| Hotline: 0983.970.780

Rừng Quỳ Châu còn nhiều bất ổn

Thứ Ba 26/04/2022 , 08:35 (GMT+7)

Những tháng đầu năm 2022 trên địa bàn huyện Quỳ Châu (Nghệ An) liên tiếp ghi nhận nhiều vụ phá rừng, nguyên do là người dân thiếu đất sản xuất.

Rừng Quỳ Châu vẫn còn lắm bất ổn. Ảnh: VK.

Rừng Quỳ Châu vẫn còn lắm bất ổn. Ảnh: VK.

Phát giác nhiều vụ phá rừng

Từ đầu năm đến nay (tính đến ngày 29/3) lực lượng kiểm lâm Nghệ An đã phối hợp cùng các bên liên quan tiến hành kiểm tra, phát hiện 27 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Đã xử lý hành chính 26 vụ, ngoài ra Hạt Kiểm lâm đã hoàn thiện hồ sơ chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra, khởi tố hình sự vụ việc tại bản Cướm, xã Diễn Lãm.

Vụ việc tại xã Châu Bính là một ví dụ cụ thể. Ảnh: ĐB.

Vụ việc tại xã Châu Bính là một ví dụ cụ thể. Ảnh: ĐB.

Một trong số đó diễn ra tại xã Châu Bính. Qua xác minh ghi nhận vị trí 1 có diện tích rừng bị chặt phá là 593 m2, kiểm tra hiện trường cho thấy 1 cây sòi tóc, 1 cây săng lẻ đã bị lấy đi, chỉ còn lại phần ngọn. Ngoài ra, 4 cây săng lẻ đã bị các đối tượng kéo ra bên ngoài, cách điểm chặt phá 20 m. Qua nắm bắt thông tin ban đầu, số gỗ nói trên do người dân tại bản Chào Mờ khai thác về làm “hậu sự”. Vị trí 2 có diện tích rừng bị chặt phá là 1.394 m2, tại đây nhiều cây rừng bị đốn hạ.

Cả 2 vị trí nói trên đều thuộc lô 16 khoảnh 14 tiểu khu 158, xã Châu Bính, trạng thái rừng là thường xanh nghèo, phân loại là rừng sản xuất.

Liên quan đến vụ việc, ngày 27/3/2022 Trạm Kiểm lâm địa bàn Châu Thắng đã phối hợp với UBND xã Châu Bính và Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu kiểm tra cơ sở chế biến lâm sản của ông C.V.B, thường trú tại bản Nông Trang, xã Châu Bính, sau đó lập biên bản, tạm giữ tang vật gồm 3 lóng gỗ tròn, 2 thanh gỗ xẻ N7.

"Khát" đất sản xuất, dân xâm lấn rừng

Tình trạng bất ổn an ninh rừng trên địa bàn huyện Quỳ Châu là có, trách nhiệm trước tiên thuộc về các đơn vị chủ rừng, dù vậy cần nhìn nhận đúng bản chất vấn đề để xây dựng phương án phù hợp nhằm khắc phục vấn nạn này.

Hiện diện tích rừng của huyện Quỳ Châu chiếm phần lớn tổng diện tích tự nhiên (88.055/ 105.746 ha), độ che phủ rừng vượt trội so với mặt bằng chung (77,06%, cả tỉnh là 58,5%). Bảo tồn, làm giàu rừng là nhiệm vụ quan trọng, dù vậy với địa bàn miền núi như Quỳ Châu, nơi người dân gắn bó mật thiết với rừng nhưng “không được tác động vào rừng” dường như đang phản tác dụng. Bà con bản địa nơi đây đang khát đất sản xuất đến cùng cực.

Trao đổi với PV, ông Lê Hải Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu khẳng định: Địa bàn miền núi trải dài không thể tránh khỏi tình trạng xâm lấn rừng. Những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo quản lý, bảo vệ rừng nghiêm ngặt, vấn đề phá rừng thời gian qua chỉ mang tính chất nhỏ lẻ là chính, phần lớn các hộ được giao đất trồng keo, mỗi lần khai thác lại xâm lấn một ít để mở rộng diện tích sản xuất.

Tình trạng xâm lấn rừng ở Quỳ Châu phần nhiều xuất phát từ nhu cầu 'khát đất sản xuất'. Ảnh: VK.

Tình trạng xâm lấn rừng ở Quỳ Châu phần nhiều xuất phát từ nhu cầu "khát đất sản xuất". Ảnh: VK.

“Trên 15.000 hộ dân ở Quỳ Châu là miền núi, họ sống từ rừng, ăn từ rừng, không có rừng người dân không sống được. Sinh kế từ rừng với người vùng cao cũng giống như người ở miền xuôi khai thác biển, do đó việc ngăn cấm 100% là không thể. Rừng là cơm gạo, họ sống trên đất rừng thì phải có miếng đất để họ phát triển. Trên khía cạnh quản lý nhà nước, huyện đã có những biện pháp để kiềm chế hành vi và định hướng cho người dân tuân thủ theo đúng quy định của nhà nước”, ông Lý cho biết thêm.

Bám Chỉ thị 13-CT/TW và Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, huyện này đã ban hành Nghị quyết chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng rừng. Mới nhất đã thuê đơn vị tư vấn đề quy hoạch lại tổng thể, qua đó phân chia thành 5 nhóm riêng biệt. Với những khu vực rừng có độ dốc thấp, vừa phải, trữ lượng rừng thấp, hoặc là rừng nghèo kiệt sẽ xin chủ trương để chuyển đổi sang đất sản xuất, tinh thần sẽ giảm dần tỷ lệ che phủ rừng và gia tăng diện tích canh tác, qua đó giải quyết một phần nhu cầu thực tế, mặt khác giảm thiểu áp lực bảo vệ rừng của đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Dưới góc độ cơ quan chuyên môn, Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu nhận thấy một phần nguyên do xuất phát từ cơ chế hiện hành. Hạt trưởng Lê Xuân Đình nhấn mạnh: Đất rừng, chất lượng rừng trồng và năng suất rừng trồng của Quỳ Châu thuộc diện tốt nhất vùng Phủ Quỳ. Nhiều hộ được giao giữ rừng 20 năm rồi nhưng thực chất họ không được quyền lợi gì, hay như Nghị định 75/2015/NĐ-CP về “cơ chế, chính sách bảo vệ, phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020”, khoảng 6.000 hộ gia đình được giao nhận đất gắn với giao rừng sẽ nhận 400.000 đồng/ha/năm, lý thuyết là vậy nhưng thực tế tiền không đến tay”.

Không chỉ Quỳ Châu “khát đất sản xuất”, thực trạng nan giải này đang phủ sóng khắp vùng cao Nghệ An, thậm chí trên phạm vi cả nước, đây là một trong những nguyên dân khiến rừng bị xâm lấn. Để giữ vững tài nguyên, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương nhất thiết cần quyết sách lớn từ Chính phủ.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất