| Hotline: 0983.970.780

Hậu Giang mở rộng canh tác lúa giảm phát thải trong vụ đông xuân

Thứ Tư 25/09/2024 , 08:30 (GMT+7)

Quy trình canh tác Ecocycle giúp nông dân giảm 30% chi phí thuốc bảo vệ thực vật, 15% phân bón hóa học, lúa giống giảm từ 120kg/ha xuống 80kg/ha, tăng lợi nhuận ròng gần 47%.

Mới đây, Sở NN-PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang cùng một số hợp tác xã canh tác lúa và các doanh nghiệp đã tổng kết mô hình canh tác lúa theo quy trình khép kín “lúa sạch hơn, xanh hơn, tăng năng suất, kết hợp đo lường lượng giảm phát thải khí nhà kính” (gọi tắt là mô hình).

Mô hình triển khai quy trình canh tác Ecocycle của Công ty Cổ phần Net Zero Carbon kết hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ Nano BSB (BSB Nanotech) và Công ty Cổ phần MTK Hữu Thành.

Nông dân tham gia mô hình canh tác lúa giảm phát thải theo quy trình Ecocycle phấn khởi khi vụ thu đông đạt năng suất, lợi nhuận cao hơn so với ruộng đối chứng. Ảnh: Kim Anh.

Nông dân tham gia mô hình canh tác lúa giảm phát thải theo quy trình Ecocycle phấn khởi khi vụ thu đông đạt năng suất, lợi nhuận cao hơn so với ruộng đối chứng. Ảnh: Kim Anh.

Mô hình được triển khai trong vụ thu đông 2024 tại cánh đồng 18ha ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang). Ruộng đối chứng gần kề quy mô 9ha, sử dụng chung giống lúa OM5451. Mô hình được gieo sạ theo quy trình canh tác lúa thông minh, áp dụng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ (AWD)

Toàn bộ quá trình sinh trưởng của cây lúa được theo dõi và quản lý bởi vệ tinh của Spiro Carbon Group INC.

Sau gần 100 ngày triển khai, mô hình và ruộng đối chứng thu hoạch cho kết quả khả quan. Cụ thể, năng suất lúa trong mô hình đạt trên 7,4 tấn/ha, tăng hơn 1 tấn/ha so với ruộng đối chứng. Bên cạnh đó, tăng hơn 1,2 tấn/ha so với năng suất bình quân của xã Trường Long Tây.

Về chi phí đầu tư, ruộng trong mô hình giảm được 2,8 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng. Điển hình, chi phí về lúa giống giảm được 780.000 đồng/ha, phân bón giảm 740.000 đồng/ha, thuốc bảo vệ thực vật giảm 1,3 triệu đồng/ha.

Lợi nhuận ròng nông dân thu về từ ruộng mô hình đạt 34,8 triệu đồng/ha, tǎng 11,1 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng, tương đương tăng gần 47%.

Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đánh giá, mô hình canh tác lúa giảm phát thải theo quy trình Ecocycle tạo được sự khác biệt. Ảnh: Kim Anh.

Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đánh giá, mô hình canh tác lúa giảm phát thải theo quy trình Ecocycle tạo được sự khác biệt. Ảnh: Kim Anh.

Tổng thể, việc ứng dụng quy trình canh tác Ecocycle đã giúp người dân giảm 30% thuốc bảo vệ thực vật, 15% lượng phân bón hóa học. Lượng lúa giống sử dụng cũng được kéo giảm từ 120kg/ha xuống còn 80kg/ha.

Với kết quả này, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang đánh giá, đây là mô hình canh tác lúa hiện đại, tạo được sự khác biệt, có điểm nhấn so với các mô hình đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

Điển hình, ở vụ thu đông nhưng mô hình cho năng suất, lợi nhuận cao hơn từ 10 – 20% so với ruộng đối chứng của nông dân. Từ triển vọng này, trong vụ đông xuân 2024 – 2025, tỉnh Hậu Giang tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp, đơn vị có cách làm hay, mới, đảm bảo yêu cầu canh tác lúa giảm phát thải phối hợp cùng địa phương triển khai, hướng đến đảm bảo đạt gần 16.000ha diện tích canh tác lúa giảm phát thải của toàn tỉnh như đã đăng ký với Bộ NN-PTNT.

Tỉnh Hậu Giang mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong xây dựng các mô hình canh tác lúa giảm phát thải. Ảnh: Kim Anh.

Tỉnh Hậu Giang mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong xây dựng các mô hình canh tác lúa giảm phát thải. Ảnh: Kim Anh.

Cũng theo ông Long, hiện nay tỉnh Hậu Giang đang tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao. Riêng trong vụ thu đông 2024, Sở NN-PTNT đã phối hợp với một số đơn vị triển khai các mô hình thí điểm với tổng quy mô khoảng 50ha, bước đầu các mô hình ghi nhận kết quả khả quan.

Ông Long nhìn nhận, thực tế các doanh nghiệp đều có mục tiêu, mong muốn phối hợp với địa phương triển khai mô hình canh tác lúa giảm phát thải sau khi Bộ NN-PTNT phát động triển khai Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao.

Tuy nhiên, quy mô và sự gắn kết giữa các mô hình cần phải tiếp tục hoàn thiện. Đặc biệt cơ chế, chính sách còn nhiều vấn đề cần phải tiếp bổ sung cũng như hoàn thiện mô hình và cách làm.

Dự kiến đầu tháng 10/2024, Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang sẽ tổ chức hội nghị mời gọi các đơn vị, doanh nghiệp và các bên có liên quan thảo luận, nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách. Từ đó giúp tỉnh có định hướng chỉ đạo trong vụ đông xuân 2024 – 2025 và những vụ tiếp theo.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.