| Hotline: 0983.970.780

Tháo gỡ cho cây cam Vinh

Thứ Năm 11/04/2019 , 09:12 (GMT+7)

Trồng cam vốn là thế mạnh của tỉnh Nghệ An suốt nhiều năm qua nhưng hiện đang đối diện với không ít thách thức, nếu không sớm án tháo gỡ những nút thắt e rằng người nông dân khó sống tốt với nghề.

Xin được nêu lên thực trạng tại huyện miền núi Con Cuông, nơi được xem có nhiều điều kiện thuận lợi…

11-42-41_1
Người trồng cam tại huyện Con Cuông đang lo ngay ngáy

Con Cuông có quỹ đất lâm nghiệp lên đến hơn 162.000ha, lại thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm rất thuận lợi để phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả.

Đến thời điểm này, tổng diện tích trồng cam toàn huyện đạt 387,19ha, trong đó cam kinh doanh là 105ha, số còn lại đang trong thời kỳ kiến thiết. Sau khoảng thời gian đầu sinh lợi, hiện cây cam đang là gánh nặng lớn đối với nhà nông, “góp phần” không khỏ đẩy nhiều gia đình vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, bỏ không được mà giữ cũng chẳng xong.

Chính những người trong cuộc khẳng định, giai đoạn 2013 - 2016 là thời kỳ hoàng kim, mười nhà như một trên mỗi ha đều đặn thu về không dưới nửa tỷ đồng/năm. Đồng tiền kiếm được dễ dàng nhanh chóng tạo nên hiệu ứng dây chuyền thúc đẩy, cứ thế phong trào trồng cam tăng nhanh với tốc độ phi mã. “Xuống tay ăn tiền” nông dân chắc mẩm sẽ sớm đổi đời nhờ cây cam mà không biết rằng hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn đang chờ đón phía trước, đến lúc này đây mối lo đã thành hiện thực.

Tại Con Cuông, quy mô diện tích nhận rộng đến đâu thì bấp cập lộ rõ đến đó, khó khăn chất chồng nhưng không có hướng tháo gỡ khiến nghề trồng cam đối diện với tình cảnh hết sức gian nan: Cơ quan quản lý chưa kiểm soát tốt chất lượng đầu vào? Nông dân đa phần chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật? Tình trạng sử dụng thuốc BVTV vô tội vạ làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh? Sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ? Phụ thuộc vào thị trường, thương lái?

Hàng loạt câu hỏi đặt ra nhưng giải quyết ra sao, triển khai như thế nào thì các cấp, ngành chức năng, chính quyền địa phương đều lúng túng như nhau (?!).

Qua rà soát thực tế, hiện chỉ một vài giống cam trên thị trường có chỉ dẫn địa lý (Xã Đoài 1, Xã Đoài 2, Vân Du, Sông Con), còn lại được du nhập một cách trôi nổi, công tác kiểm soát chẳng đến đầu đến đũa. Thành thử việc trồng cam chẳng khác gì đánh bạc, hộ nào may mắn chọn lựa được giống tốt thì nỗi lo tạm vơi đi, bằng không càng gắng gượng càng lỗ chổng vó.

Về quy trình sản xuất, mặc dù các đơn vị, các hộ gia đình đều thuộc dạng thâm niên trong nghề nhưng thay vì triển khai đúng quy trình theo khuyến cáo của đơn vị chuyên ngành thì đều có xu hướng lạm dụng thuốc BVTV như thể là biện pháp tối ưu nhất. Tại nhiều vùng, mỗi năm chủ vườn tiến hành phun trừ 10 - 15 lần, thoáng thấy dấu hiệu là phun lấy phun để, sự việc kéo dài đã dẫn đến tình trạng “nhờn thuốc”, hệ quả là dịch bệnh không được xử lý triệt để mà cây giống ngày càng quay quắt, quá trình thoái hóa vì thế diễn ra nhanh hơn.

Quá nhiều yếu tố bất thuận khiến người trồng cam chẳng biết đường nào mà lần, càng loay hoay xoay sở càng thấy vướng víu khiến tâm lý của họ tuột dốc không phanh. Đáng lo ngại thực sự nếu nhìn vào thực trạng chung lúc này, rộng khắp địa bàn tình hình chẳng mấy sáng sủa, số cơ sở có lãi (thậm chí hòa vốn) chỉ chiếm một phần rất nhỏ, trong khi nhiều vùng nông dân thi nhau nhận về “trái đắng” khi cây cam đồng loạt đổ bệnh vào đúng giai đoạn then chốt nhất (đã qua 4 - 5 năm chăm sóc).

11-42-41_2
Nếu không sớm có phương án tháo gỡ núi thắt, nghề trồng cam ở Nghệ An sẽ đối diện với muôn vàn khó khăn

Nhiều vườn cam bị sâu bệnh tàn phá nặng nề, tỷ lệ quả bị chua, sần (cam ngơ) chiếm mức cao. Đổ mồ hôi sôi nước mắt, huy động tiền trăm bạc tỷ dồn hết vào vườn tược hòng thu về nguồn lợi tương xứng, nay tình hình rẽ theo chiều hướng khác khiến người trồng ngao ngán đến cùng cực.

"Chi phí triển khai rất đắt đỏ, mỗi ha tiêu tốn hàng trăm triệu đồng. Thú thực không nhiều hộ tự mình cáng đáng được, để duy trì mô hình phải đứng ra huy động, vay mượn khắp nơi. Nghề trồng cam rất vất vả, thông thường quy trình phải kéo dài vài ba năm mới có sản phẩm. Bối cảnh thuận lợi thì chẳng nói làm gì, đằng nay hai năm qua điều kiện thời tiết diễn biến khó lường, thiên tai chồng lấn thi nhau đọa đầy nông dân chúng tôi, chán nản nhiều gia đình chẳng màng ngó đến nữa”, chị Vi Thị H. một hộ trồng cam trên địa bàn huyện Con Cuông thốt lên chua chát.

Theo kế hoạch, đến năm 2020 huyện Con Cuông phấn đấu nâng diện tích trồng cam lên 500 ha, theo lời Trưởng phòng NN-PTNT Lô Văn Lý với đà này mục tiêu trên khó khả thi.

Tháng 1/2019 huyện Con Cuông đã phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An đã triển khai dự án “Cải tạo, phục hồi giống cam thoái hóa” trên quy mô diện tích gần 6.000 m2 nhằm đánh giá chi tiết thực trạng, qua đó rút ra phương án tối ưu nhất.

Dự kiến dự án này kéo dài trong 2 năm, xem ra nông dân trồng cam trên địa bàn còn ngóng chờ dài dài.

 

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất