| Hotline: 0983.970.780

XOAY TRỤC SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP ĐBSCL

Định hình, phát triển vùng nuôi cá tra xuất khẩu

Thứ Tư 14/07/2021 , 15:42 (GMT+7)

ĐBSCL quy hoạch phát triển vùng nuôi chuyên canh cá tra xuất khẩu. Trên toàn bộ hệ thống ao nuôi được cấp mã số, sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn quốc tế.

Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: LHV

Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: LHV

Giữ vững chất lượng và ATTP

Cá tra ở vùng nuôi ĐBSCL được định danh sản phẩm chủ lực xuất khẩu của Việt Nam. Dù luôn phải đối mặt trước sức ép cạnh tranh gay gắt trên thương trường nhưng sản phẩm cá tra vẫn trụ vững, phát triển. Trong 3 năm gần đây báo động vào mùa khô hạn nguồn nước sông Mekong suy giảm, tình trạng xâm nhập mặn dấn sâu theo các cửa sông vào khu vực nội địa. Trước thách thức biến đổi khí hậu (BĐKH) và thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 kéo dài…ở vùng nuôi cá tra đã tìm cách đối phó và chủ động điều tiết sản lượng cá nguyên liệu. Các doanh nghiệp (DN) vẫn giữ duy trì nhịp độ sản xuất và hoạt động xuất khẩu.

Trong giai đoạn thị trường thế giới tạm lắng do giao dịch vận chuyển bị ảnh hưởng bởi đại dịch, các DN ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu hàng đầu trong việc hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất và đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) phát triển bền vững để giữ vững thị trường.

Nuôi cá tra ở Cồn Sơn - TP Cần Thơ. Ảnh: HĐ

Nuôi cá tra ở Cồn Sơn - TP Cần Thơ. Ảnh:

Ở ĐBSCL, Công ty CP Thủy sản Biển Đông là một trong hai DN hàng đầu về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra Giải bài toán cung - cầu cá traxuất khẩu vào thị trường Mỹ. Từ nhiều năm qua công ty Biển Đông áp dụng quy trình khép kín từ con giống, thức ăn đến vùng ao nuôi cá tra thương phẩm và đưa vào chế biến tại nhà máy.

Chương trình thanh tra 100% cá tra Việt Nam được Mỹ áp dụng vào tháng 8/2017.

Sau đó, từ những năm 2018-2019 qua các lần Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS-Hoa Kỳ) đến tận vùng ao nuôi và nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). FSIS ghi nhận việc thực thi hệ thống kiểm soát ATTP trong quá trình SX, chế biến, XK cá tra Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các quy định của Mỹ.

Ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Biển Đông, cho rằng: Cá tra phải ở một quy chuẩn chất lượng cấp cao để có thể vào được thị trường Mỹ. Công ty Biển Đông áp dụng quy trình sản xuất, giữ ổn định chất lượng xuất khẩu sang các nước là nhờ kiểm soát tốt chất cấm, tồn dư kháng sinh trong sản phẩm.

Nhờ kiểm soát tốt chất lượng, đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính như Mỹ.

Thị trường tiêu thụ cá tra Việt Nam tại Mỹ, Trung Quốc và EU chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất. Hiện đã có dấu hiệu một số thị trường xuất khẩu như Mỹ đang phục hồi trở lại bình thường. Các DN chế biến xuất khẩu cá tra trong vùng, cho biết đã chuẩn bị  kế hoạch sản xuất và chủ động bắt nhịp thị trường khi dịch Covid-19 lắng dịu.

Hiện tại 10/10 tỉnh, thành phố có vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng đàn cá nuôi. Về mặt tổng thể quan trắc kiểm soát môi trường nước, Tổng cục Thủy sản và Ủy hội sông Mekong, cho biết đã thực hiện quan trắc tại các điểm đầu nguồn sông Mekong. Về phía các địa phương đảm nhiệm quan trắc vùng nuôi, còn cơ sở ao nuôi quan trắc tại các ao nuôi.

