| Hotline: 0983.970.780

Đội đoàn kết trên biển

Thứ Tư 09/01/2013 , 09:41 (GMT+7)

Nhờ thành lập tổ, đội đoàn kết, ngư dân TT- Huế đã vững vàng ra khơi, hỗ trợ nhau, mang về những tàu cá bội thu.

Nhờ tổ đội đoàn kết trên biển, ngư dân không chỉ có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ nhau đi biển mà còn góp phần bảo vệ an ninh, lãnh hải tổ quốc

Nhờ thành lập tổ, đội đoàn kết, ngư dân TT- Huế đã vững vàng ra khơi, hỗ trợ nhau, mang về những tàu cá bội thu. Từ “kênh thông tin” của ngư dân bám biển, đã góp phần củng cố, bảo vệ chủ quyền, lãnh hải Tổ quốc.

Những ngày này về vùng biển các xã Phú Thuận, Phủ Hải, Vinh Thanh, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), nơi đâu cũng thấy trên nét mặt ngư dân niềm vui sau những chuyến đi biển dài ngày. Ngư dân Nguyễn Xuân Chiến, thôn An Dương, xã Phú Thuận cùng những lao động trên tàu hối hả bốc cá lên bờ bán cho thương lái. Ông Chiến cho biết, chuyến ra khơi đợt này tàu cá của ông đã trúng đậm, thu được hơn 300 triệu đồng.

Cũng chung niềm vui với ông Chiến, 65 tàu cá xa bờ của thôn An Dương, xã Phú Thuận, từ khi tham gia vào tổ, đội đoàn kết trên biển, đã tích cực hỗ trợ nhau, an tâm bám biển. Nhiều gia đình đã có nguồn vốn đầu tư thêm ngư cụ, trang bị thuê tàu tiếp tục vươn ra khơi xa.

Nụ cười còn nhuốm hơi mặn của biển khơi, ngư dân Nguyễn Xuân Chiến chia sẻ: “Điểm thuận lợi của tổ đoàn kết là khi đi làm ngoài biển có sự cố xảy ra anh em đến hỗ trợ nhau để giải quyết. Ví như tàu mình bị hỏng máy thì tàu gần nhất có trách nhiệm phải tới giúp. Ngoài ra, khi không may tàu gặp tai nạn nguy hiểm hay gặp tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải trên biển thì mình liên lạc với Đồn biên phòng cửa khẩu Thuận An để họ có phương án trợ giúp, giải quyết”.

Hiệu quả kinh tế cũng như công tác bảo vệ chủ quyền trên biển khi các ngư dân tham gia vào đội đoàn kết trên biển đã thấy rõ. Tháng 10/2008, đội đoàn kết trên biển lần đầu tiên được thành lập ở xã Phú Thuận, các ngư dân đã tình nguyện tích cực tham gia với 65 tàu cá. Thấy có hiệu quả, tháng 9/2011 xã Phú Hải cũng thành lập tổ đoàn kết trên biển với 43 tàu thành viên.

Ngư dân Ngô Đức Xuyên, một thành viên tích cực của tổ, là chủ tàu cá xa bờ ở xã Phú Thuận cho hay: “Trước đây, vì khai thác riêng lẻ trên biển và thiếu sự gắn bó nên các tàu cá thường gặp khó khăn trong việc đối phó với thiên tai, nhất là đối phó với tàu lạ của các nước. 5 năm trở lại đây, chúng tôi tham gia vào tổ đoàn kết, nên rất an tâm bám biển làm giàu”.

Ông Xuyên cũng như nhiều ngư dân ở tỉnh TT- Huế thông qua tổ đoàn kết với quy chế hoạt động rõ ràng, dần dần đã ý thưc được biển là tài nguyên của Tổ quốc, trách nhiệm bảo vệ lãnh hải của đất nước không chỉ là của lực lượng chức năng trên biển mà hơn ai hết, mỗi ngư dân là một “tai mắt” của biển. Biển với ngư trường rộng lớn cũng là nơi mang lại cho họ cơm ăn áo mặc. “Ngư dân bám biển không chỉ để làm giàu mà còn hỗ trợ lẫn nhau khi hoạn nạn và bảo vệ chủ quyền biển, đó là điều quan trọng hơn cả”, ông Xuyên chia sẻ.

Hiện số lượng tàu tham gia khai thác thủy sản trên biển của tỉnh TT- Huế là trên 2.000 chiếc. Ðội tàu khai thác xa bờ được trang bị khá đồng bộ góp phần nâng cao sản lượng khai thác biển. Thời gian qua, UBND tỉnh TT- Huế đã phê duyệt danh sách 65 tàu cá tham gia hoạt động đánh bắt thủy sản trên các vùng biển xa. Ngoài tổ chức hoạt động khai thác thủy sản an toàn, hiệu quả, các tàu cá này còn tham gia nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam.

Ngồi cùng với những ngư dân chân chất, quanh năm quen với đầu sóng ngọn gió, nghe họ kể về những “kỳ tích” hỗ trợ nhau trên biển, mới biết tình người, những nghĩa cử cao đẹp giữa trùng dương thắm thiết biết nhường nào! Ông Xuyên nói: “Gần đây nhất, trường hợp của tàu ông Ngô Đức Cư đang hành trình đánh cá trên biển thì không may có một người vì vướng lưới, rơi xuống biển mất tích. Nhận được thông tin, liên đoàn chúng tôi tập trung toàn lực gồm 10 tàu cá, giăng lưới, túc trực tìm kiếm suốt 2 ngày nhưng không thấy đâu cả. 4-5 ngày sau mới thấy trôi vào đất liền và khi đó liên đoàn đã hỗ trợ đem về mai táng”.

Không chỉ giúp tìm kiếm những ngư dân vì tai nạn mà phải nằm lại với biển, các thành viên trong tổ đội đoàn kết còn chia sẻ, cứu trợ nhau xăng dầu, lương thực, nước ngọt mỗi khi có tàu nào đó không may bị gặp nạn hay xảy ra sự cố trên biển.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Lê Đức Phúc, chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An cho biết: Từ năm 2008 đến nay, đồn đã xây dựng hơn 20 tổ, đội đoàn kết trên biển ở các xã Phú Thuận, Phú Hải và thị trấn Thuận An. Các tổ đội vừa giúp nhau làm kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển. Đây cũng là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia. Cùng các tổ, đội đoàn kết, đồn chúng tôi đã cứu hộ hàng chục tàu thuyền bị nạn, đưa vào bờ an toàn; hỗ trợ áo phao và máy liên lạc cho ngư dân...

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Trang trại nho trĩu quả bên dòng Sê San

Vài năm nay, huyện Ia Grai không chỉ nổi tiếng bởi có dòng Sê San, là vựa cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn nổi lên với những vườn nho trĩu quả.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất