| Hotline: 0983.970.780

'Vàng xanh' trên đất dốc

Thứ Hai 10/10/2022 , 07:25 (GMT+7)

BẮC KẠN Trên những triền núi, cây hồi bám đất vươn mình phát triển, mỗi năm 2 vụ thu hoạch, mỗi cây có thể cho thu nhập vài triệu đồng, giúp nhiều hộ thành tỷ phú.

Gần 3 tháng nay, hầu như ngày nào chị Nguyễn Thị Hay, thôn Khuổi Tăng, xã Bình Văn (huyện Chợ Mới, Bắc Kạn) cũng đi thu hoạch hoa hồi. Gia đình có hơn 2ha cây hồi trên 20 năm tuổi. Nhiều bù ít, trung bình mỗi cây hồi cho khoảng 40kg hoa. Với giá bán trung bình 40.000 đồng/kg, chị Hay nhẩm tính thu về hàng trăm triệu đồng.

1

Chị Nguyễn Thị Hay thu hoạch hoa hồi. Ảnh: Toán Nguyễn.

“Thu nhập của gia đình chủ yếu trông chờ vào cây hồi, mỗi năm 2 vụ cũng có tiền trăm triệu. Hai năm nay, giá hoa hồi bán ổn định trên dưới 40.000 đồng/kg. Trong thôn hầu như nhà nào cũng trồng cây hồi, nhiều người làm được nhà cửa khang trang, mua được ô tô”, chị Hay phấn khởi tâm sự.

Những ngày này, anh Nguyễn Đình Cừ, thôn Thôm Bó (xã Bình Văn) đang gấp rút hoàn thiện ngôi nhà đang xây. Giữa vùng quê xung quanh là núi, ngôi nhà 2 tầng khang trang đang dần hoàn thiện, chi phí xây dựng dự kiến hơn 1 tỷ đồng.

Anh Cừ cho biết: Gia đình có 3ha cây hồi đã trồng được hơn 10 năm, mỗi cây thu hoạch khoảng 30kg hoa/vụ.  Với trên 1.000 cây, sau khi trừ chi phí, thuê người thu hái, mỗi năm gia đình cũng thu về vài trăm triệu đồng. Nhờ tiền bán hoa hồi, gia đình mới có tiền làm nhà.

2

Nhờ thu nhập từ cây hồi, anh Nguyễn Đình Cừ đã xây được ngôi nhà khang trang. Ảnh: Ngọc Tú.

Dẫn chúng tôi đi thăm một số vườn hồi, ông Nguyễn Đình Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Văn cho biết: Toàn xã hiện có trên 300ha cây hồi đã cho thu hoạch, một số ít hộ thu tiền tỷ mỗi năm từ bán hoa hồi, đa số thu từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Nhờ thu nhập ổn định từ cây hồi, dù là xã miền núi nhưng tỷ lệ hộ nghèo của xã Bình Văn chỉ còn 9%.

“Cây hồi đã được người dân địa phương trồng cách đây vài chục năm, có những cây cổ thụ có thể thu về 3 đến 4 triệu đồng/vụ. Hầu hết diện tích trồng trên đồi dốc, nhưng do khí hậu phù hợp nên cây hồi phát triển tốt, hiện nay diện tích trồng cây hồi của xã ngày càng mở rộng”, ông Huy cho biết thêm.

5

ông Nguyễn Đình Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Văn (huyện Chợ Mới) cho biết, cây hồi giúp địa phương thay đổi từng ngày. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cây hồi tại tỉnh Bắc Kạn được trồng nhiều ở các huyện Chợ Mới, Na Rì, Bạch Thông, diện tích khoảng 5.000ha. Trải qua nhiều thăng trầm, có những thời điểm hoa hồi rớt giá thê thảm, nhiều hộ đã chặt bỏ. Nhưng vài năm gần đây, cây hồi đã hồi sinh, giá bán hoa hồi liên tục ở mức cao, từ 30.000 - 40.000đ/kg.

Trồng cây hồi sau 8 năm bắt đầu cho thu hoạch, từ năm thứ 10 trở đi 1ha cây hồi có thể cho thu nhập lên tới 400 triệu/năm. Do là cây trồng lâu năm nên từ lúc bắt đầu có hoa, cây hồi có thể cho thu hoạch liên tục hàng chục năm tiếp theo.

Ông Hoàng Nguyễn Việt, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết: Huyện xác định hồi là cây trồng chủ lực, không chỉ là cây giảm nghèo mà còn là cây làm giàu của người dân. Bên cạnh việc mở rộng diện tích, huyện đang tuyên truyền người dân tăng cường thâm canh, loại bỏ dần những cây già cỗi, năng suất thấp để trồng thay thế cây mới.

6

Hiện nay, nhiều địa phương của tỉnh Bắc Kạn có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp đã ban hành đề án mở rộng diện tích trồng cây hồi. Ảnh Toán Nguyễn.

Hiện nay, khó khăn nhất đối với người trồng hồi tại Bắc Kạn là đầu ra phụ thuộc phần lớn vào tư thương, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc, trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều cơ sở chế biến sâu.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Kạn, ông Nguyễn Ngọc Cương cho biết: Hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến hoa hồi. Tỉnh Bắc Kạn cũng đã có chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản. Khi có các nhà máy chế biến, hoa hồi sẽ được tiêu thụ ổn định hơn, lúc đó cây hồi sẽ thực sự là cây làm giàu của người dân địa phương.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm