| Hotline: 0983.970.780

Đói làm sao giữ được rừng?

Thứ Tư 27/04/2022 , 16:10 (GMT+7)

Cơ chế èo uột, áp lực đè nặng là thực trạng buồn của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách Nghệ An, nơi có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước.

Ngành lâm nghiệp Nghệ An còn lắm nốt trầm. Ảnh: VK.

Ngành lâm nghiệp Nghệ An còn lắm nốt trầm. Ảnh: VK.

Mỗi người "gánh" hàng ngàn héc-ta

Ngành lâm nghiệp Nghệ An đang tồn tại nhiều góc khuất khó giãi bày, trong đó để lại băn khoăn nhất hẳn là quyền lợi chính đáng của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách (áp dụng theo Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 1/1/2019).

Vai trò bị xem nhẹ, thu nhập bèo bọt, áp lực công việc đè nặng dẫn đến tình cảnh hao hụt quân số trầm trọng tại nhiều đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn. 

“Rừng núi bao la, một con người gồng gánh hàng ngàn héc-ta thì chịu sao nổi, gian truân, vất vả của anh em lâm nghiệp mấy ai hiểu thấu? Thế nhưng chỉ một cây rừng bị đốn hạ thì giơ lên đặt xuống, án kỷ luật luôn lơ lửng trên đầu”, một người trong nghề bộc bạch tâm can.

Đây cũng là tình cảnh chung tại nhiều tỉnh thành khác, đời sống của người làm nghề rừng nhìn chung chưa đảm bảo. Ảnh tài liệu.

Đây cũng là tình cảnh chung tại nhiều tỉnh thành khác, đời sống của người làm nghề rừng nhìn chung chưa đảm bảo. Ảnh tài liệu.

Tháng 2/2018, UBND tỉnh Nghệ An có công văn gửi Bộ NN-PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp quanh việc "Giao khoán bảo vệ rừng cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách", xét toàn cảnh điều này là cần thiết, nói thay cho nỗi lòng của hàng trăm con người ngày đêm vẫn lao tâm khổ tứ nơi chốn rừng thiêng nước độc.

Chi tiết hơn, Nghệ An có 1.166.109 ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích giao cho các Ban Quản lý Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng quản lý chiếm đến 49% (trên 568.477 ha). Áp dụng theo Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng (biên chế tối đa 500 ha rừng đặc dụng có 1 công chức kiểm lâm); Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 9/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế quản lý rừng phòng hộ (700 ha rừng có 1 biên chế) thì tổng biên chế cần có để thực hiện nhiệm vụ tại các Ban Quản lý Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phải là 813 người. Tuy nhiên, các đơn vị trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng được 342 biên chế, đạt 42% yêu cầu.

Nhằm bù đắp cho việc thiếu hụt biên chế, lâu nay các Ban Quản lý Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các Công ty TNHH Lâm nghiệp, các Tổng đội Thanh niên xung phong đều thực hiện các hợp đồng lao động để tổ chức, thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

Tính đến đầu năm 2018, toàn tỉnh Nghệ An có 498 người thuộc diện hợp đồng bảo vệ rừng tự trang trải. Theo quy định tại Điều 8, Thông tư 21/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 của Bộ NN-PTNT, lực lượng này chưa được quy định rõ là đối tượng được nhận khoán bảo vệ rừng hưởng kinh phí sự nghiệp từ Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.

Khối lượng công việc lớn, áp lực thường trực đè nặng nhưng thu nhập không tương xứng đã dẫn đến tình cảnh bỏ việc hàng loạt, quân số cứ thế rơi rụng dần.

Nhiều người trong ngành quả quyết: “Với cơ chế, chính sách hiện hành quá khó để thu hút nhân lực, với đà này những năm tới ngành lâm nghiệp Nghệ An sẽ thiếu hụt trầm trọng quân số tham gia bảo vệ rừng”.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Ảnh: VK.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Ảnh: VK.

Anh P. V. S, nguyên cán bộ Vườn quốc gia Pù Mát với thâm niên trên chục năm công tác nói hộ lòng đồng nghiệp: “Chúng tôi cũng có vợ, có con, dồn nén trên vai gánh nặng cơm áo gạo tiền, do đó dẫu yêu nghề, yêu rừng đến mấy cũng phải đắn đo, suy tính. Thuộc diện biên chế chính thức đã quá cơ cực nhưng vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, gắng gượng cả năm nhưng cuối năm mới được nhận vài đồng trợ cấp ít ỏi”.

Mỏi mắt chờ lương

Qua ghi nhận thực tế, một cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách thâm niên làm việc trên 20 năm mới có mức thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng, trường hợp mới vào chỉ 3,5-4 triệu đồng/tháng. Thu nhập thấp đã đành, thực tế đồng lương “còm” kể trên hiếm khi được chi trả kịp thời. Anh em trong nghề đã quá quen với cảnh “mỏi mắt chờ lương”, thành thử nhiều người vẫn tếu táo rằng nghề của họ là… ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.

