Những nghịch lý còn tồn tại
Định hướng của Đảng đã đề ra trong Đại hội XIII là hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Trong bối cảnh mới, người nông dân sẽ vẫn là lực lượng lao động nòng cốt trong khu vực nông thôn, đồng thời là lực lượng có kiến thức và kĩ năng về kinh tế, quản lý, công nghệ, kĩ thuật để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức, có tinh thần sáng tạo và ý chí vươn lên để đảm bảo sự phát triển bền vững chung của quốc gia và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của chính mình với chất lượng sống ngày càng được cải thiện một cách toàn diện hơn trong bối cảnh của sự thay đổi về kinh tế, xã hội, môi trường và công nghệ.
Theo TS Dương Nam Hà, Khoa Kinh tế và PTNT (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), người nông dân là lực lượng tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu của Việt Nam. Hiện nay, số lượng hộ nông dân có xu hướng giảm theo thời gian. Mô hình kinh tế hộ nông dân đang dần có sự chuyển đổi sang hình thức trang trại, qua đó góp phần đáng kể vào cộng cuộc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên xu hướng này còn chậm và chưa đáng kể.
Người nông dân là chủ thể chính được giao quyền sử dụng đất nông nghiệp, tuy nhiên, diện tích đất sử dụng bình quân mỗi hộ vẫn còn rất nhỏ và manh mún. Các hộ nông dân đóng góp nguồn lao động dồi dào cho phát triển kinh tế nông thôn nhưng trình độ, kỹ năng của lao động còn hạn chế.
Hiện nay, người dân đã chủ động trong đầu tư trang bị máy móc, thiết bị cho phát triển kinh tế nông nghiệp tuy nhiên mức đầu tư còn hạn chế và các trang thiết bị còn chưa tiên tiến, hiện đại. Các hộ nông dân cũng chủ động trong tích lũy vốn và tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, thế nhưng mức vốn đầu tư rất nhỏ, không đáng kể.
Người nông dân đã tích cực, chủ động tham gia các liên kết phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhưng các liên kết còn lỏng lẻo và chưa hiệu quả. Người nông dân đã đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp nước ta nhưng nghịch lý là thu nhập của đa số hộ nông dân còn chưa cao.
Vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn như là một yếu tố quan trọng nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát huy tinh thần tự chủ của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong công cuộc phát triển cộng đồng nông thôn và phát triển nông nghiệp, nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam sẽ đóng vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết trong giai cấp nông dân; tăng cường năng lực cho người dân; tuyên truyền, động viên nông dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nông dân phải là chủ thể trực tiếp của chính sách
Theo ông Nguyễn Tiến Cường, Phó trưởng Ban Kinh tế - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn có vị trí thiết yếu trong công cuộc công nghiệp hóa hiện đai hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Thời gian qua, việc triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển tam nông, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần được trao đổi, mở rộng thêm.
“Có thể thấy rõ rằng trong các văn bản Nghị quyết của Đảng đã khẳng định vai trò cụ thể của người nông dân trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhưng trong thực tế vai trò của người nông dân vẫn chưa được phát huy một cách đúng đắn, chưa được quan tâm đúng mức và được đề cao”, ông Nguyễn Tiến Cường nhận định.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, người nông dân, ngoài việc là lực lượng trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, còn là những người bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống nông thôn, những người làm nên thành tựu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua. Trước yêu cầu và áp lực của cuộc Cách mạng 4.0 và nhu cầu cấp thiết của thị trường, những chính sách hỗ trợ người nông dân hiện đang còn nhiều vướng mắc.
Thứ trưởng đặt ra những câu hỏi: Nếu muốn người nông dân tiếp tục sản xuất nông nghiệp thì cần có chính sách hỗ trợ như thế nào? Ngành nghề phi nông nghiệp và dịch vụ đang có xu hướng phát triển mạnh ở nông thôn, vậy thì cần đòi hỏi chính sách như thế nào? Hay việc người nông dân đang có xu hướng dịch chuyển lao động sang các khu công nghiệp và đô thị, chính sách nào sẽ hỗ trợ người nông dân?
“Đó là ba xu hướng đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra. Có thể chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn rất nhiều. Nhưng chúng ta cần phải đi vào từng vấn đề cụ thể mới có thể phát huy được vai trò của người nông dân. Vậy chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân sẽ phải hiểu như thế nào? Đó là những chính sách xoay quanh vấn đề sản xuất, an sinh xã hội, việc quản lý, quản trị vùng trồng của người nông dân”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam phân tích.
Đưa ra dẫn chứng cho quan điểm của mình, Thứ trưởng nhắc lại những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của dịch tả lợn châu Phi. Khi dịch bệnh nổ ra, người bị thiệt hại nặng nhất là người nông dân. Chính vì vậy, thời điểm đó, người nông dân rất cần những chính sách hỗ trợ một cách trực tiếp để có thể duy trì chăn nuôi, sản xuất cũng như không bị áp lực bởi sự cạnh tranh, độc quyền của thị trường.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng còn rất nhiều vấn đề khác của người nông dân cần được các chính sách quan tâm nhiều hơn như an sinh nông nghiệp, bảo hiểm nông nghiệp, bảo vệ lao động, nghề nghiệp, bảo lưu kinh tế…
“Đã có những chính sách hướng trực tiếp tới người nông dân nhưng chúng ta cần hiểu rằng, người nông dân vẫn là một đối tượng mà chúng ta phải tiếp tục quan tâm, nghiên cứu để có những chính sách hỗ trợ người dân duy trì sản xuất một cách bền vững, quản trị cộng đồng nông thôn, an sinh xã hội… Theo đó, tôi đề nghị cần có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, đặc biệt là sản xuất, an sinh xã hội và tiếp cận tri thức, khoa học công nghệ”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu quan điểm.
Các giai tầng nông dân chưa được đầu tư, quan tâm tương xứng để có thể phát huy vai trò cụ thể trong nền kinh tế tam nông. Trong đội ngũ nông dân nông thôn, nhất là các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, có thể thấy rõ rằng họ là một hạt nhân nòng cốt trong hợp tác và liên kết sản xuất cũng như dẫn dắt các khu vực đầu tư nông thôn phát triển. Tuy nhiên, các chính sách để khuyến khích, đẩy mạnh, tạo điều kiện cho các hộ nông dân giỏi phát huy khả năng dẫn dắt cộng đồng nông thôn chưa được phát huy hết.
Ông Nguyễn Tiến Cường