| Hotline: 0983.970.780

Độc đáo làng tre đất lửa

Thứ Năm 14/01/2016 , 07:18 (GMT+7)

Sau 40 năm thanh bình, những con đường thẳng tắp, những ngôi nhà xinh xắn, những vườn cây ăn quả và đồn điền cao su bạt ngàn làm nên một diện mạo Bến Cát mới.

Thời chiến tranh, Bến Cát - Bình Dương nổi tiếng là một vùng đất lửa, bởi nơi đây nằm trong khu vực tam giác sắt của vùng Đông Nam bộ (Phú An - Củ Chi - Trảng Bàng). Sau 40 năm thanh bình, những con đường thẳng tắp, những ngôi nhà xinh xắn, những vườn cây ăn quả và đồn điền cao su bạt ngàn làm nên một diện mạo Bến Cát mới. Thế nhưng, ở Bến Cát hôm nay, còn có một biểu tượng cho đất Việt: Làng tre Phú An!

nh-1105216488
Một góc làng tre Phú An


Từ lời trách của dân làng

Làng tre Phú An nằm trên đường 744, hướng từ Thủ Dầu Một đi Dầu Tiếng. Từ xa đã nhận ra bởi một màu xanh mướt mát. 10 ha vốn là đất bạc màu đã được biến thành một khu sinh thái bảo tồn tre, bởi tâm huyết một người phụ nữ: Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh.

Sinh ra ở Phú An, học Đại học ở Sài Gòn, lấy bằng tiến sĩ về Khoa học Kỹ thuật Môi trường đất ở Paris (Pháp) và trở về làm giảng viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, một người con thành đạt mà dân Phú An - Bến Cát ngưỡng mộ.

Năm 1999, nhân dịp tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh về thăm quê, bà con Phú An nói sao đi học về, không giúp Phú An mà đi giúp ở đâu không! Lời trách giận chân thành và thiện chí ấy đã khiến cô thao thức.

Đã từng xuôi ngược khắp đồng bằng sông Cửu Long để có nhiều nghiên cứu khoa học về dừa được quốc tế đánh giá rất cao, tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh quyết định chọn cây tre để giúp dân nghèo Phú An, với quan niệm: Cây tre là đại diện cho người quân tử, cây tre có thế mạnh riêng, không những tạo ra nét đặc thù cho văn hóa dân tộc Việt, mà còn có lợi ích về sinh thái, môi trường, du lịch, sản xuất và kinh tế cho Việt Nam.

Năm 2003, Vùng Rhônes- Alpes của Pháp đã quyết định tài trợ cho dự án Làng tre Phú An hợp tác 4 bên gồm Vùng Rhônes - Alpes - tỉnh Bình Dương, Vườn Thiên nhiên Pilat - Trường Đại học Tự nhiên TP. HCM. Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh đã cùng các đồng nghiệp và các sinh viên đi từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến Tây Nguyên... Hễ nghe nơi nào có tre thì đoàn sưu tập cố gắng tìm tới. Hơn 15 năm sưu tầm, làng tre Phú An càng ngày càng phong phú xum xuê, hội tụ hơn 20 giống tre với với 300 mẫu tre, còn đang tiến hành định danh khoa học với Museum National d'Histoire Naturelle Pháp.

nh-2105216766
Chỉ dấu bảo tàng tre lớn nhất Đông Nam Á

Nếu ai đó trầm trồ trước những công trình sử dụng vật liệu tre của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thì chắc chắn sẽ phải ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến vẻ đẹp bình dị của làng tre Phú An.

Tôi đã hơn một lần đến làng tre Phú An và thực sự khâm phục tâm huyết mà tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh đã dành ra cho một cảnh quan sinh thái độc đáo. Thật khó tin, một người phụ nữ thành đạt ở xứ người, khi tóc đã hoa râm vẫn dồn công sức để vinh danh tre Việt Nam. Hơn 90% số tre được sưu tầm trong nước, còn 10% được bà mang về từ một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Chính vì công việc bảo tồn đa dạng sinh học tre Việt Nam với những nghiên cứu cơ bản đề định danh tre và nhiên cứu ứng dụng để tạo ra những sản phẩm thân thiện môi trường cũng như khả năng đóng góp vào sự cố định carbon của tre để giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, góp phần vào ứng phó với biến đổi khí hậu, giáo dục cộng đồng, đào tạo sinh viên, làng tre Phú An đã được trao Giải thưởng Xích Đạo 2010 của UNDP.

