| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp Việt thua Thái Lan vì thụ động, thiếu hiểu biết xu hướng thị trường Trung Quốc

Chủ Nhật 11/12/2022 , 16:19 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu hiểu biết về xu hướng thị trường Trung Quốc, bán hàng một cách thụ động mà không tìm hiểu nhu cầu thực sự của thị trường.

Empty

Diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc”.

Lô hàng bị trả lại hoặc tiêu hủy nếu vi phạm

Ngày 10/12, Tổ Điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970) tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc”.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), hiện nay, Trung Quốc đưa ra 5 yêu cầu về vùng trồng xuất khẩu sang nước bạn. Đó là phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); Bộ NN-PTNT sẽ giám sát đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm; phải không có các đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm; phải được theo dõi và giám sát sinh vật gây hại bởi cán bộ kỹ thuật; phải lưu trữ hồ sơ giam sát và phòng trừ sinh vật gây hại.

Còn đối với các cơ sở đóng gói, cần phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Sau khi đóng gói phải bảo quản ở khu vực riêng biệt không để chung với hàng xuất khẩu sang các thị trường khác.

Đồng thời, phải được áp dụng các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại. Trên mỗi hộp hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải in bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung tên vùng trồng, tên cơ sở đóng gói, mã số đăng ký… Bên cạnh đó, trên hộp ghi dòng chữ tiếng Trung hoặc tiếng Anh: “Exported to the People’s Republic of China” (输往中华人民共和国).

Khu vực đóng gói phải vệ sinh sạch sẽ và phải có nền cứng. Vật liệu đóng gói phải sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, chưa qua sử dụng và tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Vật liệu đóng gói bằng gỗ tuân thủ ISPM 15. Container chứa khoai lang phải sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh và phải được khử trùng.

Empty

Ông Lê Thanh Hòa cho rằng các địa phương cần minh bạch hóa từng thông tin cụ thể về mùa vụ.

Theo đó, Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo những phương pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Cụ thể, lô hàng không có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hợp lệ sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy. Lô hàng của các cơ sở chế biến chưa đăng ký sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy. Nếu phát hiện đất, lô hàng sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy.

Nếu phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm, các đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống khác, hoặc tìm thấy tàn dư thực vật, lô hàng sẽ được xử lý, trả lại hoặc tiêu hủy. Nếu phát hiện trường hợp không tuân thủ các yêu cầu kiểm tra và kiểm dịch nhập khẩu khác của Trung Quốc, lô hàng sẽ bị xử lý theo luật và quy định có liên quan.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, các địa phương cần tăng cường phối hợp một cách chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật để có thể minh bạch hóa từng thông tin cụ thể về thời gian, sản lượng từng mùa vụ để có thể giám sát, thực hiện xuất khẩu nông sản theo đúng quy trình, mã số.

Bên cạnh đó, ông Hòa cũng cho biết, các cơ quan của Bộ NN-PTNT cũng sẽ phối hợp để xây dựng các quy trình thực hành tốt cho từng loại hoa quả để đảm bảo việc xuất khẩu cũng như đảm bảo các yêu cầu mà nước bạn đưa ra.

Chia sẻ thêm những thông tin về xuất khẩu sản phẩm tổ yến Việt Nam chính ngạch sang Trung Quốc, ông Lê Thanh Hòa cho biết, cần phải đăng ký cơ sở theo mã số. Những yêu cầu liên quan đến giám sát an toàn với cơ sở sơ chế cũng như những vùng nuôi phổ biến, những vấn đề liên quan đến giám sát dịch bệnh, các đơn vị cần có liên kết với Cục Thú y để được hướng dẫn cũng như kiểm tra, đánh giá. Sau đó cần có báo cáo một cách minh bạch. Về sản phẩm tổ yến, các doanh nghiệp, cơ sở cần phải đảm bảo các quá trình chế biến theo đúng yêu cầu. Cần phải xử lý và gia nhiệt trong môi trường nước khoảng 70 - 80 độ C trong vòng 3,5 giây.

Số lượng sản phẩm nên là 2,6,8 và bí quyết "nhập gia tùy tục"

Với kinh nghiệm 15 năm xây dựng thương hiệu Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, TS. Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, cho biết, thị trường 1,4 tỷ dân không hề "dễ tính".

TS. Trà My cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam hiểu quá ít về thị trường Trung Quốc. Do đó, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho biết, trước khi đưa sản phẩm nông sản Việt vào thị trường 1,4 tỷ dân, việc cần làm trước tiên là phải bảo hộ thương hiệu.

Tiếp đến, cần tìm những nhà nhập khẩu hoặc phân phối có thực lực về kinh tế, có kênh bán hàng tốt, có đội ngũ tâm huyết với việc phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.

Kiểm tra sầu riêng khi xuất sang Trung Quốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Kiểm tra sầu riêng khi xuất sang Trung Quốc. Ảnh: Tùng Đinh.

“Ngoài ra doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng nguồn lực kiều bào hoặc hội doanh nghiệp Việt Nam tại các nước bản địa. Bà con kiều bào rất tự hào khi được góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới”, bà Trà My chia sẻ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam nên thay đổi tư duy, không nên bán những gì mình có mà nên nghiên cứu nhiều hơn thị trường mình cần thâm nhập.

Song song, doanh nghiệp Việt Nam nên “nhập gia tùy tục”. Trung Quốc là quốc gia có yêu cầu rất cao về mẫu mã, số lượng không cần nhiều nhưng hộp quà phải đẹp. Chính vì vậy, Việt Nam cần tập trung chú trọng mẫu mã và đặc biệt để ý đến số lượng sản phẩm nên là 2,6,8.

Cuối cùng, những doanh nghiệp Việt Nam muốn làm ăn lâu dài nên mở văn phòng đại diện hoặc công ty con tại Trung Quốc.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Bob Wang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, đã đưa ra 5 đề xuất cho việc xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc.

Trước hết, ông Bob Wang đề nghị các cơ quan chức năng và nông dân trồng trái cây của Việt Nam kiểm soát chặt chẽ chất lượng trái cây và xây dựng các quy tắc thống nhất để đảm bảo rằng việc hái và khử trùng trái cây Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và không sử dụng hóa chất hoặc thuốc trừ sâu vi phạm quy định; về quy trình đóng gói, bán hàng cũng yêu cầu nghiêm ngặt.

Đồng thời ông Wang khuyến nghị trái cây Việt Nam khi xuất khẩu phải áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc chất lượng.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp sản xuất trái cây Việt Nam thiếu hiểu biết về xu hướng thị trường Trung Quốc, bán hàng một cách thụ động mà không tìm hiểu nhu cầu thực sự của thị trường. Khi các chợ đầu mối của Trung Quốc mở cửa vào buổi sáng, các thương nhân Thái Lan thường có thể nắm bắt giá cả nhanh chóng và bán sản phẩm hiệu quả, trong khi thương nhân Việt Nam chậm hơn.

Do đó Việt Nam cần xây dựng mô hình nông nghiệp mới kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và người bán hàng, đồng thời có thể nắm bắt thông tin thị trường Trung Quốc mới nhất.

“Thứ ba, kể từ khi sầu riêng Việt Nam được phép vào thị trường Trung Quốc vào tháng 9 năm nay, sầu riêng Việt Nam đã từng được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Tuy nhiên, những tháng sau đó, một tình huống bất thường xảy ra. Việc xảy ra những tình trạng này rất bất lợi cho sự phát triển lâu dài của sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, rất mong phía Việt Nam lưu ý”, ông Bob Wang bày tỏ.

Thứ tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đề nghị Chính phủ Việt Nam thành lập cơ quan xúc tiến thương mại nông sản với Trung Quốc để giúp xây dựng thương hiệu và tiếp thị nông sản Việt Nam tại Trung Quốc. Cho dù đó là thiết lập văn phòng thường trú tại Trung Quốc hay thông qua mua sắm trực tuyến cũng cung cấp cho người mua Trung Quốc các kênh mua sắm thuận tiện hơn với ít người trung gian hơn.

Ông Bob Wang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc khuyến nghị trái cây Việt Nam khi xuất khẩu phải áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc chất lượng. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Bob Wang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc khuyến nghị trái cây Việt Nam khi xuất khẩu phải áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc chất lượng. Ảnh: Tùng Đinh.

“Thứ năm, chúng tôi sẽ khởi động dự án "Chợ trái cây quốc tế" tại Trung Quốc trong năm nay và điểm dừng chân đầu tiên sẽ là địa điểm thường trực của Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN: Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây.

Chúng tôi dự định tổ chức một cuộc triển lãm và bán sầu riêng Việt Nam quy mô lớn tại Nam Ninh vào khoảng ngày 24 tháng này, chủ yếu thông qua mô hình bán trước trực tuyến, để đổi mới mô hình bán trái cây Việt Nam tại Trung Quốc.

Nói cách khác, theo cách này trong tương lai, trái cây Việt Nam có thể vừa được hái tại vườn Việt Nam, chúng ta đã bán xong hàng sang Trung Quốc.

Những người bạn Việt Nam quan tâm có thể liên hệ với chúng tôi sau cuộc họp để cùng nhau quảng bá mô hình bán hàng sáng tạo này”, ông Bob Wang thông tin.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.