| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp gặp khó

Thứ Sáu 21/10/2011 , 11:22 (GMT+7)

Dự án cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn giai đoạn I (2006 - 2013) đã được tỉnh Nam Định triển khai rất tốt. Dự án được chia thành 4 tiểu dự án, đầu tư làm 4 đợt.

Đến hết tháng 9/2011, đã có 3/4 tiểu dự án hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác 5 công trình nhà máy nước, đã có 29.000 hộ dân được dùng nước sạch, đồng thời 102 công trình vệ sinh công cộng cũng được đưa vào sử dụng tại 20 xã, đang phát huy hiệu quả. Tiểu dự án cuối cùng là 2 nhà máy nước, một cung cấp nước sạch cho 7 xã thuộc 2 huyện Giao Thủy và Xuân Trường, một cung cấp nước sạch cho xã Nam Hùng huyện Nam Trực, đang được triển khai thi công xây dựng.

Với đà này thì dự án chắc chắn sẽ kết thúc vào năm 2012, trước thời hạn 1 năm, 29 xã sẽ được cung cấp nước sạch. Do tiết kiệm đấu thầu và do chênh lệch tỷ giá giữa USD và VND, dự án đã tiết kiệm được 7,6 triệu USD. Từ nguồn tiền tiết kiệm này, Ban QLDA đang khẩn trương hoàn thiện công tác lập báo cáo dự án đầu tư xây dựng thêm 6 hệ thống cấp nước mới cho 9 xã nữa.

Để “mục sở thị” và được nghe trực tiếp ý kiến của người dân đang được hưởng lợi từ dự án, chúng tôi đã về Nhà máy nước Liên Bảo thuộc huyện Vụ Bản. Nhà máy có công suất 3.200 m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho 3 xã Liên Bảo, Hợp Hưng, Đại An, được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 6/2011.

Ông Bùi Văn Lợi, trưởng thôn Trung Phu xã Liên Bảo, cho biết, trước khi có nước của nhà máy, hầu như nhà nào trong thôn cũng có một bể chứa nước mưa để ăn, một giếng khoan để tắm giặt, vệ sinh. Từ ngày có nhà máy nước đến giờ, những hộ làm nhà mới chẳng ai xây bể nước mưa và khoan giếng nữa. Những hộ còn dùng nước giếng khoan chẳng qua là “tiếc cái máy bơm còn dùng được, chờ máy hỏng là cho giếng khoan nghỉ luôn". Ông Lợi nói thêm:

- 95% số hộ trong thôn tôi đăng ký mua nước của nhà máy, nhưng thực tế thì cả 100% người dân đang dùng, vì 5% còn lại ấy đều là bố mẹ già (hộ riêng) đang ở chung một nhà với con cái (đã tách thành hộ riêng) nên dùng chung một đồng hồ.

Hỏi về chất lượng nước, ông Lợi rất phấn khởi:

- Nước trong hơn cả nước mưa, không có mùi. Sức bơm rất mạnh, kể cả ở những đoạn ống cuối, nước vẫn lên được tầng 2, tầng 3. Về chất lượng thì chúng tôi hoàn toàn yên tâm, vì một là nhà máy có công nghệ hiện đại, hai là trước khi đưa nước về đến người dùng, đã được kiểm tra nghiêm ngặt, đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Văn Minh, cũng ở thôn Trung Phu, kể rằng trước khi có nhà máy, nhà ông có một giếng thơi và một giếng khoan. Thế mà nhiều khi hạn, giếng thơi trơ đáy còn giếng khoan thì bơm đến nóng cả máy lên mà một ngày cũng chỉ được chừng một khối nước. Đã có dạo gia đình ông phải mua nước do xe téc chở về bán, một khối nước mất 65.000 đồng. Bây giờ, một tháng cả nhà xài thỏa thê 10 khối nước của nhà máy mà hết có 49.500 đồng, chỉ 2 kg lạc củ ra chợ là xong (Trung Phu là thôn trồng rất nhiều lạc, 1 kg lạc củ hiện có giá 25.000 đồng).

Có thể nói điện, nước sạch và cái nhà vệ sinh hiện đại là 3 vấn đề then chốt nhất đã nâng chất lượng cuộc sống nông thôn “lên một tầm cao mới”. Điện đã có, và bây giờ, dự án này sẽ giải quyết nốt 2 vế còn lại.

Nước sạch đã về làng, lẽ ra niềm vui của những người quản lý, khai thác các nhà máy nước là Cty Cổ phần Nước sạch và Vệ sinh Nông thôn tỉnh Nam Định phải trọn vẹn. Thế nhưng, khi làm việc với chúng tôi, giám đốc Cty Vương Duy Nam lại không giấu được nỗi lo âu:

- Giá thành 1 khối nước hiện là 10.000 đồng, chưa kể thuế V.A.T và phí môi trường, nhưng khi trình giá lên, UBND tỉnh chỉ duyệt giá bán 4.500 đồng, tính cả thuế V.A.T và phí môi trường là 4.950 đồng/khối. Giá đó chỉ bằng 45% giá thành, nên nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh nước sạch của Cty mới chỉ đảm bảo được các chi phí sản xuất trực tiếp và một phần cho đầu tư sửa chữa lớn, chứ chưa có nguồn thu để hoàn trả vốn vay.

Nguồn vốn để thực hiện dự án là Chính phủ vay của Ngân hàng Thế giới (WB) rồi hỗ trợ 45%, DN được vay lại từ nguồn vay của Chính phủ 45% trong thời hạn 20 năm, còn lại là vốn của tỉnh và cộng đồng đóng góp. Ông Nam cho biết, tổng số tiền mà Cty phải vay là 300 tỷ đồng.

 Theo quy định tại Nghị định 117/CP, thì khi cơ quan chủ quản duyệt giá bán sản phẩm dưới giá thành, DN sẽ được bù lỗ để duy trì hoạt động. Nhưng thực tế thì tỉnh không có một đồng bù lỗ cho Cty, trong khi bắt đầu từ năm 2011 này, Cty đã bắt đầu phải trả vốn vay, số phải trả năm nay là 5 tỷ đồng. Được biết, không chỉ ở Nam Định, mà ở một số tỉnh khác đang thực hiện dự án này như Thái Bình chẳng hạn, giá bán nước cho dân cũng được duyệt dưới giá thành.

Đó chính là bài toán khó nhất mà các DN, sau khi được giao quản lý, vận hành và khai thác các công trình thuộc dự án hiện chưa tìm ra được lời giải.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mưu sinh lúc mưa dông, một ngư dân bị sét đánh tử vong

QUẢNG NINH Hoàn cảnh gia đình nạn nhân khá khó khăn, đang nuôi 4 con nhỏ ăn học. Nguồn thu chủ yếu của hai vợ chồng từ nghề đánh lồng.