Đỡ đẻ thành công cả trăm ca
Lão Sằng hơn dân bản vì có chữ trong đầu. Lão cũng là người đầu tiên tại bản Tân Hương (xã Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) được cử đi học lớp Sơ cấp Y tá cách đây 36 năm. Vậy nhưng, để có nghề trong tay, lão mất gần 1 năm trời, cơm đùm, cơm nắm, rong ruổi đi bộ hàng trăm cây số, xuống tận huyện Quan Hóa để tham gia lớp học. Học y tá thôn nhưng chuyên môn chính của lão là đỡ đẻ cho sản phụ. Lão có vẻ ngại khi nói ra điều này, bởi lão là đàn ông nhưng lại làm nghề thường xuyên tiếp xúc với chỗ "nhạy cảm" của nữ giới.
Sản phụ chuyển dạ, dân bản nhờ lão đỡ đẻ, lão không thể không giúp. Lão bảo, thời đó Trạm y tế cách bản 7km nhưng phải men theo đường núi để ra trung tâm. Mỗi khi có ca sinh, gia đình phải dùng cáng để khiêng sản phụ mất vài tiếng mới tới nơi. Khổ nhất là những ngày mưa gió, đường dốc trơn trượt rất khó đi gây nguy hiểm cho cả sản phụ và người thân gia đình. Có ca chưa kịp tới trạm y tế đã sinh giữa đường. Bởi vậy, nhiều thai phụ chọn cách sinh tại nhà thay vì đến Trạm y tế.
Nhớ lần nhận ca đỡ đẻ đầu tiên trong bản. Lão hồi hộp vì chưa thực hành trên người bao giờ. Tối hôm đó, sản phụ chuyển dạ. Lão đang ăn dở bát cơm, vội bỏ bát xuống mâm, tất tưởi chạy đến thăm khám sản phụ. Lão gọi gia đình đun nước sôi, thắp thêm đèn dầu cho sáng và quây tấm màn mỏng che giường nằm của sản phụ.
Trước khi bắt tay vào việc, lão cẩn thận đo huyết áp cho sản phụ. Lão đặt hai tay ấn nhẹ hai bên bụng sờ, nắn để chẩn đoán ngôi thai, hướng sản phụ hít thở sâu, rặn đẻ đúng cách. Chân tay nắm chặt, hít thở sâu, đẩy hơi tạo lực.
Hồi đó, dụng cụ, vật tư y tế chưa phổ biến như bây giờ. Bởi vậy, lão dùng dùng cây nứa khô vót sắc để cắt rốn cho thai nhi và dùng dây gai xoắn thành nhiều vòng để buộc chặt vết cắt. Lão dùng bông kéo sợi để vệ sinh, khử trùng cho sản phụ và trẻ sơ sinh. Lão tận tình hướng dẫn gia đình đình bỏ nhau thai vào ống nứa, chôn phía sau vườn cho hợp vệ sinh. Ca đỡ đẻ đầu tiên, lão mất chừng 30 phút. Đứa trẻ sinh ra nặng 3,2kg, là con trai đầu lòng của cặp vợ chồng người Mông. Xong việc lão nhận được lời cảm ơn của vợ chồng rồi ra về lúc nửa đêm.
Kỷ niệm của lão trong vai trò "cô đỡ thôn bản" thì nhiều, nhưng lão nhớ nhất vụ sản phụ sinh non trên đồi. Lão day dứt và áy náy khi chứng kiến đứa trẻ sinh non và mãi không thể lớn. “Sản phụ có dấu hiệu sinh non nhưng gia đình không biết. Sáng sớm họ vẫn lên đồi làm rẫy, không lâu sau đó thì sản phụ trở dạ, đau bụng, vỡ ối. Tôi và vợ làm nương ở khu đồi bên cạnh, nghe tiếng kêu lớn liền chạy sang thì sản phụ đã sinh hạ đứa bé tại đồi. Tuy nhiên, đứa trẻ sinh non chưa đủ tháng nên mất sau đó không lâu”, lão Sằng kể.
Từ ca dễ, đến ca khó, lão chưa bao giờ từ chối người dân bản. Lão bảo: “Mình được học hành, được dân bản tín nhiệm thì phải thực hiện nhiệm vụ. Sống phải có làng bản chứ! Gặp khó khăn mà bỏ cuộc thì dân bản còn coi mình ra gì nữa”.
Có lần, lão đỡ đẻ cho một một sản phụ nhiễm HIV từ chồng lây sang. Do đường xá đi lại khó khăn, gia đình lại có phần tự ti nên quyết để sản phụ sinh tại nhà. Trước khi bắt tay vào việc, lão được gia đình thông báo trước về tình trạng sức khỏe sản phụ. Lão không ngần ngại nhận lời, bởi lão có chuyên môn y tế nên tự biết bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, với ca phức tạp này, lão trang bị cẩn thận hơn từ khẩu trang y tế, găng tay, sát khuẩn, bởi nếu sơ sẩy, lão có thể bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ.
