| Hotline: 0983.970.780

450 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội nghị về nuôi biển

Chủ Nhật 31/03/2024 , 06:13 (GMT+7)

Từ ngày 31/3 - 1/4/2024, tại TP. Hạ Long, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức 'Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh'.

Triển khai Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quảng Ninh đã tích hợp toàn bộ quy hoạch nuôi trồng thủy sản trong lớp bản đồ thuộc Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023.

Theo Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (sau đây gọi là nuôi biển) của Chính phủ: “Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển, gắn với trung tâm nghề cá lớn; trọng tâm phát triển nuôi biển là gắn với bảo tồn biển và du lịch quốc gia. Xây dựng các vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung, đáp ứng nhu cầu giống nhuyễn thể cho khu vực và cả nước”.

Để triển khai hiệu quả các mục tiêu nêu trên, Quảng Ninh đã chủ động làm việc với Bộ NN-PTNT để tổ chức “Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh” với chủ đề: “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau”.

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chủ trì.

Sở NN-PTNT Quảng Ninh, Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư và Báo Nông nghiệp Việt Nam được giao phối hợp tổ chức sự kiện này. Hội nghị sẽ được tổ chức phát trực tiếp (livestream) trên các nền tảng đa phương tiện của Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Dự kiến, Hội nghị sẽ thu hút khoảng 400 - 450 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Trong đó có lãnh đạo các bộ, ban, ngành như: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ NN-PTNT; Bộ Công thương… Lãnh đạo các ban, cục, vụ, viện thuộc Ban Kinh tế Trung ương, Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương… Lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố ven biển. Lãnh đạo các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, Hội nghị còn có sự tham dự của các đại diện tham tán, đại sứ quán và chuyên gia đến từ các quốc gia có thể mạnh về nuôi biển hàng đầu thế giới hiện nay như: Australia, Na Uy, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, Hà Lan; các tổ chức quốc tế như: UNDP, FAO, IUCN, FFW, SNV...

Hội nghị có 3 phần, với các nội dung cụ thể như sau: Phần 1 là tổng quan với các phát biểu của các lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Bộ NN-PTNT và khách quốc tế.

Phần 2 là các phiên tọa đàm với các chủ đề “Tiềm năng và thách thức nuôi biển” và “Giải pháp phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh”.

Phần 3 là trao giấy phép nuôi trồng thủy sản biển và ký các thỏa thuận hợp tác phát triển nuôi biển tại tỉnh Quảng Ninh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: “Hội nghị lần này là cơ hội để chúng ta cùng nhau chuẩn bị cho một câu chuyện đường dài, đó là một chiến lược nuôi biển, chiến lược để hướng tới ngành thủy sản phát triển xanh và bền vững”.

"Các chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nuôi trồng thủy sản kết nối với các viện, trường, các nhà khoa học và cả những tập đoàn trong và ngoài nước để chúng ta cùng nhau định hình một con đường nuôi biển, không chỉ tạo ra một nền kinh tế bình thường mà còn góp phần cho một xu thế mà không thể nào thay đổi được, không thể nào bỏ qua, đó chính là xu thế tăng trưởng xanh. Những điều này sẽ được gói gọn trong Hội nghị nuôi biển tại Quảng Ninh để các địa phương cùng nhìn lại, Bộ NN-PTNT cũng nhìn lại. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là sự gợi mở, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp đến Quảng Ninh cũng như đến với các địa phương có tiềm năng nuôi biển”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói thêm.

Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi biển. Ảnh: Duy Học.

Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi biển. Ảnh: Duy Học.

Với mong muốn có cách nhìn toàn diện hơn về nuôi biển, từ tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức và tìm kiếm giải pháp, “Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh” mong muốn là cầu nối để các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân… cùng nhau đánh giá, nhìn nhận thực trạng tổng quan nuôi biển tại Việt Nam hiện nay cũng như trên thế giới, mục tiêu cao nhất là góp phần phát triển ngành hàng nuôi biển bền vững.

Đặc biệt, Hội nghị được kỳ vọng sẽ trở thành sự kiện thường niên, cầu nối thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư vào nuôi biển, đầu tư hệ thống hạ tầng logistics phục vụ nuôi biển công nghiệp trong thời gian tới.

Ngoài việc theo dõi trực tiếp trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, quý vị có thể tham dự "Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh” qua zoom: ID: 939 8269 4473. Mật mã: 202404.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất