| Hotline: 0983.970.780

Đối thoại của 'ma' phim

Chủ Nhật 06/12/2020 , 15:20 (GMT+7)

Chúng tôi (biên kịch Phạm Ngọc Tiến và đạo diễn Nguyễn Hữu Phần - PV) tự coi mình như những con 'ma' phim, mò mẫm kiếm tìm, đặc biệt là mảng đề tài nông thôn.

Các diễn viên trao đổi về kịch bản ở hậu trường phim 'Gió làng Kình'

Các diễn viên trao đổi về kịch bản ở hậu trường phim "Gió làng Kình"

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần được mệnh danh là “ông Phần ma làng” khi ông làm đạo diễn và đồng đạo diễn chùm 3 phim truyện truyền hình dài tập, tôi là biên kịch và đồng biên kịch.

Đó là những phim về đề tài nông thôn: “Đất và người” 2002 (Biên kịch: Khuất Quang Thụy - Phạm Ngọc Tiến, Đạo diễn: Nguyễn Hữu Phần - Phạm Thanh Phong), “Ma làng” 2007 (Biên kịch: Nguyễn Hữu Phần - Phạm Ngọc Tiến, Đạo diễn: Nguyễn Hữu Phần - Hoàng Lâm) và “Gió làng Kình” 2008 (Biên kịch: Phạm Ngọc Tiến, Đạo diễn: Nguyễn Hữu Phần - Bùi Thọ Thịnh).

Một cảnh diễn trong 'Đất và người'

Một cảnh diễn trong "Đất và người"

Đã 12 năm sau “Gió làng Kình”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nghỉ hưu nhưng ông vẫn mê mải làm phim, trong đó ông dũng cảm làm phần 2 của “Ma làng” có tên “Làng ma 10 năm sau”.

Một cảnh trong phim 'Ma làng'.

Một cảnh trong phim "Ma làng".

Tôi cũng vậy, nghiệp viết kịch bản như vận vào thân. Chúng tôi tự coi mình như những con "ma" phim, mò mẫm kiếm tìm đặc biệt là mảng đề tài nông thôn cho dù cả hai đều gốc thành phố.

Dưới đây là cuộc nói chuyện của hai con "ma" phim từng có nhiều năm gắn bó ở Trung tâm SX Phim Truyền hình, Đài THVN. Cả hai đều đã nghỉ hưu.

Biên kịch Phạm Ngọc Tiến (PNT): Lâu lắm không gặp anh. Dạo này làm phim gì?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần (NHP): Nhì nhằng thôi. Viết kịch bản chứ không làm đạo diễn.

PNT: Sao vậy anh. tính bỏ nghề à?

NHP: Không, bỏ sao được, vẫn ham hố phim phọt nhưng sức không kham nổi hiện trường nên ngại làm đạo diễn. Bảy ba tuổi rồi còn gì. Tiến vẫn viết hăng nhỉ. Sau “Sinh tử” nghe nói vừa xong một kịch bản Nghệ An nữa.

PNT: Vâng, em viết chung với ông Trần Đăng Tuấn. Không làm ngứa ngáy không chịu được. Trời cho còn sức, trí óc đương minh mẫn thì cứ mần thôi. Nghỉ viết là liệt não ngay, hỏng người.

NHP: Nghiệp viết lách nó thế. Như gông đeo, khó cởi lắm. Phim đề tài gì? Nông thôn à?

PNT: Nó kiểu như lập nghiệp anh ạ, nhưng chủ yếu là mảng đi nước ngoài kiếm sống và nhân vật là đa phần là người nông thôn.

NHP: Khó đấy, nhất là phim về một địa phương cụ thể. Nhưng nếu đầu tư tốt, quay được ở nước ngoài nữa phim sẽ hay.

PNT: Hay dở chưa biết nhưng kịch bản này nhóm biên kịch rất tâm huyết. Em hy vọng nó sẽ đứng được.

