| Hotline: 0983.970.780

Đồng bào huyện nghèo phất lên nhờ cây dong riềng

Thứ Sáu 25/11/2022 , 15:16 (GMT+7)

Tốn ít công trồng, chăm sóc, nhưng mỗi năm người trồng cây dong riềng ở huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn thu về hàng trăm triệu đồng, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả

Thu nhập ổn định

Vụ sản xuất năm nay, gia đình ông Chu Văn Dũng, thôn Chè Cọ, xã Côn Minh (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) trồng được 2000m2 cây dong riềng. Dù mới bắt đầu thu hoạch, nhưng năm nay gia đình ông Dũng sẽ thu về được hơn 14 tấn củ dong. Từ thương hiện thu mua với giá 1.800 đồng/kg, gia đình ông Dũng “bỏ túi” hơn 25 triệu đồng, đây là nguồn thu không nhỏ với những gia đình sống ở nông thôn.

“Gia đình chủ yếu tận dụng soi, bãi, đất ven đồi để trồng dong riềng. Trồng loại cây này tốn ít công chăm sóc, không phải bón quá nhiều phân, sâu bệnh ít. Tranh thủ thời gian nhàn rỗi nhưng mỗi năm cũng thu được vài chục triệu đồng. Ở trong thôn có những gia đình trồng nhiều, mỗi vụ thu về hàng trăm triệu, nhiều hộ đã xây được nhà cửa khang trang”, ông Dũng chia sẻ.

Người dân xã Côn Minh, huyện Na Rì thu hoạch dong riềng. Ảnh Toán Nguyễn. 

Người dân xã Côn Minh, huyện Na Rì thu hoạch dong riềng. Ảnh Toán Nguyễn. 

Cũng trong tâm trạng phấn khởi, năm nay gia đình ông Nông Thanh Bình, xã Cư Lễ trúng vụ dong riềng với năng suất cao, sau khi trừ chi phí ông Bình thu được vài chục triệu đồng.

Ông Bình cho biết, dù năm nay giá củ dong thấp hơn năm ngoái, nhưng nhờ năng suất đạt cao nên người trồng dong riềng vẫn có thu nhập khá. So với trồng lúa, ngô thì trồng dong riềng cho thu nhập cao hơn nhiều lần. Bán củ dong có tiền, gia đình sẽ tiếp tục đầu tư chăn nuôi.

Thu nhập từ trồng dong riềng giúp nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thoát nghèo. Ảnh Ngọc Tú. 

Thu nhập từ trồng dong riềng giúp nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thoát nghèo. Ảnh Ngọc Tú

Dong riềng là cây trồng bản địa lâu đời của người dân huyện Na Rì, do khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên loại cây trồng này cho năng suất rất cao, có thể đạt 80 tấn/ha. Vụ sản xuất năm nay, toàn huyện Na Rì trồng gần 250ha, sản lượng đạt hơn 20.000 tấn, nhiều gia đình thoát nghèo vươn lên khá giả.

 Tập trung chế biến sâu

Trước đây, người trồng dong riềng ở huyện Na Rì chủ yếu bán củ dong, hoặc nghiền thành bột để bán cho tư thương nên hiệu quả chưa cao. Những năm gần đây, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hợp tác xã (HTX), cơ sở chế biến miến dong đã được xây dựng.

Trăn trở làm sao để nâng cao chất lượng, thương hiệu cho miến dong Na Rì, năm 2018, HTX Tài Hoan được thành lập. Nhờ đầu tư máy móc đồng bộ, quan tâm xây dựng thương hiệu, đến nay sản phẩm của HTX đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Từ chỗ công suất chế biến miến chỉ đạt 5 tạ/ngày đến nay HTX Tài Hoan có thể sản xuất 2 tấn/ngày, sản phẩm miến dong đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu và bán ở hầu khắp siêu thị khu vực phía Bắc.

Sản phẩm miến dong Na Rì dần xây dựng được thương hiệu. Ảnh Nguyễn Toán. 

Sản phẩm miến dong Na Rì dần xây dựng được thương hiệu. Ảnh Nguyễn Toán

Bà Nông Thị Sen, Chủ tịch UBND xã Côn Minh cho biết: Cả xã hiện đã có 7 cơ sở chế biến miến dong, trong đó có 4 HTX, 3 cơ sở tư nhân. Ngoài ra xã Côn Minh cũng có khoảng 40 hộ sản xuất miến dong tráng tay truyền thống. Sản phẩm miến dong của địa phương hiện tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành và các siêu thị.

Trên địa bàn huyện Na Rì hiện có 20 cơ sở chế biến miến dong, trong đó có 4 cơ sở chế biến đạt công suất trên 80 tấn/năm, các cơ sở còn lại công suất đạt dưới 50 tấn, sản lượng tinh bột hàng năm đạt khoảng 2.500 tấn tương đương mức sản xuất được 1.250 tấn miến.  

Bà Hoàng Thị Thu Nguyệt, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Na Rì cho biết, các cơ sở chế biến trên địa bàn huyện cơ bản thu mua hết củ dong cho người dân, không còn tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương như trước đây. Nhờ đó giá thu mua củ dong những năm gần đây ổn định, từ 1.800 đồng – 2.000 đồng/kg.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.