| Hotline: 0983.970.780

Độc lạ sản vật Tết [Kỳ 3]: Dế sấy hút hàng làm quà biếu Tết

Thứ Năm 29/12/2022 , 15:22 (GMT+7)

Tây Ninh Ngày cận kề Tết Nguyên đán 2023, chúng tôi tìm đến cơ sở của anh Hồ Đắc Vĩnh để tìm hiểu đặc sản dế sấy đang được nhiều người tìm mua làm quà biếu Tết.

Khám phá trại dế triệu con

Khi đến ấp 7, xã biên giới Suối Dây, huyện Tân Châu hỏi thăm trại dế Oanh Vĩnh, người dân nơi đây ai cũng tỏ ra khá tận tường, bởi anh Hồ Đắc Vĩnh đã được bà con biết đến từ nhiều năm nay với nghề nuôi dế thương phẩm và cũng đã đặt cho anh biệt danh là “Vĩnh dế”. Cơ sở nuôi dế của anh Vĩnh cũng đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân địa phương, cũng như thanh niên khắp nơi muốn lập nghiệp tìm đến học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, muốn làm giàu từ con dế.

Quang cảnh trại dế Oanh Vĩnh ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu. Ảnh: Trần Trung.

Quang cảnh trại dế Oanh Vĩnh ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu. Ảnh: Trần Trung.

Nói về cơ duyên với nghề nuôi dế, anh Hồ Đắc Vĩnh cho biết, anh vốn sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn biên giới Tây Ninh nên đã không lạ lẫm gì với các loài dế sống ngoài ruộng đồng. Anh Vĩnh nhớ lại, lúc nhỏ anh thường cùng anh em, bạn bè chung xóm ra ruộng đào hang, bắt dế để về đá dế hay chế biến các món ăn ngon dân dã từ dế, đó là những ký ức không thể nào quên đối với anh.

Sau khi lớn lên, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, người dân bắt đầu sử dụng nhiều loại thuốc hóa học, thuốc trừ sâu khiến con dế trong tự nhiên ngày một ít đi; trong khi nhu cầu thực phẩm từ các loại côn trùng như ve sầu, dế, bò cạp, rết... ngày càng tăng. Năm 2004, anh quyết định nghỉ làm cán bộ công an xã ở địa phương để chuyên tâm thử sức với nghề nuôi dế thương phẩm.

Thân và lá sắn sẵn có tại địa phương là thức ăn khoái khẩu của dế. Ảnh: Trần Trung.

Thân và lá sắn sẵn có tại địa phương là thức ăn khoái khẩu của dế. Ảnh: Trần Trung.

Theo anh Vĩnh, thời điểm anh bắt đầu nuôi dế, hầu như khắp cả nước chưa có mô hình này, mặc dù đi khắp nơi, thậm chí tìm đến các nhà khoa học nhưng anh vẫn không tìm đâu ra cuốn sách nào dạy cách nuôi dế. Để biết được tập tính cách ăn, uống, môi trường sống của dế, suốt nhiều tháng liền anh buộc phải nuôi thử nghiệm trước khi nhân rộng mô hình của mình. Với 1 khay trứng dế mượn từ người bạn, anh làm lại từ đầu. Đến nay, anh Vĩnh đã sở hữu trên 500 m2 (ước tính khoảng 2,5 triệu con dế). Sau khi chế biến thành sản phẩm các loại như dế sấy, bột dế phân phối ra thị trường, anh Vĩnh có thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/tháng.

Dế được anh Vĩnh sơ chế trước khi được cấp đông để bảo quản. Ảnh: Trần Trung.

Dế được anh Vĩnh sơ chế trước khi được cấp đông để bảo quản. Ảnh: Trần Trung.

“Mình tìm hiểu thông tin trên báo đài được biết WHO-Tổ chức y tế thế giới cũng công nhận dế là một trong những sản phẩm cung cấp protein nhiều nhất so với những côn trùng khác. WHO cũng đã khẳng định con dế là nguồn cung cấp protein giá rẻ, vì vậy mình muốn người Việt mình tiếp cận nhiều hơn nữa với sản phẩm dế ngon, bổ và rẻ”, anh Vĩnh nói.

Sản phẩm OCOP 3 sao

Theo anh Vĩnh, để nuôi dế thành công là một câu chuyện, xây dựng được thương hiệu dế như ngày hôm nay cũng cả một quá trình. Lần đầu anh đến chào bán cho các nhà hàng, quán ăn ai cũng tỏ ra kinh ngạc và từ chối thẳng, bởi một số người biết dế có thể ăn được nhưng dế thuộc lớp côn trùng nên nhiều người vẫn không mấy thiện chí với món ăn từ dế.

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm anh Vĩnh đầu tư máy sấy dế hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Trần Trung.

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm anh Vĩnh đầu tư máy sấy dế hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Trần Trung.

Với quyết tâm, kèm theo sự kiên nhẫn, không ngại gian khó, anh Vĩnh đã mượn bếp của nhà hàng, xắn tay áo tự tay chế biến các món ăn từ dế để đầu bếp và các chủ nhà hàng thưởng thức trước khi quyết định thêm dế vào thực đơn nhà hàng của họ.

Thực đơn chế biến từ dế của anh rất đa dạng gồm: dế chiên giòn, dế kho tiêu, dế xào sả ớt, dế chiên bột, bánh xéo dế... Món nào cũng thơm ngon và lạ miệng nên được các nhà hàng chấp nhận. Vừa bán dế, vừa hướng dẫn họ cách chế biến. Sau gần ba năm, món dế đã trở thành đặc sản của nhiều nhà hàng trong và ngoài tỉnh.

Hiện các sản phẩm dế sấy đã được công nhận OCOP 3 sao và là mặt hàng không thể thiếu phục vụ thượng khách lai rai trong dịp Tết. Ảnh: Trần Trung.

Hiện các sản phẩm dế sấy đã được công nhận OCOP 3 sao và là mặt hàng không thể thiếu phục vụ thượng khách lai rai trong dịp Tết. Ảnh: Trần Trung.

“Nhờ đáp ứng đúng tiêu chí ngon - sạch - bổ, món dế, nhất là dế xào sả ớt đã trở thành đặc sản có mặt ở nhiều quán nhậu, nhà hàng sang trọng. Chính mùi thơm riêng biệt cùng vị béo giòn khi ăn, đã đưa món dế trở thành món ăn được ưa chuộng nhất trong thực đơn các món về côn trùng”, anh Vĩnh chia sẻ.

Đặc biệt, ngoài sản xuất dế tươi, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, anh còn mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, lò sấy để sản xuất dế thành phẩm như dế sấy sả ớt ăn liền, dế sấy bơ tỏi ăn liền, bột dế... Hiện các sản phẩm này đã được công nhận Ocop 3 sao và có mặt tại một số siêu thị trên cả nước và là mặt hàng không thể thiếu phục vụ thượng khách lai rai trong dịp Tết.

“Từ khi chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cũng như đề án sản phẩm Ocop của nhà nước ban hành thì trại dế Oanh Vĩnh cũng mạnh dạn đăng ký sản phẩm Ocop. Nhờ tham gia chương trình, những sản phẩm Ocop được ưu tiên về giới thiệu, quảng bá cũng như xúc tiến thương mại ở trên toàn Việt Nam cũng như trên những phương tiện thông tin đại chúng. Hiện tại trại dế Oanh Vĩnh cũng đã đạt được 4 sản phẩm Ocop, 4 sản phẩm này cũng đang ra thị trường và rất nhiều khách hàng tin dùng. Hiện tại, trại dế Oanh Vĩnh cũng đã liên kết gần 20 hộ dân để nuôi và bao tiêu sản phẩm. Mỗi cơ sở chỉ cần sở hữu 100m2 làm chuồng nuôi dế, bà con nông dân đã thu mỗi tháng từ 8-10 triệu đồng sau khi trừ chi phí”, anh Vĩnh phấn khởi nói.

Lãnh đạo Bộ  NN-PTNT và Sở NN-PTNT Tây Ninh thăm gian hàng sản phẩm dế của cơ sở Vĩnh Oanh. Ảnh: Trần Trung.

Lãnh đạo Bộ  NN-PTNT và Sở NN-PTNT Tây Ninh thăm gian hàng sản phẩm dế của cơ sở Vĩnh Oanh. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, chúng ta đang nói tới một nền nông nghiệp tuần hoàn, kinh tế và xanh, sạch có nghĩa là nền nông nghiệp hướng tới tiết kiệm. Tây Ninh thì có thế mạnh về cây khoai mì và cây này sau khi lấy củ rồi, phần thân và lá đa phần bỏ đi, thậm chí gây ô nhiễm môi trường. Cho nên, nếu như một doanh nghiệp nào tận dụng được những phế phụ phẩm này thì chắc chắn rằng sẽ được tỉnh Tây Ninh ủng hộ. Một trong những cơ sở làm được điều này là cơ sở Oanh Vĩnh. Cơ sở Oanh Vĩnh đã phát triển con dế bằng nhiều nguồn thức ăn, trong đó có phần lá mì và thân mì, vừa tạo ra một sản phẩm có giá trị vừa tiêu thụ phế phẩm phụ phẩm của nông dân.

Ông Xuân cũng cho rằng, bây giờ vấn đề sức khỏe được mọi người rất quan tâm, nếu chỉ ăn đạm động vật cao cấp như heo bò gà, người ta cho rằng cũng chưa hẳn đã tốt cho sức khỏe. Nhưng nếu ăn toàn đồ chay thì có vẻ không được ngon miệng, cho nên có giải pháp thứ 2 là sử dụng đạm của động vật bậc thấp chứa ít protein cao cấp, ít chất béo như côn trùng và nó vẫn cung cấp đủ nguồn axit, amin cho người tiêu dùng.

“Việc phát triển dế và các loại côn trùng khác làm thức ăn có thể được xem là một trong những xu hướng của nhân loại trong những thập kỷ tới và Tây Ninh đã có một cơ sở tiên phong trên lĩnh vực này. Tôi cho rằng đó là những bước đi phù hợp để có thể xâm nhập thị trường và chúng tôi cũng đánh giá cao về quy trình sản xuất, bao bì, nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ sở này. Sản phẩm được họ cấp đông trước khi đưa ra thị trường và được đánh giá tốt, chúng tôi cũng đã công nhận là sản phẩm Ocop”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mưu sinh lúc mưa dông, một ngư dân bị sét đánh tử vong

QUẢNG NINH Hoàn cảnh gia đình nạn nhân khá khó khăn, đang nuôi 4 con nhỏ ăn học. Nguồn thu chủ yếu của hai vợ chồng từ nghề đánh lồng.