NHP: Phim Việt Nam theo mình đa dạng đề tài nhưng ăn khách thì vẫn là nông thôn. Như chùm kịch bản của cậu, thương hiệu của cậu vẫn xoáy vào những kịch bản về người nông dân. Việt Nam là đất nước của nông nghiệp. Những vấn đề chính của cuộc sống của xã hội đều từ nông thôn mà ra, kể cả là những bi kịch lớn.

PNT: Anh còn nhớ dạo mình làm “Đất và người” không? Thời điểm ấy đã là đầu thế kỷ 21 sao tư duy của hệ thống duyệt vẫn khó khăn đến vậy. Ban đầu không cấp nào chịu ký sau em phải vác chồng kịch bản lên trên cậy nhờ mới êm.

NHP: Nhớ chứ. Cũng không nên trách ai. Kịch bản dẫu chỉ là cấp xã nhưng cậu dựng cả hệ thống chính quyền đều hỏng cả. Họ ngại cũng là phải. Nghệ thuật gì thì cũng phải áp vào những tiêu chí tuyên truyền. Mấu chốt vấn đề ở đó. Và đó cũng là tử huyệt của những người làm phim. Khó khăn nhất ở chính đấy. Vừa đảm bảo tiêu chí chính trị tư tưởng nhưng vẫn phải đạt tầm nghệ thuật.

PNT: Em nghĩ khác. Vấn đề là ở tầm khái quát của tác phẩm. Cứ bám chặt vào hiện thực cuộc sống, nghệ thuật hay chính trị thì vẫn là một bộ phim phản ánh về đời sống, nói trúng được vào vấn đề của một làng, một xã… cái người dân trải qua và cần nhất là cái họ muốn. Đấy mới là cái khó cần phải vượt của người làm phim.

NHP: “Đất và người” có nền tảng tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường khá vâm váp. Tuy nhiên không khí trong tiểu thuyết tương đối ảm đạm, một bức tranh buồn thảm. Khi làm phim này, anh em mình đã mạnh dạn thay đổi phông tiểu thuyết, biến nó từ buồn bã thê lương ảm đạm sang không khí thường nhật có vui có buồn có tươi sáng. Không tô hồng nhưng cuộc sống thật là thế.

PNT: Em nghĩ nhiều đến chuyện đó khi đọc tiểu thuyết. Nhân vật Chu Văn Quềnh được xây dựng lại khác hoàn toàn với nhân vật trong tiểu thuyết và biến thành nhân vật trung tâm của những màn hài hước có tác dụng làm giảm tông căng thẳng. Việc chọn đúng diễn viên Hán Văn Tình đã tạo nên thành công cho nhân vật này và thay đổi hẳn cho tông phim.

NHP: Hán Văn Tình là diễn viên tuồng có lối diễn khoa trương nhưng lại cực kỳ hợp vai. Nhân vật Chu Văn Quềnh nói không ngoa là nhân vật hiếm hoi bước ra được khỏi màn hình đi vào cuộc sống. Vai diễn này góp phần không nhỏ cho thành công của “Đất và người”.

Với các phim sau này anh em mình cộng tác cùng nhau cũng vậy, việc lựa chọn diễn viên đúng góp sức rất lớn cho chuyển tải hết được nội dung phim. Mình nghĩ yếu tố thành công của phim là ở nội dung biểu đạt. Khi nội dung câu chuyện hay thì thì thành công của nghệ thuật sẽ đến.

PNT: Em quan niệm cả văn học hay điện ảnh, truyền hình muốn hay thì quan trọng nhất phải là nhân vật. Có nhân vật trước, nhân vật sống động, cá tính rồi mới đến nội dung. Khó ở chỗ ấy.