Cây tre gắn liền với lịch sử nước ta, nếu như Thánh Gióng nhổ bụi tre đằng ngà để đánh giặc Ân thì thế hệ sau đã dùng cây tre làm chiếc gậy Trường Sơn. Nếu cổ tích có truyện “Cây tre trăm đốt” thì Nguyễn Duy viết tiếp “Tre xanh, xanh tự bao giờ. Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh. Thân gầy guộc lá mong manh. Mà sao nên lũy nên thành tre ơi”.

Nhiều chuyên gia sinh vật hàng đầu hành tinh đã không tiếc những mỹ từ để xưng tụng cây tre. Từ năm 1867, Kurz đã cho rằng: “Không có loại cây nào của vùng nhiệt đới lại có thể cho con người nhiều công dụng kỹ thuật như tre. Độ cứng, thẳng, trơn, nhẹ cộng với khả năng chẻ nhỏ thành nhiều kích thước, độ dài, độ dày khác nhau nên tre thích hợp cho rất nhiều mục đích sử dụng”.

Đến năm 2004, với tư cách Giám đốc điều hành của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc, Klaus Toepfer lại khẳng định: “Tre là những sinh vật cổ đại  và quyến rũ nhất hành tinh của chúng ta và có giá trị kinh tế, sinh thái cao. Nhiều loài đặc biệt, có giá trị phụ thuộc vào tre...”.

Và năm 2010, khi công nhận làng tre Phú An là bảo tàng tre lớn nhất Đông Nam Á để trao Giải thưởng Xích Đạo của Liên Hợp quốc về đa dạng sinh học, Jacques Gurgand nhấn mạnh: “Tre là cây vô địch của sự phát triển bền vững".

Cây của thế kỷ 21

Về phần mình, sau rất nhiều năm miệt mài với làng tre Phú An, tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh đúc kết: “Đối với bạn bè năm châu, cây tre Việt Nam rất tuyệt vời vì sự đa dạng của nó. Chúng ta đang sống trên một đống vàng - xanh mà không biết tận dụng. Tôi đã tham dự nhiều hội nghị về đa dạng sinh học trên thế giới, mọi ý kiến đều gặp nhau ở đánh giá cây tre là cây của thế kỷ 21, vì nó đảm nhiệm được vai trò phủ xanh đất trống đồi trọc và có nhiều công năng to lớn. Ngoài các đặc tính hóa thiên nhiên đầy hứa hẹn trong lĩnh vực công nghệ nano, tre còn được ứng dụng trong tre kiểng, tre vàng sọc hay vầu”.

nh-3105216994
Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh (bên trái) và hai nhà khoa học nước ngoài tại Hội thảo quốc tế về tre vừa được tổ chức cuối năm 2015 tại Pháp!

Không chỉ dừng lại ở một làng tre Phú An rợp mát, tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh còn ấp ủ rất nhiều dự định. Cô mong muốn phát triển trồng tre ở những vùng sinh thái khác nhua nhau như vùng đất khô hạn và vùng nước ngập theo mùa để ứng phó biến đổi khí hậu và tạo công ăn việc làm cho người dân nghèo.

Hiện nay, ngoài nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo, làng tre Phú An đang tổ chức lớp học xanh cho trẻ em của Phú An và các trường học khác, với mong muốn và tin tưởng có thể giáo dục trẻ em về kỹ năng sống, tình yêu thiên nhiên qua hình ảnh cây tre: dịu dàng mà cứng rắn, hình ảnh của con người Việt Nam ta đó, lấy nhu thắng cương, lấy nhược thắng cường.

Nhiều, rất nhiều dự kiến tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh để làm sao biến tam giác sắt hào hùng thành tam giác xanh hiền hòa, nhưng vấn đề đầu tiên là... tiền đâu? Cô cười thật nhẹ nhàng và thật hồn nhiên: “Phải thú thiệt, tôi đã và đang gồng mình để có thể nuôi làng tre từ nhiều năm qua, giống như nhà nghèo con đông, thiếu đất, chạy ăn từng bữa, để chờ ngày những người "con tre" khôn lớn, làm được việc ích lợi cho sinh thái, môi trường và hy vọng trong số những em học trò thân yêu tại làng Phú An, sẽ lớn lên và thành nhiều người con dân thành đạt để cống hiến cho quê hương Phú An”.

Những ngày này, nắng phương Nam thật rực rỡ, tôi bước chầm chậm trong bóng râm của làng tre Phú An và mường tượng về tương lai của cây tre Việt. Nếu có thêm nhiều người chung tay với tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh thì nhất định chúng ta sẽ có một không gian văn hóa tre. Và tại sao chúng ta không mơ ước làng tre Phú An có thể trở thành một phim trường, tương tự bối cảnh cực kỳ quyến rũ mà đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã quay bộ phim “Thập diện mai phục” giữa một rừng tre với những thước phim lộng lẫy?

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm