| Hotline: 0983.970.780

'Đánh thức' các Vườn Quốc gia

Đỏ mắt tìm kiểm lâm viên

Thứ Năm 18/05/2023 , 06:33 (GMT+7)

Lãnh đạo Vườn Quốc gia Vũ Quang chua xót nói về việc tuyển dụng kiểm lâm viên, trong khi cán bộ hiện tại một người đang phải làm việc bằng hai, bằng ba.

Cán bộ kiểm lâm của Vườn Quốc gia Vũ Quang đi tuần tra bảo vệ rừng. Đây là đoạn đường được coi là 'dễ đi' trong chuyến tuần tra. Ảnh: Văn Việt.

Cán bộ kiểm lâm của Vườn Quốc gia Vũ Quang đi tuần tra bảo vệ rừng. Đây là đoạn đường được coi là "dễ đi" trong chuyến tuần tra. Ảnh: Văn Việt.

59 chỉ tiêu, có 35 hồ sơ

“Năm 2022, tỉnh Hà Tĩnh có 59 chỉ tiêu kiểm lâm viên, nhưng tính đến tháng 4, mới có 35 hồ sơ. Tôi nghe anh em báo cáo lại, khả năng đến ngày thi, số lượng người tới còn ít hơn nữa”, ông Nguyễn Danh Kỳ, Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang, nói.

Ông Kỳ bảo, có người còn dò hỏi: “Nghe đâu cứ thi kiểm lâm là đỗ”. Đáp lại, Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang cho biết, một lãnh đạo công an tỉnh Hà Tĩnh là Phó chủ tịch Hội đồng thi, nếu có tiêu cực, cơ quan công an chắc chắn sẽ xử lý.

Tại Hội nghị Vườn Di sản ASEAN (AHP) lần thứ 6 diễn ra tại nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (tháng 10/2019), Vườn Quốc gia Vũ Quang chính thức được công nhận là “Vườn Di sản ASEAN” (Khu AHP) cùng với 3 đại diện khác của Việt Nam.

“Nói rứa là để người ta rõ, chứ theo tôi thì không có điểm liệt là đỗ. Làm gì có cạnh tranh, người ta không bị điểm liệt là phải nhận. Trong khi đấy, có những ngành thì tính trung bình 1 chỉ tiêu có đến 3-4 người phải cạnh tranh nhau”, ông Kỳ nói.

Đó là bước “mở” của tỉnh Hà Tĩnh, bởi 7 năm qua không hề có cuộc thi công chức nào cho ngành kiểm lâm. Giữ rừng là gánh nặng, câu nói ấy có thể thấy rõ trên nét đăm chiêu của Giám đốc Kỳ, mỗi khi câu chuyện chạm tới đề tài con người.

“Trách nhiệm nhiều, lương thấp”, lãnh đạo Vườn Quốc gia Vũ Quang tổng kết ngắn gọn về nguyên nhân khó tìm người.

Ông Kỳ bảo bao lâu nay, tìm kiểm lâm viên khó hơn doanh nghiệp tuyển người. Vườn có văn bản gửi nhiều cơ quan trên tỉnh Hà Tĩnh, vận động con em trong tỉnh, con em cán bộ vào Vườn làm việc, song thực trạng không có gì đổi mới rõ rệt.

“Rừng là vàng, sao người giữ rừng khổ thế”, Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang nói họ chưa bao giờ thấy xúc động và đón nhận được sự chia sẻ như thế khi nghe Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, chia sẻ trong buổi gặp các lãnh đạo, cán bộ Vườn Quốc gia cả nước, tổ chức tại Cúc Phương, Ninh Bình.

“Có lãnh đạo vườn nói làm Giám đốc vườn năm nay là 19 năm, lần đầu tiên được Bộ trưởng mời phát biểu xem khó khăn vướng mắc ở đâu. Nói thật chứ tầm chúng tôi gặp Thứ trưởng đã khó, đừng nói là gặp Bộ trưởng”, ông Kỳ kể.