Một truyện ngắn, tiểu thuyết, một phim điện ảnh chiếu rạp hay một phim truyền hình dài tập nếu thành công thì thời gian cũng sẽ làm mờ đi nội dung, độc giả, khán giả chỉ nhớ nhân vật. Như Chí Phèo, Xuân tóc đỏ, lão Hạc và phần nào cả Chu Văn Quềnh…

NHP: Mình đâu có phủ nhận nhân vật nhưng nói gì thì nói nội dung phải hay phải có câu chuyện hấp dẫn. Biên kịch làm phim trên giấy và đạo diễn chuyển cái phim trên giấy ấy thành hình ảnh. Bởi vậy để nhân vật thành công, các đạo diễn phải rất kỳ công và tinh nhạy để chọn diễn viên. Diễn viên phù hợp vai, họ sẽ có đất diễn để thăng hoa. Này, Tiến còn nhớ nhà thơ Ngô Đăng Khoa không?

PNT: Em quên làm sao được. Dạo làm “Ma làng” khi mới đọc tiểu thuyết mình đã chọn ê kíp dù kịch bản chưa được chữ nào. Có lẽ đấy là phim duy nhất, chưa có kịch bản ê kíp làm phim đã hào hứng lên đường chọn bối cảnh phù hợp. Nhờ nhà thơ Ngô Đăng Khoa qua giới thiệu của nhà văn Trịnh Thanh Phong tác giả tiểu thuyết nhiệt tình và hào hiệp hứa giúp đỡ nên quyết tâm của đoàn phim càng tăng cao. Chỉ tiếc là anh Khoa mất sớm, không được chứng kiến phim phát sóng.

NHP: Lý do “Ma làng” không quay ở Hà Giang dù nhà thơ Ngô Đăng Khoa tận tình tạo điều kiện ăn ở cho đoàn phim là vì bối cảnh ở đó quá xanh, quá sạch. “Ma làng” có bối cảnh một làng quê ở thời điểm chuyển giao giữa bao cấp và đổi mới nên phải là bối cảnh có phần lam nham và cuộc sống túng bấn. Chuyển về quay ở Lương Sơn, Hòa Bình là một quyết định đúng đắn.

PNT: Lại nói chuyện diễn viên. Nghệ sĩ Bùi Bài Bình người đóng vai Tòng trong “Ma làng” và vai Khuếnh trong “Gió làng Kình”. Cả hai vai đều là nhân vật chính trung tâm và Bùi Bài Bình đóng đều xuất sắc. Anh có thấy là Khuếnh bị chen lấp bị ảnh hưởng bởi thành công của vai Tòng trước đó trong “Ma làng” không?

NHP: Thông thường theo quy luật là thế. Khi diễn viên đóng quá nổi ở phim nào đó dễ dẫn đến tình trạng chết vai. Nhưng Bùi Bài Bình là một diễn viên giỏi. Khi làm “Gió làng Kình” mình rất lo lắng khi chọn anh ấy vì tìm mãi không thấy ai hợp vai hơn. Lo lắng ấy biến mất khi Khuếnh lại một lần nữa nâng tầm diễn xuất của Bùi Bài Bình. Tất nhiên vai Tòng chủ tịch xã và Khuếnh trưởng thôn thuộc mẫu cán bộ xấu biến chất nhưng hai vai khác biệt nhiều. Bùi Bài Bình đã khai thác triệt để sự khác biệt này để hoàn thành mỹ mãn vai diễn Khuếnh trong “Gió làng Kình".

PNT: Em vẫn thắc mắc và nói thật có giận anh vì anh sửa nhân vật Khoái kẻ đốt nhà thờ từ chỗ là con đẻ là nội tộc họ Phạm ở làng Kình nhưng lại trở thành con nuôi là vì sao?

NHP: Anh em có nói cho mình biết điều ấy nhưng rồi cứ lần lữa chưa nói chuyện được vì bận bịu công việc và sau phim ấy thì mình nghỉ hưu nên ít có dịp gặp Tiến. Đổi là có lý do đấy. Không phải ngẫu nhiên hoặc tùy tiện đâu.

PNT: Lúc viết em tính toán để Khoái một kẻ tứ cố vô thân, dạng đầu đường xó chợ, lưu manh làng đốt nhà thờ vì tham lam miếng ăn đến nỗi phạm tội tổ tông. Một kẻ đang tâm muốn xóa đi lịch sử họ tộc là kẻ đã táng tận đến giới hạn cuối cùng.

NHP: Quyết liệt quá. Mình hiểu ý cậu nhưng cho dù là cái ác thì mình vẫn nghĩ không cần thiết phải đạp nhân vật đến mức như vậy.

PNT: Anh muốn nhân vật nhẹ đi cái ác khi hắn chỉ là con nuôi của dòng họ. Một đứa con nuôi không máu mủ ruột rà nó có thể làm những điều kinh khủng và ít bị lên án hơn là con đẻ. Nghĩa là anh chọn cách làm nhân hậu hơn?

NHP: Chỉ là một phần ý đó thôi. Cái chính mình chuyển Khoái làm con nuôi là ở ý này. Khoái được họ Phạm cưu mang nhặt về trong thân phận con hoang, được nuôi nấng đùm bọc nhưng vẫn bất nghĩa dám tính chuyện lấy oán trả ơn. Theo mình nhìn nhận ở góc độ đó nhân vật sẽ ý nghĩa hơn.

PNT: Thôi chuyện qua rồi, nghề làm phim luôn có những bất đồng quan điểm như thế giữa đạo diễn và biên kịch. Thật may chúng ta luôn nhất quán trong mọi việc trừ một vài cái như nhân vật Khoái vừa nói. Giờ đã là quá khứ, em hỏi anh, trong chùm 3 phim chúng ta hợp tác làm, nếu để chọn một cái thích nhất anh chọn phim nào?

NHP: Khó chọn bởi mỗi phim một vẻ dù chúng đều là phim về nông thôn, khắc họa cuộc sống của người nông dân. Nhưng có lẽ nếu phải chọn, mình sẽ chọn “Ma làng”.

PNT: Đó là lý do anh tiếp tục phần 2 “Ma làng” bằng cái tên có phần không xi nê lắm “Làng ma 10 năm sau”?

NHP: Không hẳn. Mình làm vì tiếc những nhân vật đã gieo trong “Ma làng”. Mười năm là một khoảng thời gian vừa đủ để một thế hệ khác trỗi lên làm những việc mà thế hệ trước chưa làm được hoặc phá hỏng những gì tốt đẹp của thế hệ trước nữa.

PNT: Sự kế tiếp. Em hiểu nhưng quan điểm của em luôn là không nên có phần 2 trong điều kiện làm phim ở Việt Nam. Làm phần tiếp theo ngoài áp lực từ phần 1 còn là đầy rẫy khó khăn về phim trường về diễn viên.

NHP: Nghe nói “Sinh tử” đang được làm phần 2?

PNT: Em không tham gia.

NHP: Thời gian nhanh thật. Vừa mới đấy mà đã già hết lượt. Mấy phim gần đây cậu từ bỏ đề tài nông thôn là sao?

PNT: Nông thôn dù hôm nay đã khác trước nhiều anh ạ nhưng vẫn còn nguyên đấy những vấn đề muôn thuở. Cái bi kịch lớn là nông thôn đang bị thành thị hóa.

NHP: Thành thị cũng đang bị nông thôn tấn công. Nếp sống thành thị bị nông thôn hóa từ nhiều năm nay. Cả hai vế đều tạo những bi kịch.

PNT: Thành thị hóa nông thôn nảy sinh ra nhiều vấn đề không chỉ là văn hóa sống mà nổi cộm lên vấn đề đất đai. Người ta biến nhiều khu vực nông thôn thành đô thị, thành khu công nghiệp…

NHP: Phim của chúng ta từ dạo đó cũng là đất đai là sở hữu. Căn cốt mọi vấn đề nằm ở chính chỗ đó. Cậu còn sung sức liệu sẽ có một phim dài tập nông thôn nữa chứ?

PNT: Em cũng mơ ước đó sẽ là kịch bản cuối cùng của em trước khi kết thúc nghiệp cày cuốc anh ạ. Nhưng chưa biết thế nào.

Đến đây cả hai im lặng không nói gì thêm. Cuộc đối thoại của hai ma phim về nông thôn kết thúc.

Hà Nội, tháng 10/2020

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.