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL đã định hình đạt nhiều bước tiến mới. Trước tiên trong khâu SX cá giống, năm 2019 toàn vùng nuôi có 200 cơ sở SX giống cá tra và 3.000 ha ương dưỡng cá giống (bằng 100% so với năm 2018), SX được khoảng 21 tỷ cá tra bột, tạo ra hơn 2,1 tỷ cá tra giống, đồng thời đã thay thế được 45.000 con cá bố mẹ chọn giống. Con giống được kiểm dịch một số bệnh nguy hiểm, có phả hệ đàn cá bố mẹ.

Đến nay kiểm soát các yếu tố đầu vào, về thức ăn thủy sản cho cá tra: 100% cơ sở SX thức ăn công nghiệp được kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện SX kinh doanh và 100% cơ sở nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp. 100% DN chế biến có vùng nuôi cá tra thương phẩm riêng hoặc mua nguyên liệu từ cơ sở nuôi gia công hoặc liên kết chuỗi. 100% cơ sở nuôi được kiểm soát về ATTP theo luật ATTP,  trong đó 70% diện tích cơ sở nuôi đạt chứng nhận GAP (1.900 ha được chứng nhận VietGAP, khoảng 2.000 ha được chứng nhận ASC, Naturland, GolbalGAP, BAP…). Trong đó đáp ứng điều kiện truy xuất nguồn gốc có 4.860 ao nuôi được cấp mã số nhận diện, quản lý phần mềm trên website.

Chuyển động mới từ vùng nuôi

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Mấy năm gần đây ngành hàng cá tra gặp khó khăn, khiến người nuôi thua lỗ. Từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng dịch bệnh Covid- 19 nên giá thu mua cá tra giảm.

Nuôi cá tra đảm bảo ATVS thực phẩm theo hướng phát triển bền vững. Ảnh: LHV

Nuôi cá tra đảm bảo ATVS thực phẩm theo hướng phát triển bền vững. Ảnh: LHV

Hiện thời giá cá tra nguyên liệu (thịt trắng, cỡ 700-800 gram/con) khoảng 21.500- 22.000 đồng/kg. Trong khi so với giá thành nuôi cá tra đang mức từ 22.000-23.000 đồng/kg, người nuôi cá tra vẫn bị lỗ từ 500-1.000 đồng/kg.

Để khôi phục, vượt qua khó khăn tiếp tục phát triển ngành hàng cá tra tỉnh An Giang đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp: Cấp 1 là Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 2, đến nay đã cung cấp 12.320 con cá tra bố mẹ để thay thế khoảng 30% tổng đàn cá tra bố mẹ trong tỉnh. Cấp 2 với nồng cốt là Trung tâm giống thủy sản An Giang và một số cơ sở sản xuất liên kết, tổng số số lượng cá bố mẹ 26.300 con (chiếm 64 % số lượng cá tra bố mẹ toàn tỉnh), năng lực cung cấp 6,8 tỷ bột/năm. Các đơn vị này đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất ương dưỡng giống thủy sản.

Cấp 3 gồm các chi hội ương giống cá tra với tổng số 54 hội viên, tổng diện tích mặt nước ương là 251 ha (chiếm hơn 43% diện tích ương giống của tỉnh hiện nay), năng lực sản xuất giống là 700-800 triệu con/năm. Phối hợp với Hiệp hội Thủy sản tỉnh hướng dẫn hội viên thực hiện các điều kiện ương dưỡng giống thủy sản, đăng ký kiểm tra và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện. Kết quả đã có 9/11 cơ sở đăng ký được cấp chứng nhận với diện tích khoảng 34 ha.

Bên cạnh đó, tỉnh An Giang mời gọi 4 DN đầu tư các vùng ương nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao tham gia đề án cá tra 3 cấp như: Tập đoàn Việt Úc (104 ha), Cty TNHH MTV Nam Việt (600 ha, với 150 ha ương giống ở huyện Châu Phú), Cty Cổ phần Vĩnh Hoàn (48,3 ha), Cty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi (350 ha). Các dự án này đang được triển khai và kế hoạch đã có kế hoạch sản xuất trong năm 2020, qua đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng con giống cá tra trong thời gian tới.

