| Hotline: 0983.970.780

Đồng bào vùng cao khá lên nhờ được chuyển giao kỹ thuật nuôi heo bản địa

Chủ Nhật 16/05/2021 , 14:31 (GMT+7)

Từ khi bà con đồng bào dân tộc 3 xã vùng cao huyện Hoài Ân được chuyển giao kỹ thuật nuôi heo bản địa, cuộc sống của họ trở nên khấm khá hơn.

Giống heo đen, còn được gọi là heo đồng bào, được đồng bào dân tộc thiểu số Bana và Hrê ở 3 xã vùng cao của huyện trung du Hoài Ân (Bình Định) là Đăk Mang, Bok Tới và Ân Sơn nuôi tự phát đã lâu.

Thế nhưng với kiểu nuôi “phó mặc cho trời” nên dù heo đen là loại đặc sản có giá trị cao nhưng không mang lại hiệu quả. Khi ngành chức năng huyện Hoài Ân chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi các giống heo siêu nạc, heo lai cho người chăn nuôi trên địa bàn để nâng cao chất lượng, sản lượng đàn heo, nhận thấy các xã vùng cao thích nghi với giống heo bản địa nên đồng bào dân tộc thiểu số cũng được chuyển giao kỹ thuật nuôi loại heo này.

Giống heo đen thích nghi với môi trường nuôi thả rông. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Giống heo đen thích nghi với môi trường nuôi thả rông. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Cách đây khoảng 4 năm, khi ngành nông nghiệp huyện Hoài Ân định hướng và hướng dẫn cho người chăn nuôi trên địa bàn kỹ thuật nuôi heo lai, heo siêu nạc để nâng cao hiệu quả sản xuất thì cũng là lúc chúng tôi cũng chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi heo bản địa cho đồng bào 3 xã vùng cao.

Năm nào Phòng NN-PTNT huyện cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn ngắn ngày hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi heo đen, cách làm chuồng trại để nuôi thả rông, cách sử dụng những loại thức ăn xanh sẵn có tại địa phương như chuối chuối rừng, cỏ, rau, củ, quả và cho ăn thêm thức ăn tinh.

Đồng thời hướng dẫn bà con cách nhận dạng những loại bệnh thường gặp trên heo và cách phòng trừ các loại dịch bệnh. Ngoài những lớp tập huấn do Phòng NN-PTNT huyện lên kế hoạch tổ chức, khi nào chính quyền xã có nhu cầu chúng tôi cũng sẵn sàng mở lớp tập huấn. Nhờ đó, mấy năm nay đàn heo bản địa tại các xã vùng cao phát triẻn ổn định”, ông Võ Duy Tín, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, cho biết.

Cũng theo ông Tín, từ nguồn vốn các Chương trình 135 và  nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình xây dựng Nông thôn mới, những năm gần đây năm nào huyện Hoài Ân cũng hỗ trợ cho 3 xã vùng cao Đăk Mang, Bok Tới và Ân Sơn 30-40 con heo đen giống bản địa để chính quyền xã phân bổ cho đồng bào trong xã thả nuôi.

“Trước kia, phong trào nuôi heo đen bản địa phát triển mạnh tại xã Bok Tới, sau này lan mạnh đến xã Ân Sơn và Đăk Mang. Có hộ nuôi đến vài ba chục con, heo nái sinh sản đẻ ra họ vừa bán giống vừa để lại nuôi thịt, hiệu quả kinh tế rất cao”, ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, cho hay.

Ngành chức năng huyện Hoài Ân (Bình Định) kiểm tra sự phát triển của đàn heo đen tại 3 xã vùng cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngành chức năng huyện Hoài Ân (Bình Định) kiểm tra sự phát triển của đàn heo đen tại 3 xã vùng cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo chia sẻ của ông Đinh Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Ân Sơn, nhờ tiếp thu tốt quy trình chăn nuôi do ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn, nên hiện đàn heo đen do gia đình ông nuôi đã phát triển đến gần 40 con, trong đó có 3 con nái, 20 heo con theo mẹ, còn lại là heo thịt.

Heo đen phát triển rất chậm, nuôi từ 8-9 tháng đến 1 năm mới đạt trọng lượng 30-40kg/con, ai kéo dài thời gian nuôi đến 17-18 tháng thì heo đạt được trọng lượng 50-60kg/con. Bù lại, giá bán của nó rất cao và có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu.

“Do chúng được nuôi thả rông, đi đứng vận động nhiều, chế độ ăn uống toàn là thực vật và nông sản bà con tự sản xuất, nên thịt heo đen săn chắc, thơm, do đó người tiêu dùng rất ưa chuộng. Hiện heo đen có giá rất cao, 160.000đ-170.000đ/kg hơi. Con heo có trọng lượng 30-40kg sẽ bán được đến 4-5 triệu đồng, do đó dù chúng có lâu lớn nhưng người nuôi cũng có lãi khá”, ông Thanh chia sẻ.

Rau xanh là món ăn khoái khẩu của loài heo bản địa. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Rau xanh là món ăn khoái khẩu của loài heo bản địa. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Từ ngày nuôi heo đen đến nay kinh tế gia đình tôi khá hẳn ra. Con giống ban đầu được huyện hỗ trợ, trong quá trình nuôi được ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật nên tôi rất yên tâm phát triển đàn. Heo đen dễ ăn dễ uống, đặc biệt chuồng nuôi cần có nền đất và nằm dưới bóng cây xanh. Tôi vào rừng chặt chuối, hái rau rừng các loại về băm ra nấu với cám cho chúng ăn. Nuôi heo đen không chi phí thức ăn nhiều mà bán được giá cao hơn heo thường nên cho hiệu quả cao”, ông Đinh Văn Lý cũng ở xã Ân Sơn, bộc bạch.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.