Một tuần ba đám mời chào/ Khi đi thì phải phong bao theo hầu/ Mừng nhiều như thế tiền đâu/ Ước gì gọn nhẹ cho nhau bớt nghèo.
“Đám tươi” nhưng “người héo”
Tiếng cửa sắt cọt kẹt rồi tiếng lẹt xẹt của dép lê khiến ông lão đang mặn chuyện mặt bỗng chuyển sắc. Y như rằng linh tính của ông lại đúng, có một người trong họ đang đến mời cưới con.
Anh trung niên lễ phép: “Ông ạ, con hôm này có đứa cháu đi xây dựng gia đình mời ông bà, các em, các cháu đến vui với vợ chồng chúng con”. Ông cũng có nhệch mồm ra cho giống dáng một nụ cười rồi đáp: “Vợ chồng tao cũng mừng cho chúng mày, nhiều nhà con lớn mong mà không được như thế!”.
Ngừng một lát, ông tiếp: “Cánh trẻ nhà này ngày đó bận việc hết, nhà có hai ông bà sẽ đi một người vì tao đang dạ yếu. Tham thực chỉ tội cực vào thân thôi. Tao ốm đã mấy ngày rồi, không tin hãy hỏi thím mày xem?”.
Bà vợ ông nghe đến đó cũng mau mắn “hiệp đồng”: “Đúng đấy, ông mày chẳng hiểu sao dạo này cứ đau bụng, thuốc thang cả vốc kia kìa”.
Khách về rồi ông Trần Văn Năm (xin được đổi tên) ở An Bình, Nam Sách, Hải Dương mới thở dài bảo giờ hãi đình đám như cha chết. Họ ông lớn, dây mơ, rễ má với cả làng nên mùa này thiệp hồng gửi tơi tới.
Đi hai người giờ phong bì mất 400.000 đồng còn đi một người cũng phải 200.000 đồng trong khi nhà nông đâu có sẵn tiền như mấy anh ở thành phố? Đất đồng làng cằn cỗi. Ba sào mười ruộng của nhà nếu được mùa mỗi sào chỉ cho tám chín thúng thóc (1,5-1,8 tạ/sào) còn mất mùa chưa chắc nổi ba bốn thúng bẹp xẹp.
Do đó, ông phải thăm dò trước trong làng đám nào vào tháng này, tháng kia mà chuẩn bị trước kẻo bị trách móc. Ông có thói quen mỗi lần ai đó mời đều ghi ngay lên tờ lịch ngày hôm được mời đám nhà ai, mừng bao nhiêu tiền. Xé lịch đến ngày đó là tất cả những thông tin hiện lên rõ ràng, không thể quên, không thể nhầm được. Chỉ trong thời gian ngắn, những tờ lịch giờ đã xếp thành một đống to tướng trong ngăn kéo tủ.
Cổ nhân đã bảo: “Có tiền khôn như mại. Không có tiền dại dại ngây ngây”, cấm có sai bao giờ. Thóc gạo dạo này chẳng hiểu sao rẻ mạt thế! Một thúng lùm lùm 22 kg bán chỉ được 120.000 đồng. Mỗi đám cưới đi đứt thúng rưỡi. Một năm đi 15-20 đám thì còn gì là thóc trong bồ? Áng bằng mắt ông cũng biết nhà chỉ còn có hơn mười thúng thóc trong khi đình đám vẫn còn dài, trong khi hai ba tháng nữa đám lúa mới cấy đang lưa thưa xanh như ria mép cậu học trò chớm dậy thì mới cho thu hoạch.
Quê ông ngoài cấy lúa còn có nghề trồng hành, trồng cà rốt rất mạnh nhưng vụ này thê thảm quá. Giá hành khô chỉ 3.000 đồng/kg bán chưa chắc đã đủ công cắt, công phơi. Giá cà rốt rơi xuống 300-500 đồng/kg nhiều hộ chấp nhận cày lật xuống làm phân cho đất chứ không buồn nhổ.
Những bận rộn không làm ra hạt lúa, củ khoai
Nhà nông mấy tháng ròng “bơi” trên ruộng đồng, phân gio, đất cát, thuốc sâu thuốc sia cuối cùng chỉ đem về được mớ tiền lẻ cầm cứ nhẹ thồm thộp như thóc lép trên tay.
Trước gánh nặng cỗ bàn, có xã đã ra hẳn nghị quyết khi đi đăng ký kết hôn phải viết luôn cam kết chỉ tổ chức dưới 25 mâm cỗ nhưng cũng chẳng thể quản lý nổi.
“Ăn túi trong, không ăn túi ngoài”
Lão nông Đặng Hữu Luật cũng ở xã An Bình ngân nga: “Một tuần ba đám mời chào/ Khi đi thì phải phong bao theo hầu/ Mừng nhiều như thế tiền đâu/ Ước gì gọn nhẹ cho nhau bớt nghèo”.
Ước ao cũng chỉ là ao ước. Nội chưa đến một tháng nay ông phải đi 6 đám cưới, 1 đám ma, có ngày như mồng 6 đi đến 3 đám cưới. Đám con ông A thân quen phải đi ăn, mừng nặng phong bì để túi trong, đám con ông B không thân không ăn mừng nhẹ phong bì để túi ngoài.
Vừa đi ông vừa lẩm nhẩm cho khỏi quên: “Ăn túi trong, không ăn túi ngoài. Ăn túi trong, không ăn túi ngoài”.
Cỗ cưới thường tổ chức hai ngày bốn bữa gồm sáng hôm dựng rạp vài chục mâm mời họ hàng, chiều dựng rạp lại vài chục mâm nữa đến sáng hôm sau cỗ toàn dân, chiều lại vài mâm dỡ rạp. Cỗ chạp để từ tối hôm trước đến sáng hôm sau mưa gió bưng đi bưng lại trên những đôi tay đầy mỡ nhiều lúc ăn vào chỉ tổ lo… Tào Tháo đuổi. Nhưng chống đũa không ăn thì sợ mất lòng gia chủ..
Đám cưới to đã đành, đám ma giờ lắm nơi vẫn còn bày biện lớn, có những đám kéo dài thời gian chôn cất để cúng lễ, để rình rang cỗ bàn kiểu: “Kém trời một vạn chẳng bằng kém bạn một li”. Một đám ma như vậy thường tiến hành trong khoảng hai ba ngày, tốn kém chừng 30-50 triệu đồng. |
Ông Luật bảo mỗi bữa hai vợ chồng già ăn không hết nổi bò gạo nên một tháng chỉ mất có thúng thóc. Thế mà mỗi đình đám làm ông bà mất hơn một thúng đẫy bởi lẽ thường người làng giá 150.000 đồng, người trong họ giá 200.000 đồng trở lên. Một mâm xếp sáu chỗ theo logic sẽ không lỗ nhưng bởi ăn nhiều bữa, bởi nhiều người ăn theo (đám trẻ dưới 18 tuổi) nên vẫn thâm thủng như thường. Không đi mất họ mất hàng, mất làng xóm láng giềng nên cứ bấm bụng mà theo vậy.
Làng còn có lệ người ăn cỗ chỉ húp món nước còn món khô như thịt thà, xôi oản thì chia nhau. Chủ nhà đã chuẩn bị mỗi mâm một nhúm túi nylon sẵn cho việc này.
Cỗ to hay nhỏ phụ thuộc vào họ hàng, vào quan hệ. Nếu con cháu làm ở cơ quan Nhà nước thì tổ chức một buổi ăn riêng cho công chức, một buổi cho người làng, một buổi cho họ hàng để tránh miệng lưỡi thế gian đàm tiếu.
Giờ thôn quê thường có lệ cưới hai lần. Lần một cưới lấy ngày đẹp chỉ mời đại diện ông nọ bà kia, lần hai cưới chính vào thứ Bảy, Chủ nhật mời đông đủ bạn bè gần xa, bà con xóm ngõ.
Lắm nơi còn có lệ những người sinh năm Đinh, Nhâm, Quý cũng phải làm thủ tục cưới hai lần để tránh chuyện hai lần đò trong đời thực. Cỗ bàn cứ gọi là linh đình, càng nhiều mâm, nhiều bát, nhiều đĩa càng sang.
Bia rượu chảy tràn, nhất là ở những mâm thanh niên. Kiểu uống để thưởng thức bằng chén hạt mít của các cụ không còn nữa mà giờ toàn chơi kiểu “nốc ao”. Khách mời mà không uống là coi thường, là lắm chuyện rầy rà nên cứ nhắm mắt nhắm mũi mà dzô.
Gia cảnh của một hộ nghèo
Xong một chén lại bắt tay, lại quay sang mời người khác. Xong mâm này lại quay sang mâm khác. Đến ông trời cũng bé tí, cũng quay cuồng trong chén rượu đầy vơi. Nhiều người cũng cảm thấy thế là lãng phí, là sĩ diện nhưng đến lượt con cháu nhà mình tổ chức lại chặc lưỡi phải làm theo, thậm chí còn làm to hơn.
Những bận rộn với đình đám, rượu chè khiến cho nhiều người nghĩ rằng cuộc sống của họ đang ở cảnh giới thần tiên. Trong không ít lần phỏng vấn nông dân về cảm nhận cuộc sống, tôi thường nhận được câu trả lời thỏa mãn đại loại như: “Nhà mái bằng, hai xe máy, một tivi màu, một tủ lạnh, một bếp gas, mươi năm trước đây có nằm mơ tôi cũng không hề nghĩ đến”. Họ thỏa mãn vì họ đâu biết Việt Nam vẫn nằm trong tốp những nước cuối của thế giới và nghề nông luôn xếp dưới cùng trong các thang bậc xã hội.
Đêm đó tôi ngủ lại nhà ông Luật. Tiếng ễnh ương kêu khan từ cái ao cạn duy nhất sót lại của làng cứ ộp oạp, ộp oạp xoáy mãi, cuồng quay trong đầu.