Khi lão đến nơi, sản phụ đã được bố trí nằm trong căn chòi rộng chỉ đủ 2 người ngồi. Tâm lý lão thoải mái và không hề có tư tưởng sợ hãi. Sản phụ trở dạ gần 1 tiếng thì "mẹ tròn con vuông". Xong việc, lão trực tiếp thu gom bông, gạc, vật phẩm y tế đã qua sử dụng, đưa ra phía sau vườn đốt và vệ sinh cơ thể sạch sẽ trước khi về nhà.
Vẫn ân hận…
Lão đỡ đẻ ca đầu tiên năm 1995, đến nay đã có tới cả trăm sản phụ trong bản mẹ tròn con vuông khi qua tay lão. Lão ghi chép từng ca đỡ đẻ và mốc thời gian rõ ràng vào cuốn sổ nhàu nhĩ như thể minh chứng cho lời lão nói. Gần 30 năm đỡ đẻ, lão chưa xin hay đòi hỏi dân bản phải trả công cho mình.
Tuy vậy, dân bản thấy lão vất vả, nên họp bàn, thống nhất mỗi hộ gia đình góp cho lão vài cân lúa mỗi năm để lão chuyên tâm phục vụ bà con. Có trường hợp, gia đình sản phụ quá khó khăn, không thể chuẩn bị chu đáo cho việc sinh nở, lão còn bỏ tiền túi, phụ giúp gia đình chuẩn bị đồ đạc, đồ ăn thức uống cho sản phụ theo hướng dẫn của lão sau khi đứa trẻ ra đời.
Lão làm không cho thiên hạ bao năm, nhưng chưa một lần vợ lão cằn nhằn. Vợ lão vẫn đi nương, làm rẫy và chưa bao giờ đòi hỏi vật chất của lão. Vậy nhưng, chuyện chẳng may xảy ra với vợ chồng lão cách đây khá lâu khiến người đàn ông ấy ân hận đến tận bây giờ.
Năm 1996, vợ lão chuyển dạ đứa thứ 5 khi hai vợ chồng đang làm nương rẫy. Lão tức tốc đưa vợ về nhà, nhưng chưa kịp thì vợ sinh con giữa đường. Vợ lão sinh xong, đứa con tròn 1 tháng tuổi thì ra đi mãi mãi vì bị nhiễm trùng rốn.
“Giá như lúc đó có bông băng và dụng cụ hỗ trợ sinh sản thì đứa trẻ sẽ được an toàn!”, mắt lão Sằng đỏ hoe.
Sau lần ấy, lão bị sốc nặng và có ý định bỏ nghề. Vậy nhưng, nếu không có lão, dân bản còn khổ sở hơn mỗi khi chuyển dạ sinh nở. Được sự động viên của gia đình, đặc biệt là vợ, lão quyết định trở lại công việc cũ vì dân bản cần lão trong những giờ phút quan trọng nhất đời người.
Lão làm nghề gần 40 năm nay, nhưng hơn 30 năm lão chưa từng nhận được một đồng phụ cấp của nhà nước. Mới đây, lão được hưởng trợ cấp mức gần 1 triệu đồng/tháng để làm nhiệm vụ. Cầm tiền "lương" sau hàng chục năm làm không công, lão đưa hết cho vợ như thể "chuộc lỗi" vì thời gian qua lão cống hiến cho xã hội nhiều hơn là chăm lo cho tổ ấm của mình.
Bộ đồ nghề cũ cách đây mấy chục năm như máy đo tim thai làm bằng gỗ, dụng cụ đo huyết áp và chiếc cặp y tế được cấp, lão vẫn cất giữ cẩn thận để mỗi khi dân bản nhờ, lão lại lên đường. Tôi hỏi lão: Giờ đã có tuổi, lão muốn “nghỉ hưu” chưa”? Lão đáp dõng dạc: "Khi nào dân bản không cần mình giúp nữa, tôi sẽ nghỉ".
Nói về cán bộ Hà Văn Sằng, ông Lương Văn Phèn, trưởng bản Tân Hương, xã Tam Chung cho biết ông Sằng là người có nhiều kinh nghiệm đỡ đẻ, nhiệt tình và tận tụy về công việc.
"Cả bản có 48 hộ với 216 nhân khẩu. Trước đây, khi chưa có cán bộ y tế cắm bản, mỗi lần trong bản có người chuyển dạ, chúng tôi phải nhờ thanh niên dùng cáng khiêng sản phụ từ bản ra trung tâm xã. Từ khi có ông Sằng, người dân cảm thấy yên tâm và đỡ vất vả hơn nhiều", ông Phèn cho biết.