| Hotline: 0983.970.780

Chắp cánh một Nghị quyết mới về “tam nông”

Tháo gỡ những điểm nghẽn khoa học công nghệ

Thứ Ba 01/03/2022 , 09:43 (GMT+7)

Những chính sách thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp đang bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ.

Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Đổi mới thể chế

Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học, công nghệ lần thứ tư và xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia cũng như từng lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Nhiệm vụ, giải pháp về khoa học, công nghệ được Nghị quyết 26-NQ/TW xác định rõ: “Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn”.

Những năm qua, việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp được đẩy mạnh và đã phát huy tác dụng trong việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững…, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hiền, Khoa Kinh tế và PTNT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay, hệ thống thể chế, chính sách thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp đang bộc lộ không ít những hạn chế, bất cập, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ.

Chính vì vậy cần có những giải pháp đổi mới và sáng tạo trong xây dựng thể chế thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp, tập trung vào đổi mới tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp; đổi mới hệ thống nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường sự tham gia của khu vực tư trong nghiên cứu; tăng cường nguồn tài chính và phân bổ nguồn tài cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.

Cần đổi mới cơ chế hình thành chương trình, đề tài nghiên cứu, nhiệm vụ nghiên cứu; đổi mới cơ chế tuyển chọn cá nhân, tổ chức thực hiện đề tài; đổi mới cơ chế quản lý tài chính và kế toán trong triển khai thực hiện đề tài; đổi mới cơ chế nghiệm thu, đánh giá và kết thúc đề tài; đổi mới cách thức công bố và ngân hàng dữ liệu kết quả nghiên cứu đề tài và vấn đề sở hữu trí tuệ; đổi mới cơ chế chuyển giao, nhân rộng thành tựu nghiên cứu khoa học công nghệ.

Theo GS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần xác định được nội hàm cũng như hướng đi, tiêu chí cụ thể cho những điểm mới như “nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân thông minh” để có thể tận dụng hiệu quả khoa học công nghệ.

Khoa học công nghệ được coi là bước đột phá quan trọng để phát triển ngành nông nghiệp. Ảnh: Minh Hậu.

Khoa học công nghệ được coi là bước đột phá quan trọng để phát triển ngành nông nghiệp. Ảnh: Minh Hậu.

“Đây được coi là bước đột phá rất quan trọng để phát triển ngành nông nghiệp. Qua rất nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng coi khoa học công nghệ là then chốt, nhưng trên thực tế, nhìn chung khoa học công nghệ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Việc áp dụng khoa học công nghệ trong bối cảnh hiện tại là dư địa rất tốt để phát triển nhanh, bền vững và lâu dài cho nông nghiệp nói riêng và đất nước nói chung”, GS Nguyễn Quang Thuấn nhận định.

Chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa tập trung vào người nông dân

Nông nghiệp thông minh là nền nông nghiệp ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau nhằm giảm tối đa sức lao động của con người, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả và phát triển nông nghiệp bền vững.

Từ năm 2010 trở lại đây, Chính phủ và các bộ, ban ngành đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Kể từ khi thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới đã được ứng dụng trong sản xuất làm cho năng suất cây trồng, vật nuôi tăng nhanh đáng kể, góp phần giải quyết công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân một cách có hiệu quả.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Phượng Lê, Khoa Kinh tế và PTNT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay các chính sách dường như ưu tiên nhiều hơn cho các cơ sở sản xuất quy mô lớn như doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã và hợp tác xã so với những nông dân sản xuất nhỏ. Chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn có một số hạn chế, bất cập trong hỗ trợ đối với hộ nông dân.

Nguồn nhân lực nông nghiệp là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, song hiện đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Lao động nông nghiệp chiếm hơn 40% lao động toàn xã hội nhưng mới chỉ có 7,93% đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, trong đó, 3,58% đã qua đào tạo nhưng không có bằng, chứng chỉ; 1,87% sơ cấp nghề; 1,24% trung cấp và trung cấp nghề; 0,69% cao đẳng, cao đẳng nghề và 0,46% đại học trở lên. Trình độ thấp khiến cho phần lớn lao động trong nông nghiệp không đủ năng lực làm chủ công nghệ tiên tiến, làm hạn chế việc tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành khá nhiều các văn bản chính sách về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành quyết định về tiêu chí xác định chương trình, dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, song trong tất cả các văn bản đó chưa có quan niệm và tiêu chí cụ thể, thống nhất về công nghệ cao trong nông nghiệp.

Quan trọng hơn nữa là đối tượng hưởng lợi của những công nghệ được xem là tiên tiến (công nghệ sinh học, tự động hóa, vật liệu mới, cơ khí…) thường được ngụ ý là các doanh nghiệp hay hợp tác xã hơn là hộ nông dân, do vậy còn rất ít công nghệ cao được thiết kế để ứng dụng cho quy mô nông hộ.

Bên cạnh đó, chính sách đất đai mới chỉ tập trung vào xây dựng một số khu vực, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Những hỗ trợ về đất đai dường như mới chỉ tập trung cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chứ chưa có ưu đãi cho hợp tác xã và hộ. Việc đầu tư cơ sở vật chất ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp có giá thành cao nên nhiều công nghệ không phù hợp với quy mô sản xuất và năng lực đầu tư của hộ.

Chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn có một số hạn chế, bất cập trong hỗ trợ đối với hộ nông dân.

Chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn có một số hạn chế, bất cập trong hỗ trợ đối với hộ nông dân.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm và nhất là nhập thiết bị. Mặc dù Chính phủ và các bộ ban ngành đã ban hành nhiều chính sách về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và tín dụng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao nói riêng song các quy định thủ tục rườm rà, phức tạp cùng với việc đánh giá, xếp loại các dự án nông nghiệp công nghệ cao dựa trên các tiêu chí theo định tính, thiếu định lượng... khiến cho người sản xuất, nhất là hộ khó tiếp cận được nguồn vốn này.

Theo Bộ NN-PTNT, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao không chỉ phát triển một công nghệ đơn lẻ, cụ thể nào đó mà còn ứng dụng quy trình công nghệ cao đồng bộ trong suốt chuỗi cung ứng, là sự kết hợp chặt chẽ của từng công đoạn cụ thể như: giống, công nghệ nhà kính, kỹ thuật, phân bón sinh học hữu cơ...

  • Tags:
Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Đấu giá sâm Ngọc Linh để xóa nhà tạm cho đồng bào Xơ Đăng

Hai củ sâm Ngọc Linh được đấu giá 238 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được dùng để xóa nhà tạm cho đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở huyện Nam Trà My.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.