Nghề kiểm lâm vô vàn khó khăn, điều đầu tiên là lương thấp, không được nhiều ưu đãi, đãi ngộ. Một hạt phó kiểm lâm, hơn chục năm công tác, đồng lương chỉ 4-5 triệu đồng.

Cán bộ Vườn Quốc gia Vũ Quang đi tuần tra trong rừng. Ngoài nhiệm vụ đảm bảo không để xảy ra vi phạm lâm luật, họ còn đặt nhiều bẫy ảnh để theo dõi, phát hiện các loài thú quý hiếm. Ảnh: Hoàng Anh.

Cán bộ Vườn Quốc gia Vũ Quang đi tuần tra trong rừng. Ngoài nhiệm vụ đảm bảo không để xảy ra vi phạm lâm luật, họ còn đặt nhiều bẫy ảnh để theo dõi, phát hiện các loài thú quý hiếm. Ảnh: Hoàng Anh.

Cơm chan nước mưa

Ông Nguyễn Sang Trang, Phó trưởng Phòng Giáo dục Môi trường, Vườn Quốc gia Vũ Quang, cho biết chuyện đi rừng là một trong những thách thức khiến nhiều kiểm lâm viên khó trụ với nghề.

Ngay cả ông Trang cũng vậy, những lần đầu tiên đi rừng, là kỷ niệm khó quên. “Nỏ phải cái chi to tát mô, lần đầu mình đi tuần tra trong rừng, không mang nhiều đồ cá nhân. Đêm ở rừng lạnh buốt, dù ngoài thị trấn Vũ Quang nóng như đổ lửa. Cả đêm ngồi co ro giữ bếp lửa. Sau lần ấy thì luôn nhớ mang võng, mang chăn hoặc túi ngủ”, ông Trang kể.

Ngày thứ hai, mưa rừng như trút nước. Mưa rừng, không giống mưa ở thành thị. Ai từng đi rừng sẽ biết cảnh hàng ngàn, hàng vạn “ống ước” trút xuống đầu. Xối xả. Tầm nhìn chỉ còn vài mét.

Gặp mưa rừng, điều khó nhất là nhóm lửa nấu cơm. Thường đoàn công tác sẽ mang theo xăng, dầu, hoặc cồn, dây địu (phương ngữ Hà Tĩnh, nghĩa là dây cao su) để nhóm lửa. Củi ban đầu phải chẻ thật nhỏ, tẩm chất dễ cháy vào để nhóm lửa.

“Cơm chan nước mưa là chuyện bình thường. Anh em đi nhiều cũng quen. Sau này cũng có một số người bỏ rừng mà đi làm nghề khác, nhưng kỷ niệm gian khó bên nhau thì nhớ mãi, lần nào gặp cũng ôn lại chuyện cũ”, ông Trang nói.

Một điều khác lạ ở Vũ Quang, là đội bảo vệ rừng luôn có những thợ săn chính hiệu. Họ vốn là dân bản địa Vũ Quang, gồm cả những người thuộc dân tộc ít người sinh ra, lớn lên trong rừng.

Nếu như các kiểm lâm viên là “Idol” của giới trẻ về kỹ năng sinh tồn trong rừng sâu, phân biệt các loại thực vật có thể ăn, chữa bệnh, thì thợ săn còn là “Idol” của kiểm lâm với khả năng ở trong rừng cả tháng trời.

Sinh ra ở rừng, liếc mắt là biết đường nào đi được, quả cây nào ăn được, lá cây nào chữa bệnh. Nguyễn Văn Minh, dân tộc Lào, từng là thợ săn khét tiếng Vũ Quang, nay là thành viên đắc lực của đội bảo vệ rừng.

Không một con thú nào, dù nhỏ như cắn cắn (phương ngữ Hà Tĩnh chỉ con dúi), hay mèo rừng, có thể thoát khỏi cặp mắt của Minh. Thợ săn này có đôi tay đặc biệt dài, cao chừng 1m80 có dư. Cây cao, dốc đá hiểm trở, chưa từng có nơi nào chưa có dấu chân của Minh.

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Chưa kể săn bắt thú bây giờ còn là phạm pháp, đâu phải như thời xưa. Từ ngày về làm bảo vệ rừng, thu nhập tốt hơn, không phải chui lủi nữa”, Minh nói.

Đó là cách mà Vườn Quốc gia Vũ Quang không để vụ vi phạm lâm luật lớn nào xảy ra trong suốt nhiều năm. Mang lại sinh kế tốt hơn cho thợ săn, là cách bảo vệ rừng hữu hiệu. Bởi khó có ai biết về rừng hơn họ, những người một thời khiến Vũ Quang mang tiếng xấu về nạn săn bắt thú.

Khung cảnh đẹp như tranh vẽ trên mặt hồ Ngàn Trươi, một trong những hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Văn Việt.

Khung cảnh đẹp như tranh vẽ trên mặt hồ Ngàn Trươi, một trong những hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Văn Việt.

Ngậm ngùi

Vườn Quốc gia Vũ Quang bây giờ vẫn nhiều người nói về Lê Công Sáng, nguyên Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Sao La. Đó là người từng sinh tử với nghề suốt hơn 16 năm. Quê của Sáng ở Can Lộc, nơi mà người ta vẫn gọi vui là “có bầu trời xanh nhất Việt Nam”.

Ông Thái Cảnh Toàn, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang, ngậm ngùi bảo đấy là văn vẻ vậy thôi, chứ Can Lộc là nơi khắc nghiệt. “Nắng quá, nắng đến mức không một gợn mây. Thế nên nhạc sỹ Doãn Nho mới sáng tác bài ‘Người con gái sông La’, trong đó có câu ‘Trời mô xanh bằng trời Can Lộc. Nác (nước) mô xanh bằng nác sông La’. Cũng là một cách động viên con người vượt qua khó khăn”.

Nguyên Trạm trưởng Sáng nhiều năm gắn bó với rừng, nhưng đồng lương 4-5 triệu đồng để nuôi bản thân còn khó, chưa nói đến vợ cùng 3 con nhỏ, mẹ già đau ốm quanh năm. Ngày chia tay đơn vị, Sáng khóc. Dòng đời xô đẩy, kiểm lâm viên đắm đuối với rừng, nay phải đi lao động nơi xứ người.

Nụ cười trên môi Giám đốc Nguyễn Danh Kỳ thoắt trở nên như mếu khi nói về công tác cán bộ. Lãnh đạo Vườn Quốc gia Vũ Quang nói nỗi trăn trở lớn nhất bây giờ đó là, bên cạnh những cơ chế chính sách phù hợp, Nhà nước cần có sự đầu tư về kinh phí để mua sắm các phương tiện tuần tra như: tàu, thuyền, xây dựng lại hệ thống nhà trạm bảo vệ rừng, đường tuần tra rừng... tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công việc khó khăn này.

Tổng số biên chế của Vườn mới chỉ đạt trên 50% theo quy định, điều này làm cho anh em phải làm việc gấp 2-3 sức lực của mình, đôi khi khó đảm đương nhiệm vụ.

Đời sống việc làm và thu nhập của số anh em kiểm lâm thuộc Vườn Quốc gia Vũ Quang cũng gặp rất nhiều khó khăn, hiện tại các tuyến đường tuần tra rừng chưa được đầu tư xây dựng, việc đi lại rất khó khăn, phải thường xuyên tuần tra rừng tại gốc, suối sâu, núi cao đều phải vượt qua để kiểm tra bảo vệ rừng; hiện có một số trạm bảo vệ rừng đóng xa trung tâm, đến nay vẫn chưa có điện lưới phục vụ sinh hoạt, không có sóng điện thoại, thiếu thốn, cuộc sống chủ yếu tự cung tự cấp... các chế độ phụ cấp ngành chưa được hưởng đầy đủ theo quy định của Nhà nước, như: phụ cấp thâm niên, phụ cấp lưu động, phụ cấp ngành nghề nặng nhọc độc hại, phụ cấp khu vực biên giới...  

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.