| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai đưa giết mổ vào quy củ [Bài 1]: Vẫn còn nhức nhối

Thứ Ba 28/11/2023 , 14:00 (GMT+7)

Tại Đồng Nai, công tác dẹp bỏ lò mổ lậu vẫn còn khá gian nan, nhưng tỉnh này quyết tâm thực hiện nhằm sớm xóa sổ các cơ sở giết mổ lậu.

Đoàn liên ngành tỉnh Đồng Nai liên tục bắt quả tang cơ sở giết mổ lậu trên địa bàn. Ảnh: Lê Bình.

Đoàn liên ngành tỉnh Đồng Nai liên tục bắt quả tang cơ sở giết mổ lậu trên địa bàn. Ảnh: Lê Bình.

"Cuộc chiến" chưa có hồi kết

Thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai còn được coi là điểm nóng của lò giết mổ lậu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc kiểm soát an toàn dịch bệnh không đảm bảo, sức khỏe người dân cũng bị ảnh hưởng. Vì thế, dẹp bỏ những lò mổ không phép không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành nông nghiệp Đồng Nai mà còn là yêu cầu chung tay của các cấp, ngành.

Phải thừa nhận, công tác tố giác, xử lý triệt để những cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không phép tại Đồng Nai trong thời gian gần đây được thực hiện rất hiệu quả. Tuy nhiên, còn nhiều lò giết mổ lậu vẫn hoạt động bất chấp, ngang nhiên thách thức quy định pháp luật.

Có lẽ dùng từ “cuộc chiến” mới diễn tả hết những khó khăn về công tác đấu tranh với vấn nạn lò giết mổ lậu tại Đồng Nai.

Để phát hiện và xử lý các lò giết mổ heo lậu, các ngành chức năng phải đối diện với nhiều nguy hiểm. Không hiếm trường hợp, các chủ lò giết mổ lậu bất hợp tác, thậm chí phản kháng quyết liệt khi bị đoàn liên ngành ập vào kiểm tra bất chợt.

Thường, đoàn kiểm tra liên ngành các lò giết mổ gia súc, gia cầm lậu sẽ do nhiều cơ quan phụ trách như: Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, Cục Quản lý thị trường, UBND các cấp…

Thế nhưng, công tác kiểm tra này lại bị các chủ cơ sở giết mổ lậu ngầm hiểu do cán bộ thú y là đầu mối hoặc chỉ điểm. Do đó, không ít lần các đối tượng này nhắm vào cán bộ thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai để tấn công.

Nếu không được sớm phát hiện, số gà đã thối rữa này sẽ được 'phù phép' và đưa đi tiêu thụ tại các chợ tự phát, bếp ăn tập thể hay hàng quán lề đường. Ảnh: Lê Bình.

Nếu không được sớm phát hiện, số gà đã thối rữa này sẽ được "phù phép" và đưa đi tiêu thụ tại các chợ tự phát, bếp ăn tập thể hay hàng quán lề đường. Ảnh: Lê Bình.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho hay, việc cán bộ và nhân viên của cơ quan bị các đối tượng xấu làm phiền, hăm họa là chuyện… như cơm bữa. Các đối tượng này cho rằng, các nhân viên Chi cục đang “hất đổ nồi cơm” của họ khi dẹp bỏ các lò giết mổ lậu.

“Chúng tôi liên tục bị các đối tượng này gọi điện chởi bới, văng tục hoặc thậm chí hù dọa uy hiếp tính mạng. Vì nhiệm vụ nên chúng tôi phải chấp nhận những sự tấn công này nên tự trấn an lẫn nhau để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, có những trường hợp anh em phải nhờ đến sự can thiệp của lực lượng công an trước khi chuyện đi quá xa”, ông Trường Giang chia sẻ.

Ông Lê Tấn Việt, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Phú cũng là một trong những nạn nhân trong việc đấu tranh dẹp bỏ lò giết mổ lậu. Cụ thể, trước khi chuyển về công tác tại huyện Tân Phú, ông Việt đã từng bị nhiều đối tượng là chủ hoặc nhân viên lò giết mổ lậu tấn công.

“Chúng tôi cũng nhiều lần bị những chủ lò giết mổ, công nhân cầm dao bầu kề vào cổ khi quyết định xử phạt. Cũng may những lần đó, cổ chỉ bị chảy chút máu hoặc hằn vết chứ không nguy hiểm đến tính mạng. Sau đó, anh em cũng rút kinh nghiệm và cẩn trọng hơn cho mỗi lần làm nhiệm vụ”, ông Việt chia sẻ.

Tại nhiều huyện của tỉnh Đồng Nai, không chỉ có các cán bộ của Trạm Chăn nuôi và Thú y, Phòng NN-PTNT huyện mà kể cả lực lượng vũ trang cũng không tránh khỏi việc chống cự quyết liệt của các đối tượng.

Thượng úy Dương Đức Lộc, cán bộ trinh sát Phòng Cảnh sát Môi trường (PC05 - Công an tỉnh Đồng Nai) chia sẻ với chúng tôi, khi phát hiện lực lượng trinh sát kiểm tra bất chợt các lò giết mổ lậu, chủ cơ sở này đã thả chó dữ, dập cầu dao điện và rời khỏi hiện trường. Thậm chí, nhiều đối tượng còn chửi bới, đem các mối quan hệ để xin hoặc hăm dọa lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.

“Thời điểm chúng tôi làm nhiệm vụ, hầu hết các cơ sở đang có người hoạt động. Theo phản xạ và chỉ đạo của chủ cơ sở, những người này sử dụng luôn cả các dụng cụ như dao, búa, khúc gỗ… để phòng vệ và hù họa. Rất may, các đối tượng nhận thức được hành động sai trái của mình sau khi được khuyên giải. Chúng tôi cũng phải thông báo cho chính quyền địa phương lập biên bản và có biện pháp xử lý”, thượng úy Lộc hồi tưởng.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng, Sở, ngành... Đồng Nai kỳ vọng sẽ sớm dẹp bỏ được tình trạng lò giết mổ hoạt động trái phép như suốt nhiều năm qua. Ảnh: Lê Bình.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng, Sở, ngành... Đồng Nai kỳ vọng sẽ sớm dẹp bỏ được tình trạng lò giết mổ hoạt động trái phép như suốt nhiều năm qua. Ảnh: Lê Bình.

Quyết tâm xóa sổ giết mổ lậu

Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, mặc dù liên tục triệt phá những cơ sở giết mổ không phép nhưng toàn tỉnh vẫn còn tồn tại 142 lò mổ lậu. Nhiều nhất phải kể đến TP Biên Hòa với 42 cơ sở, tiếp đến là huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Định Quán, Cẩm Mỹ và Thống Nhất…

Số lượng thống kê là vậy nhưng để phát hiện và xử phạt không phải dễ dàng. Do các cơ sở này này thường hoạt động về đêm, liên tục thay đổi địa điểm và không theo quy luật nào nên rất khó phát hiện.

Chưa kể, theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, các đối tượng này bố trí nhiều lớp cảnh báo, chỉ cần có động thái của lực lượng chức năng là họ liền phi tang vật chứng hoặc tìm cách tẩu thoát. Đặc biệt, thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi càng lớn nên công tác đấu tranh triệt phá những lò giết mổ lậu càng khó khăn, nguy hiểm.

“Trong thời gian tới, chúng tôi tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm tại hệ thống chốt kiểm dịch của tỉnh. Đồng thời, Chi cục cũng sẽ phối hợp với công an tỉnh và các ngành chức năng khác tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra, phát hiện, xử lý triệt để các cơ sở giết mổ lậu trên địa bàn”, ông Giang chia sẻ.

Từ đầu năm 2021, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, cơ sở giết mổ không phép được coi là vấn nạn cần được loại bỏ nhằm phát triển kinh tế thông qua hệ thống giết mổ tập trung, ổn định xã hội và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Theo ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, hầu hết nguồn tiêu thụ sản phẩm giết mổ của các cơ sở lậu này là các chợ tự phát, hàng quán hoặc bếp ăn tập thể. Do đó, để giải quyết tận gốc các lò mổ lậu thì cần quản lý tốt các kênh phân phối, nhằm “chặt đứt vòi bạch tuộc” của những cơ sở này.

“Xử phạt hay cố gắng phát hiện, dẹp bỏ các cơ sở giết mổ lậu cũng chỉ là đi sau một bước, xử lý được phần ngọn. Có cầu ắt sẽ có cung. Thế nên, chúng tôi sẽ mạnh tay xử lý phần nhu cầu trước, kiểm soát mạnh khâu tiêu thụ. Hi vọng khi các khâu kiểm soát thị trường được chặt chẽ thì các cơ sở lậu này cũng sẽ tự bị đào thải”, ông Phi cho hay.

Đồng Nai cũng sẽ mạnh tay xử lý các lò giết mổ lậu với nhiều biện pháp khác nhau, vừa quản lý khâu tiêu thụ lẫn ứng dụng công nghệ để truy vết nguồn gốc. Ảnh: Lê Bình.

Đồng Nai cũng sẽ mạnh tay xử lý các lò giết mổ lậu với nhiều biện pháp khác nhau, vừa quản lý khâu tiêu thụ lẫn ứng dụng công nghệ để truy vết nguồn gốc. Ảnh: Lê Bình.

Để làm được điều này, Sở NN-PTNT Đồng Nai cũng đang tăng cường số hóa công tác quản lý nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ. Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, truy xuất nguồn gốc không chỉ là xu thế của tiêu thụ hàng hóa mà nó còn là yêu cầu bắt buộc. Do đó, nhiều năm nay, Sở này đã triển khai dự án Truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh.

“Đến nay, chúng tôi đã cấp tài khoản cho hơn 1.160 cá nhân, tổ chức gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ, cơ sở giết mổ heo… đã đăng ký tham gia dự án và được cấp tài khoản khi tham gia dự án. Toàn tỉnh có hơn 34.000 con heo được đeo vòng và dán tem truy xuất nguồn gốc, hơn 1.100 trang trại đã khai báo chăn nuôi trên phần mềm quản lý chăn nuôi Te-food”, ông Trần Lâm Sinh thông tin.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Cây mía Cù Lao Dung tìm lại thời vàng son

Sóc Trăng Giá mía khởi sắc, niềm tin của chính quyền và người dân, sự quyết tâm của doanh nghiệp tạo điều kiện đưa cây mía Cù Lao Dung về lại thời vàng son.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.