| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp mong có cơ chế 'nhanh, thoáng' từ hội nghị nuôi biển

Chủ Nhật 31/03/2024 , 09:40 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã bày tỏ kỳ vọng trước 'Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh' diễn ra vào ngày 1/4 tới tại TP Hạ Long (Quảng Ninh).

Mô hình nuôi biển bằng vật liệu HDPE tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Mô hình nuôi biển bằng vật liệu HDPE tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đánh thức tiềm năng nuôi biển

Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu nhiều thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế biển và thủy sản với hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, bờ biển dài 250km chạy dài từ Móng Cái đến Quảng Yên, 40.000ha bãi triều, trên 20.000ha eo, vịnh…

Với diện tích biển trên 6.000 km2, diện tích vùng nuôi hơn 45.000 ha, chiếm trên 15% tổng diện tích nuôi biển toàn quốc, tỉnh Quảng Ninh xác định nuôi biển sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, phù hợp với định hướng kinh tế "nâu" sang "xanh".

Bài liên quan

Cùng với đó, Quảng Ninh có vị trí địa chính trị, địa kinh tế của cả nước, hệ thống kết nối giao thông bằng đường bộ, đường hàng không, đường biển khá hoàn chỉnh cũng là tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế biển nói chung và nuôi biển nói riêng.

Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt gần 42.300ha; trong đó: nuôi nội địa đạt gần 32.100ha, nuôi biển đạt 10.200ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 175.000 tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt hơn 81.600 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt hơn 93.700 tấn. 

Ngành thủy sản Quảng Ninh nói chung và nuôi biển nói riêng mặc dù có nhiều lợi thế song chưa thực sự phát huy được hết những tiềm năng đó. Có thể nói, nuôi biển Quảng Ninh giống như “người khổng lồ” vẫn đang say giấc ngủ, chỉ cần có tác động đủ lớn sẽ vươn mình “thức giấc”, mang lại giá trị kinh tế - xã hội to lớn.

Trước tình hình đó, ngày 31/3 - 1/4, UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức "Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh", nhân kỷ niệm 65 năm truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2024).

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, cho biết, sự kiện này nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 1664 về nuôi biển trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, nhận diện tình hình nuôi biển trên thế giới và trong nước hiện nay; triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi biển và các thủ tục đánh giá tác động môi trường, cấp phép, giao khu vực biển tại Quảng Ninh trong thời gian tới.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh mong muốn giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, đa giá trị; đồng thời tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tổ chức phát triển bền vững nuôi biển tỉnh Quảng Ninh trong những năm tới.

Sự kiện cũng nhằm công bố khu vực biển để thu hút đầu tư nuôi biển và ký cam kết MOU hợp tác phát triển nuôi biển với một số nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế. Nhận diện được những tồn tại, vướng mắc trong thủ tục pháp lý của nhà nước trong việc triển khai nuôi trồng thủy sản trên biển, bàn giải pháp tháo gỡ.

Rong sụn là một trong những đối tượng nuôi mới tại vùng biển Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Rong sụn là một trong những đối tượng nuôi mới tại vùng biển Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Doanh nghiệp kỳ vọng gì từ hội nghị

HTX Thủy sản Thắng Lợi (xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) là một HTX còn non trẻ (thành lập năm 2023), tuy nhiên, các thành viên trong HTX đều đã có kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực nuôi biển. 

Ông Trần Văn Bảo, Giám đốc HTX Thủy sản Thắng Lợi chia sẻ: "Chúng tôi đang đầu tư nuôi biển ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Đối tượng nuôi là các loại cá như song, vược, chim và nhuyễn thể là hàu, ngao... Quảng Ninh là địa phương có tiềm năng để phát triển nuôi biển. Chúng tôi mong muốn sau "Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh" diễn ra vào ngày 1/4 tới, nhà nước sẽ hỗ trợ bà con trong việc tiêu thụ sản phẩm, phát triển hệ thống logistics hướng đến xuất khẩu để tăng giá trị kinh tế cũng như thu nhập cho người nuôi".

Ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Tân An, bày tỏ mong muốn có cơ chế, chính sách nhanh, thoáng, khuyến khích người dân nuôi biển, giúp người dân tiếp cận được vùng nuôi để đảm bảo kế sinh nhai cũng như phát triển kinh tế biển.

"Bên cạnh đó, chúng tôi hi vọng sẽ được hướng dẫn quy trình nuôi chuẩn để làm sao nuôi biển đạt kết quả cao, năng suất tối đa trên một đơn vị diện tích", ông Dũng cho biết. 

Tỉnh Quảng Ninh là địa phương có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tỉnh Quảng Ninh là địa phương có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đã trải qua 7 năm gắn bó với vùng biển Vân Đồn (Quảng Ninh), bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group, chia sẻ: "Hội nghị có chủ đề "Nuôi biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau", chúng tôi mang đến hội nghị sản phẩm rong biển, đây là sản phẩm có giá trị vô cùng lớn cho xã hội, giúp cải thiện môi trường biển, giảm carbon. Việt Nam là đất nước có đường bờ biển trải dài, nhiều vùng biển thích hợp nuôi các loại rong, tảo. Làm được ra sản phẩm thì chúng ta cũng phải xây dựng chuỗi mà hiện tại chúng tôi đã thử nghiệm thành công trong việc liên kết chuỗi sản xuất rong biển. Qua hội nghị này, chúng tôi muốn đề xuất với tỉnh Quảng Ninh nói riêng và các tỉnh thành ven biển nói chung về việc chúng ta hãy đưa nghề nuôi rong biển bao phủ khắp các vùng biển Việt Nam".  

Sau khi Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định Quảng Ninh sẽ là trung tâm thủy sản của miền Bắc, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Chiến lược, Nghị quyết và ban hành các chính sách nhằm phát triển kinh tế biển và nuôi biển.

Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung xử lý môi trường biển. Khu vực biển hiện nay được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường và áp dụng quy chuẩn hoạt động nuôi biển cao hơn. Ngoài ra, tỉnh cũng tiến hành nghiên cứu cơ chế và chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương, dựa trên các quy định của Chính phủ, Trung ương để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nuôi biển.

Việt Nam là quốc gia có 3 mặt giáp biển, thiên nhiên ưu đãi nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biển và nuôi biển đã được Chính phủ, Bộ NN-PTNT xác định là một trong những mũi nhọn ưu tiên và đã được cụ thể hóa bằng Quyết định 1664 ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ngày 1/4, Bộ NN-PTNT và tỉnh Quảng Ninh tổ chức “Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh”. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chủ trì. Dự kiến, Hội nghị sẽ thu hút khoảng 400 - 450 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.

Sự kiện được Báo Nông nghiệp Việt Nam phát trực tiếp trên các nền tảng đa phương tiện.

Quý vị có thể tham dự qua zoom. ID: 939 8269 4473. Mật mã: 202404

Xem thêm
Nuôi ba ba, gặp mưa bão lịch sử vẫn lãi khá

HẢI DƯƠNG Mỗi năm thị xã Kinh Môn (Hải Dương) này cung ứng ra thị trường khoảng 60 tấn ba ba thịt, doanh thu ước đạt 21 - 24 tỷ đồng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.