Hiện nay trên địa bàn An Giang có Tập đoàn Nam Việt là một trong những DN hàng đầu nuôi cá tra ở ĐBSCL thực hiện nuôi cá tra theo công nghệ cao quy mô lớn từ nhiều năm qua. Dự án nuôi cá tra của Nam Việt có quy mô 600 ha với tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, được triển khai trên 3 ấp Bình Đức, Bình Quới, và Bình Thới thuộc xã Bình Phú, huyện Châu Phú (An Giang).

Nghề nuôi cá tra liên kết theo chuỗi sản xuất ở vùng ĐBSCL. Ảnh: NVC

Nghề nuôi cá tra liên kết theo chuỗi sản xuất ở vùng ĐBSCL. Ảnh: NVC

Trong đó khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao có diện tích 150 ha với vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Còn khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản, nuôi cá tra thương phẩm có diện tích 450 ha có vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Ở khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, mỗi năm sản xuất ra khoảng 360 triệu con giống cá tra chất lượng cao phục vụ cho các vùng nuôi của Nam Việt, số cá giống sản xuất dư ra sẽ cung cấp cho thị trường.

Riêng khu vực nuôi cá tra thương phẩm, mỗi năm sản xuất ra 200.000 tấn cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Toàn bộ vùng nuôi đầu tư trang thiết bị theo hướng hiện đại, trong đó công nghệ sục khí nano và chất xúc tác bakture để xử lý nước trong ao nuôi. Bằng công nghệ này, trên toàn bộ diện tích nuôi cá tra ở Bình Phú sẽ không cần xả thải nước ao nuôi ra môi trường, không cần nạo hút bùn đáy ao bằng phương pháp cơ học như hiện nay.

Tỉnh An Giang chủ trương thu hút đầu tư, Công ty CP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) đã thành lập và đặt trụ sở Công ty TNHH Sản xuất giống cá tra Vĩnh Hoàn tại ấp Vĩnh Bường (cồn Vĩnh Hòa). Theo đó, dự án sản xuất giống cá tra 3 cấp ứng dụng công nghệ cao tại đây và thực hiện mô hình nuôi tuần hoàn cá tra. Với quy mô diện tích 48,3 ha, dự án đặt mục tiêu cung cấp 1,6 tỷ con cá hương và 30 triệu con cá tra giống/năm. Đồng thời công ty xây dựng mã code cho sản phẩm cá tra thịt trắng, hướng đến thị trường xuất khẩu cao cấp với giá trị từ 4 USD/kg cá trở lên.

Cùng với nhà máy thức ăn công suất 350.000 tấn/năm đang xây dựng, Công ty CP Vĩnh Hoàn thành lập thêm Công ty Mai Thiên Thanh chuyên sản xuất phân bón hữu cơ. Nguồn nguyên liệu chủ yếu từ phế phẩm, bùn thải trong quá trình nuôi và  chế biến sẽ được thu gom, chế biến thành phân bón hữu cơ. Đây là một hình kinh tế tuần hoàn đầy triển vọng.

Từ năm 2019 ở ĐBSCL đã chuẩn hóa vùng nuôi cá tra, hoàn tất định vị, cấp mã số từng ao nuôi, đảm bảo truy nguyên nguồn gốc. Chất lượng, sản lượng sẽ dược kiểm soát chặc chẽ đảm bảo ATTP để xây dựng uy tín thương hiệu cá tra phát triển bền vững.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Phương Đông Asahi ghi dấu ấn với các khách hàng ở thủ đô

Tổ hợp Y tế Phương Đông đã ghi dấu ấn sâu sắc với những dịch vụ y tế chất lượng cùng các chương trình tư vấn sức khỏe, nghỉ dưỡng - dưỡng lão.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...