Ngày 15/3 tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Thuốc thú y Toàn Thắng (Toan Thang Corp) cùng Tập đoàn Global Nutrition - Pháp tổ chức Hội thảo giải pháp thay thế kháng sinh trong sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức đúng thời điểm Việt Nam chính thức loại bỏ một số kháng sinh trong sản phẩm thức ăn chăn nuôi và đang từng bước loại bỏ hoàn toàn kháng sinh trong thức ăn gia súc, gia cầm từ 2025 nên thu hút sự quan tâm đông đảo từ các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu trong nước hiện nay.
Ông Phạm Đắc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc thú y Toàn Thắng chia sẻ, hiện nay, việc kiểm soát kháng sinh là vấn đề cực kỳ quan trọng, không chỉ với sự phát triển của ngành chăn nuôi mà còn cả với giống nòi người Việt.
Bởi nếu kiểm soát kháng sinh trong chăn nuôi không tốt, sẽ dẫn tới tồn dư kháng sinh, kháng kháng sinh trong điều trị trên cả vật nuôi và con người. Từ đó, ảnh hưởng xấu đến vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe người dân. Đặc biệt, làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam với các sản phẩm nhập ngoại được kiểm soát kháng sinh tốt hơn.
Ở thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã ban hành rất nhiều quy định pháp luật chặt chẽ về quản lý, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, thú y, nhất là trong phối trộn với thức ăn chăn nuôi. Do đó, việc tìm kiếm các giải pháp mới thay thế kháng sinh trong ngành chăn nuôi nói chung và sản xuất thức ăn chăn nuôi nói riêng là nhu cầu cấp thiết hiện nay.
Ông Phạm Đắc Thắng nhấn mạnh thêm, với ngành chăn nuôi còn non trẻ, lại đang quá trình thiết lập hệ thống an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thú y cũng như tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong chăn nuôi như Việt Nam, sản phẩm thay thế kháng sinh là không thể thiếu để đạt hiệu quả kinh tế trước bối cảnh kháng sinh đang dần bị loại bỏ.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, với việc Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm mốc 100 triệu dân cộng việc kiểm soát kháng sinh trong chăn nuôi đang là vấn đề được cả thế giới quan tâm. Là một đất nước tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với hàng chục hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nếu sản phẩm chăn nuôi nước ta không làm tốt vấn đề quản lý tồn dư kháng sinh chắc chắn sẽ bị chính người tiêu dùng trong nước đào thải.
Để kiểm soát kháng sinh trong chăn nuôi, ông Dương cho rằng, phải kiểm soát ngay từ khâu đầu vào. Bởi con đường để đưa kháng sinh vào chăn nuôi dễ dàng nhất là thức ăn vì vật nuôi sử dụng hàng ngày với lượng lớn.
"Hiện nhiều nước, nhất là các nước EU đã không cho phép sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn chăn nuôi để kích thích sinh trưởng và phòng trị bệnh, còn Việt Nam đã có lộ trình kiểm soát việc này đến năm 2025.
Do đó, ngay từ bây giờ tìm kiếm những giải pháp thay thế kháng sinh trong sản xuất thức ăn chăn nuôi như Toan Thang Corp đang hợp tác hướng tới là việc làm rất thiết thực, ý nghĩa cần quyết liệt ngay từ ngày hôm nay, bởi đây chính là điểm "nổ" hiệu quả cho quá trình chuyển dịch quan trọng của ngành chăn nuôi." Ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.
Ông Yann Lever, Giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn Global Nutrition - Pháp chia sẻ: Việc dùng kháng sinh để bổ sung vào thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích tăng trọng, phòng bệnh được áp dụng tại châu Âu đầu tiên.
Tuy nhiên, các quốc gia đã sớm nhận ra, nếu sử dụng quá nhiều, qua lâu sẽ gây ra những ảnh hưởng, hệ lụy rất nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Do đó, việc tìm ra những giải pháp thay thế đã được Global Nutrition Group ưu tiên nhiều nguồn lực để nghiên cứu phát triển trong thập kỷ qua.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Global Nutrition chọn Toan Thang Corp làm đối tác độc quyền phân phối các sản phẩm thay thế kháng sinh tiên tiến, hiệu quả nhất trên thế giới hiện nay trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Trong đó, nổi bật là các dòng sản phẩm chứa tannin có nguồn gốc từ thực vật Globacid như: Globacid DW Liquid đối với nước; Globacid LFPA, Globacid OPCL cho thức ăn chăn nuôi.
Các dòng sản phẩm này cung cấp hệ thống đa tác động giúp kháng khuẩn, chống oxi hóa, tăng độ bền của thành niêm mạc ruột, qua đó bảo vệ đàn vật nuôi khỏi mầm bệnh xâm nhập thông qua thức ăn và nước uống.