Một cán bộ quản lý của đơn vị Ban Quản lý Rừng phòng hộ trên địa bàn Nghệ An thốt lên: Hiện nay Luật Lâm nghiệp đã quy định rõ rừng đặc dụng, phòng hộ do Nhà nước đảm bảo nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Mặc dù Chính phủ ban hành Nghị định 01/NĐ-CP quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền lợi cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các chủ rừng nhưng mức độ đầu tư, hỗ trợ, cơ chế chính sách còn quá nhiều bất cập, nhất là tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ.

Áp lực công việc nặng nề, đời sống thường nhật gặp nhiều khốn khó là tình cảnh của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: VK.

Áp lực công việc nặng nề, đời sống thường nhật gặp nhiều khốn khó là tình cảnh của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: VK.

Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã kết thúc hơn 10 năm nhưng nguồn kinh phí bảo vệ rừng, đầu tư cho lâm nghiệp nhìn chung quá ít ỏi. Bảo vệ rừng tự nhiên giao khoán cho lực lượng hợp đồng lao động chuyên trách chỉ giậm chân tại chỗ 100.000 - 200.000 đồng/ha/năm, khoán cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa 300.000 - 400.000 đồng/ha/năm, con số này quá bèo bọt khi nhu cầu đời sống và mặt bằng thu nhập của xã hội đã vượt xa nhiều lần.

Về phía Nghệ An, tổng mức đầu tư của Nhà nước cho lâm nghiệp mỗi năm xấp xỉ khoảng 60 tỷ đồng, áp dụng với hơn 1,1 triệu ha rừng cơ bản chỉ đạt 35% nhu cầu vốn. Bất cập nữa là xuyên suốt 10 năm qua nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng của Nhà nước phân bổ rất chậm, thông thường phải đến hết quý 3 mới đến tay các đơn vị cơ sở, thêm quá trình làm thủ tục, hồ sơ giải ngân đến tận nửa quý 4 mới chính thức giải ngân đến lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách (?!)

Giây phút thảnh thơi hiếm hoi của những người bảo vệ rừng chuyên trách.

Giây phút thảnh thơi hiếm hoi của những người bảo vệ rừng chuyên trách.

Đã hết quý 1 năm 2022 nhưng cơ chế chính sách đầu tư hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng vẫn còn bỏ ngỏ. Hợp đồng bảo vệ rừng năm 2021 đã thanh lý, hợp đồng năm 2022 chưa biết thực hư ra sao khiến các chủ rừng vô cùng lúng túng, để chữa cháy, trước mắt đơn vị nào có điều kiện xoay xở còn giải quyết được cho anh em tạm ứng bình quân 1,5 triệu/ người/ tháng để đảm bảo tiền ăn, sinh hoạt thường ngày, bằng không đành chịu.

Đến hẹn lại lên, ngày 8/4/2022 Sở NN-PTNT Nghệ An đã có Công văn số 1011/SNN-KL gửi đến UBND tỉnh về việc “tạm cấp kinh phí sự nghiệp bảo vệ rừng năm 2022”. Nội dung trọng tâm thể hiện như sau:

“Công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh hết sức nặng nề, đặc biệt là vào dịp nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao. Hiện 10 Ban Quản lý Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; 3 Tổng đội Thanh niên xung phong; 5 Công ty TNHH Lâm nghiệp đang được giao quản lý 380.748 ha, chiếm 39% diện tích rừng cả tỉnh. Lực lượng chuyên trách trực tiếp bảo vệ 92.801 ha (ngoài ra còn phải chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn kiểm tra diện tích giao khoán cho dân (380.748 ha) - PV).

Kinh phí trả lương cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại các đơn vị chủ rừng được cân đối chủ yếu từ kinh phí bảo vệ rừng được ngân sách cấp hàng năm. Năm 2022 chưa có kinh phí nên lực lượng này chưa được cân đối nguồn lực để chi trả thực hiện nhiệm vụ”.

Nhiều người gắn cả thanh xuân đời mình nơi chốn rừng thiêng nước độc. Ảnh: VK.

Nhiều người gắn cả thanh xuân đời mình nơi chốn rừng thiêng nước độc. Ảnh: VK.

Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững, qua đó giúp người lao động ổn định tư tưởng, chuyên tâm công tác, Sở NN-PTNT đề nghị: Trong khi chờ nguồn kinh phí Trung ương, đề nghị UBND tỉnh bố trí tạm cấp ngân sách tỉnh năm 2022 nhằm đảm bảo một phần tối thiểu để chi trả lương cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại các đơn vị chủ rừng. Mức tạm cấp trên 11 tỷ 218 triệu đồng (100.000 đồng/ha), áp dụng cho các đối tượng đang trực tiếp quản lý, bảo vệ diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên đang trong thời gian đóng cửa rừng.

“Rừng vàng biển bạc”, nhưng nhiều phận người gắn bó với nghề rừng đang sống trong cảnh lay lắt, họ thực sự “vàng mắt, bạc mặt” với nghề. 

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.