp để làm rõ tin đồn này.

Trồng sầu riêng nghịch vụ, kiếm tiền tỷ mỗi năm

CẦN THƠ Một kỹ sư nông nghiệp có bí quyết xử lý sầu riêng nghịch vụ, tận dụng khoảng trống thị trường để bán được giá cao, mang về doanh thu tiền tỷ mỗi năm.

Lãi gấp đôi khi chuyển sang trồng rau thủy canh

HẢI PHÒNG Mạnh dạn chuyển sang ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Sơn đã thu được lợi nhuận gấp đôi bình thường ngay trong vụ đầu tiên.

Bình luận mới nhất