Hào hùng chiến tích xưa
Tháng 4, những thôn làng của người Raglai ở huyện Bác Ái (Ninh Thuận) chìm trong cái nắng trắng trời. Rảo bước nhanh trên khoảng sân mênh mông, già Chamalea Liếp đến bên khối thép sừng sững bên nhà truyền thống huyện rồi đặt bàn tay gồ gề vào mà nói: “Ngày xưa nó gầm rú, rải đạn, phóng rốc két khiếp lắm. Hung hãn thế nhưng khi về đến Bác Ái cũng bị dân làng bắn rớt”.
Khối sắt đen nằm im ỉm bên góc sân mà già Liếp nói là một phần động cơ của chiếc máy bay L19 bị người dân Raglai dùng súng trường bắn rơi vào những năm kháng chiến chống Mỹ.
Chamalea Liếp đã bước vào tuổi 80 (ngụ xã Phước Thành, huyện Bác Ái) và là một trong số những người con của đồng bào Raglai luôn mang trong mình dòng máu anh hùng. Ngày trai trẻ, ông tiếp nối tinh thần chiến đấu của người anh hùng Pi Năng Tắc (người thực hiện trận đánh bằng bẫy đá nổi tiếng vào năm 1961) và đã cùng đồng đội thực hiện hàng loạt những chiến công.
Chỉ tay về những ngọn núi sừng sững trước mặt, già Chamalea Liếp kể, những năm tháng kháng chiến, cả vùng Bác Ái là nơi quần thảo liên hồi của giặc. Đã có lần, địch lên kế hoạch càn quét, điều động lính tinh nhuệ cùng quân chư hầu về thực hiện chiến dịch “bóp nát” Bác Ái.
Trên trời máy bay quần thảo, phóng đạn sáng lừ, dưới đất thì bộ binh, xe quân sự cùng các loại vũ khí hạng nặng hành quân bắn phá, bắt bớ. Trong nhiều năm liền, ngày nào người Raglai cũng phải đối đầu với giặc.
Nhưng rồi, với tinh thần bất khuất, không chịu lùi bước trước sự hung hãn của kẻ thù, người Raglai vẫn vững tin một lòng, đứng lên chống giặc. Địch càng bắn giết, tinh thần kháng chiến của dân làng lại càng dâng cao. Tất cả đoàn kết một lòng với tinh thần người lớn làm việc lớn, người nhỏ làm việc nhỏ. Nam phụ lão ấu đều đứng lên góp sức mình đánh giặc.
“Thanh niên trai tráng lên đường nhập ngũ, trung niên, người già vót chông, làm trận địa, phụ nữ thay nhau mang gùi, vác gạo, tải đạn hỗ trợ bộ đội”, già Chamalea Liếp chia sẻ.
Dưới cái nắng như đổ lửa, già Liếp bước ra khỏi khoảng sân nhà truyền thống huyện rồi chỉ tay về xã Phước Thành - nơi ông sinh sống mà tâm sự, mà kể: Vào năm 1967, địch điều động hơn 7.000 quân lính Nam Hàn cùng các loại vũ khí tối tân tổ chức càn vào thôn Ma Nai.
Lúc đó, chúng chia quân rồi tiếp cận các khu trong thôn, lên sườn núi, chui vào các hang động lùng sục, bắt người. Lúc bấy giờ là vào khoảng 8-9 giờ sáng, phát hiện địch, du kích bắn súng báo hiệu để cư dân sơ tán trẻ nhỏ và chuẩn bị tinh thần chiến đấu.
Trong khi dân làng đang sửa soạn đón giặc thì Chamalea Lía phát hiện một tốp giặc đưa điện đài thông tin vào một hang núi lập trận địa nên âm thầm bám sát. Khi nhóm địch đã yên vị trong hang, ông lấy quả lựu đạn mà cấp trên giao cho rồi rút chốt, ném thẳng vào trong và tiêu diệt toàn bộ.
Nhóm thông tin bị tiêu diệt, Chamalea Lía lại bò xuống núi và kết hợp cùng Chamalea Khám, Chamalea Khiếu cùng những người trong làng tổ chức đánh du kích. “Dựa vào đồi núi, thôn làng, chúng tôi vừa ẩn nấp vừa đánh nhau với giặc.
Cứ như vậy suốt cả 1 tuần lễ”, già Liếp tâm sự và cho biết thêm, vào một ngày, trong khi các du kích đang cự nhau với giặc thì máy bay đối phương ào ào đổ về quần thảo, phóng đạn. Lúc này, Chamalea Chắp mới 13 tuổi nhưng đã dũng cảm cầm súng trường leo lên núi và ẩn mình sau mỏm đá phục kích. Lúc máy bay hiệu L19 đổ tới, Chamalea Chắp nổ một phát súng bắn rơi.
Cũng thời gian ấy, cụ ông Chamalea Đám ngoài 70 tuổi cũng cầm súng chiến đấu và bắn rơi máy bay C130 ở dốc gạo gần Sân bay Thành Sơn.
Những chiến tích hào hùng của thôn làng người Raglai ở xã Phước Thành cứ thế được già Chamalea Liếp hồi tưởng. “Hào hùng nhiều, bi thương cũng không ít. Cùng với các địa phương khác trong căn cứ Bác Ái, người Raglai ở Phước Thành cũng trải qua 2 cuộc kháng chiến và đã được ghi vào sử sách. Chuyện kháng chiến, già kể cả ngày cũng không hết”, già Chamalea Liếp thổ lộ.
Diện mạo mới trên vùng đất thép
Phước Thành ngày nay, những con đường, những ngõ xóm khi xưa giờ đây đều đã “thay da đổi thịt”. Cuộc sống của cư dân địa phương đang ngày một cải thiện với những diện mạo mới.
Vừa đưa chúng tôi đi tham quan mô hình, ông Nại Thành An, cán bộ Nông nghiệp xã Phước Thành vừa thổ lộ, trong quá khứ, người Raglai ở địa phương từng gặp khó khăn về kinh tế do sự biến đổi khí hậu và tập quán sản xuất lạc hậu. Những năm gần đây, cùng với sự đồng hành của cơ quan chức năng và các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất nên cuộc sống của người Raglai đã cải thiện.
“Có đến 99% hộ gia đình đồng bào Raglai phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi bò. Nhà ít thì cũng có đàn từ 20-30 con, nhà nhiều thì lên đến 100 con. Trong quá trình chăn nuôi, sản xuất, người dân rất đoàn kết và luôn hỗ trợ lẫn nhau”, ông Nại Thành An cho biết.
Điển hình trong phong trào sản xuất giỏi có gia đình ông Pi Năng Xuân ở thôn Suối Lở (xã Phước Thành) với đàn bò cả trăm con. Ông Xuân là cháu ruột của vị anh hùng Pi Năng Tắc và luôn tâm niệm phải vươn lên trong cuộc sống để xứng tầm với những hy sinh của lớp cha ông đi trước.
Ông thổ lộ, trước đây, gia đình trồng lúa, hoa màu nhưng việc trồng trọt bị ảnh hưởng bởi khô hạn, dịch bệnh. Để thoát khỏi đói nghèo, ông đã dành dụm tiền mua heo về chăm sóc và đó được xem là câu chuyện khởi nghiệp đầy ấn tượng.
Ông kể: “Gom góp mãi mới đủ tiền mua một con heo về nuôi. Khi heo lớn thì lại mang đi đổi lấy con bò giống và khi bò này lớn thì lại mang đi đổi lấy 2 con bò nhỏ về nuôi tiếp. Cứ nuôi lớn rồi mang đi đổi giống và sau mấy năm, gia đình có trong tay cả đàn vật nuôi. Về sau, bò mẹ đẻ bò con và đến giờ gây thành đàn cả trăm con”.
Theo cán bộ nông nghiệp xã Phước Thành, hiện nay, ông Pi Năng Xuân là một trong những hộ phát triển kinh tế mạnh nhất ở địa phương. Từ con heo giống ban đầu, gia đình ông đã gây dựng được khối tài sản lên đến hàng trăm triệu đồng. Mô hình “tích tiểu thành đại” của ông hiện đã trở thành bài học khởi nghiệp cho người dân Raglai.
Ông Chamalea Nhiên, Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết, trong thời gian qua, địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện công tác giảm nghèo với nhiều nội dung và hình thức khác nhau, đặc biệt công tác giảm nghèo được triển khai gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Tổ chức triển khai các chính sách an sinh xã hội như Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, nông thôn mới, hỗ trợ sản xuất lúa theo Nghị định 42 của Chính phủ, hỗ trợ trực tiếp cho người dân, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề, vay vốn ưu đãi…
Năm 2010, toàn xã có 581 hộ/2.971 khẩu, trong đó hộ nghèo chiếm 77,62%; hộ cận nghèo chiếm 7,4%, dân tộc Raglai chiếm trên 95%. Sau 10 năm, nhờ lồng ghép các nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nên đời sống kinh tế của người dân được cải thiện. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 49,33%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên 96,48%.
Cũng theo Chamalea Nhiên, năm 2020, tổng giá trị sản xuất của địa phương là 44,9 tỷ đồng, đạt 104,4% kế hoạch, tăng 17,8% so với năm 2019. Trong đó, giá trị sản xuất ngành nông, lâm thuỷ sản là 19,7 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 43,87%), ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng là 9,5 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 12,24%), thương mại - dịch vụ 17,6 tỷ đồng, (chiếm tỷ trọng 39,19%).
Năm 2020, tổng diện tích gieo trồng của xã Phước Thành khoảng 541,1ha, đạt 80,64% kế hoạch, tăng 16,5% so với năm 2019. Tổng đàn gia súc trên 5.000 con, đạt 91,63% kế hoạch năm, tăng 4,55% so với năm trước.
Trong năm 2020, thu ngân sách trên địa bàn khoảng 152,350 triệu đồng, đạt 380,8% kế hoạch, tăng 185% so với năm 2019.