| Hotline: 0983.970.780

Điều gì khiến cua tuyết Na Uy trở thành hải sản nức tiếng?

Thứ Năm 08/12/2022 , 14:47 (GMT+7)

Với vô số vịnh hẹp, hồ sông và khả năng tiếp cận dễ dàng với những đại dương sạch nhất thế giới, hải sản Na Uy nổi tiếng thế giới, đặc biệt là cua tuyết.

Cua tuyết Na Uy nấu kiểu bếp Á. Ảnh: Hội đồng Hải sản Na Uy.

Cua tuyết Na Uy nấu kiểu bếp Á. Ảnh: Hội đồng Hải sản Na Uy.

Loài săn mồi nguy hiểm

Cua tuyết Na Uy còn có tên gọi khác là cua Nữ hoàng. Đúng như tên gọi, cua tuyết sống ở vùng nước lạnh ở Tây Bắc Đại Tây Dương, Bắc Thái Bình Dương hay biển Barents, nơi có nhiệt độ dưới 3 độ C. Nhìn bề ngoài, chúng trông vô cùng hiền lành và vô hại. Tuy nhiên, thực tế lại khác xa.

Cua tuyết là loài giáp xác săn mồi dữ tính. Chúng có thân phẳng đặc trưng của loài cua và năm cặp chân giống như chân nhện. Trong đó, cặp càng trước vô cùng chắc khỏe và sắc nhọn. Đây chính là vũ khí săn mồi nhạy bén của cua tuyết.

Để có thể phát triển, cua tuyết sẽ lột bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài hàng năm, quá trình này được gọi là lột xác. Trong đó, cua non lột xác nhiều lần trong năm, cua già chỉ lột xác một lần trong năm. Trong quá trình lột xác, các chi bị gãy có thể được thay thế.

Việc lột xác của cua tuyết cái và cua tuyết đực cũng có sự khác biệt đáng kể. Khi cua cái trưởng thành, chúng ngừng lột xác và ngừng phát triển. Đó là lý do tại sao cua tuyết cái nhỏ đáng kể hơn so với cua tuyết đực.

Cua tuyết có màu hơi đỏ hoặc nâu ở mặt trên và hơi trắng vàng ở mặt dưới, khi gặp nhiệt độ nóng sẽ chuyển sang màu đỏ đặc trưng.

Nhờ sự tích tụ canxi, khiến cho mai cua có độ cứng đáng kể. Mai cua đực có thể dài tới 150 mm và của con cái lên đến 90 mm. Con đực có thể nặng tới 1,35 kg (với sải chân là 90cm) và con cái có thể nặng dưới 0,5 kg với sải chân chỉ dưới 40cm.

Những chiếc càng lớn là đặc trưng của cua đực. Càng cua đực phát triển khi bắt đầu trưởng thành, có thể là để thu hút con cái. Hai giới sống riêng biệt và chỉ tiếp xúc trực tiếp trong mùa sinh sản.

Cua tuyết Na Uy là loài nổi tiếng là phàm ăn khi chúng ăn mọi thứ từ cá, tôm, giun cho đến ốc sên và bọt biển. Chúng thậm chí ăn cả đồng loại nên chẳng có loài động vật nào cảm thấy an toàn khi bị “Nữ hoàng” này tiếp cận.

Hiện nay, theo quy định, ngư dân chỉ được phép đánh bắt những con cua tuyết đực có mai từ 95mm trở lên. Hoạt động đánh bắt cua tuyết Na Uy diễn ra quanh năm ở phía Đông bắc vùng biển Barents và vùng Svalbard. Chúng được đánh bắt bằng cách sử dụng các bẫy cua đặt dưới đáy biển trong vài ngày trước khi vớt lên.

Cua tuyết Na Uy nấu kiểu Âu, ăn kèm khoai tây. Ảnh: Hội đồng Hải sản Na Uy.

Cua tuyết Na Uy nấu kiểu Âu, ăn kèm khoai tây. Ảnh: Hội đồng Hải sản Na Uy.

Chất lượng hảo hạng

Cua tuyết Na Uy ngày càng trở nên nổi tiếng do lớp thịt trắng như tuyết và thơm ngọt. Dễ bị nhầm lẫn với cua Hoàng Đế nhưng thịt cua tuyết được đánh giá ngọt hơn và mọng nước hơn.

Thịt cua tuyết cũng mềm hơn nhờ cấu trúc dạng sợi khác biệt với thịt cua Hoàng Đế. Đó là lý do tại sao nó có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau và làm hài lòng các đầu bếp kỹ tính. Thịt cua tuyết thơm ngọt rất hợp với các nguyên liệu chua hoặc béo như dứa, táo, các loại hạt, quả hạch, hoặc bơ.

Đặc biệt, thịt ở các chân của loại cua này săn chắc hơn, rất phù hợp để phục vụ món Au Gratin, món nướng hoặc áp chảo với rau thái lát và nước sốt cay của châu Á. Ở một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, cua tuyết được coi là mỹ vị vào dịp Giáng sinh và cũng bán rất chạy trong Mùa Vọng (khoảng thời gian bốn tuần lễ trước Giáng sinh).

Đáng chú ý, cua tuyết Na Uy mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đầu tiên, đó là một loại thực phẩm giàu protein chất lượng cao phù hợp cho đối tượng vận động viên. Thêm vào đó, do hàm lượng calo rất thấp (109 calo/100gr) nên đây cũng là một thực phẩm tốt cho chế độ ăn kiêng ít calo.

Mặt khác, cơ thể chúng ta cần khoảng 90 chất dinh dưỡng thiết yếu để thực hiện các chức năng sinh học, trong số này, 2/3 khoáng chất phải được bổ sung hàng ngày để chống lại sự thiếu hụt qua đường nước tiểu, mồ hôi… Theo nghĩa này, cua tuyết Na Uy là một kho chứa thực sự, trong đó, đồng và selen có rất nhiều trong thịt cua tuyết.

Ngoài ra, tiêu thụ thường xuyên thực phẩm này sẽ cung cấp cho cơ thể một lượng lớn khoáng chất đa lượng, là những chất mà cơ thể cần với tỷ lệ lớn, như phốt pho, kali, canxi, magiee và natri. Thịt cua tuyết Na Uy cũng chứa hàm lượng sắt cao, cần thiết cho quá trình vận chuyển oxy trong cơ thể; hay kẽm, cần thiết cho hệ thống miễn dịch. Cua tuyết Na Uy rất giàu vitamin C, đặc biệt là một số vitamin nhóm B như B3, B5 và B6.

Do đó không có gì ngạc nhiên khi ngày càng nhiều nhà hàng trên khắp thế giới tìm cách chế biến cua tuyết Na Uy. Theo dữ liệu của Hội đồng Hải sản Na Uy, nước này đã xuất khẩu 231 tấn cua tuyết trị giá 33 triệu NOK (3,1 triệu USD) vào tháng 10 vừa qua.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.