“Chóng mặt” với ông trời
Thị xã An Nhơn (Bình Định) được mệnh danh là “thủ phủ” mai vàng của miền Trung. Địa phương này có đến hàng ngàn hộ dân trồng mai cảnh bán Tết với diện tích 145ha, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng hơn 1,6 triệu chậu mai trong mỗi vụ Tết. Những năm qua, nghề trồng mai cảnh không những đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân nông thôn, thậm chí đã sản sinh ra nhiều “tỷ phú chân đất” nhờ trồng mai mà còn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong những ngày nông nhàn.
Theo các chủ nhà vườn trồng mai cảnh ở Thị xã An Nhơn, chưa năm nào thời tiết “gây khó dễ” cho cây mai như năm nay. Trời ấm, lại mưa nắng thất thường đã khiến những cây mai dù chưa lặt lá đã nở vàng rực. Sắc hoa vàng đã không mang đến cho người trồng niềm vui, mà còn làm héo lòng các chủ nhà vườn bởi nếu búp hoa đã nở hết thì đến Tết chẳng thể bán. May sao 10 ngày nay, trên địa bàn Bình Định trời trở lạnh kéo dài, cái lạnh đã “cầm chân” những lứa búp sau không cho nở, các chủ nhà vườn trồng mai khấp khởi mừng vì đây là những lứa búp “cứu” những làng mai thoát cảnh thất thu trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
“Những ngày cuối tháng 11 âm lịch trời ấm kéo dài, lại chợt nắng chợt mưa nên các vườn mai đồng loạt nở hoa. Trời đang nắng lại đổ xuống cơn mưa, hoặc trời đang mưa lại hửng nắng lên khiến những búp hoa mai thi nhau nở vàng rực, nhìn đến xót ruột. Nếu tình trạng đó kéo dài thì năm nay người trồng mai cảnh kể như mất Tết. Người tiêu dùng mua chậu mai về chơi Tết mà búp đã nở hết thì sẽ chẳng ai mua. May sao hơn 10 ngày gần đây, trời trở lạnh...”, anh Lê Tấn Bộ, người đang trồng khoảng 8.000 chậu mai đủ mọi lứa tuổi ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (Thị xã An Nhơn) chia sẻ.
Trong 8.000 chậu mai của mình, năm nay anh Bộ chỉ chọn lặt lá 1.500 chậu mai từ 4 năm tuổi trở lên để bán, những chậu còn “nuôi” để bán vào những năm sau thì để ăn Tết xong, lúc nào rảnh mới lặt lá. Những năm trước, cứ vào khoảng 27 - 28 tháng 11 âm lịch là anh Bộ đã lặt lá mai để hoa nở kịp Tết, thế nhưng năm nay do trời ấm nên tới mùng 2 tháng Chạp anh Bộ mới lặt lá.
Năm ny, mai của anh Bộ nhờ được nuôi tốt nên búp ra rất dày, nhiều lứa búp kế tiếp nhau nên mới đầu tháng Chạp anh đã bán được 1.100 chậu, còn lại 400 chậu vừa lặt lá hoàn tất trong ngày mùng 6 tháng Chạp (nhằm ngày 28/12/2022). Năm nay, mai 3 năm tuổi anh Bộ bán bình quân được 1,5 triệu đồng/chậu, mai 4 - 5 năm tuổi bán được 3 triệu đồng/chậu. Theo anh Bộ, năm nay giá mai cao hơn năm ngoái 100.000 - 200.000đ/chậu.
Rộn ràng mùa lặt lá mai
Cũng theo anh Lê Tấn Bộ, năm nay công lặt lá mai cao hơn năm ngoái từ 30.000 - 50.000đ/công. Nếu như năm ngoái công lặt lá mai chỉ 150.000đ/người/ngày thì năm nay tăng lên mức 180.000 - 200.000đ/người/ngày, mà phải đặt cọc trước, nếu để cận ngày mới kêu người làm thì kiếm chẳng thể kiếm nổi.
Thị xã An Nhơn đang sản xuất hơn 1,6 triệu chậu mai, nơi trồng nhiều như xã Nhơn An có đến 1.500 hộ với khoảng 1,2 triệu chậu, nơi trồng ít như xã Nhơn Phong cũng 300 hộ với 200.000 chậu. Chừng ấy chậu mai mà đồng loạt lặt lá thì khan hiếm công là điều không thể tránh khỏi, trong khi lao động nông thôn ngày càng hiếm. Thanh niên trai tráng đã dồn hết vào các khu công nghiệp, nên lực lượng lặt lá mai chủ yếu là lao động nữ trung niên. Thời điểm lặt lá mai cũng vừa lúc gieo sạ xong vụ lúa đông xuân, nên lao động nữ có thêm việc làm kiếm tiền tiêu Tết.
Ở những xã “láng giềng” với những làng chuyên trồng mai cảnh, phụ nữ lập thành nhóm, mỗi nhóm mấy chục người chuyên nhận việc lặt lá mai cho những làng mai Nhơn An, Nhơn Phong. Chị Lê Thị Thắm ở xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định) là người “cầm trịch” 20 chị em trong làng chuyên nhận khoán nguyên cả vườn mai để lặt lá theo yêu cầu. Năm nào cũng vậy, gần cuối tháng 11 âm lịch là các nhà vườn trồng mai cảnh ở xã Nhơn An gọi điện “đặt cọc”, đến ngày là chị Thắm kéo quân đến vườn lặt lá mai.
“Chúng tôi đã quen việc nên đến mùa lặt lá mai là cơm ăn cơm dỡ đến vườn làm từ sáng sớm đến chiều tối mới về, ăn trưa luôn tại vườn, ăn xong nghỉ một chút cho xuống cơm rồi lại làm tiếp. Nhóm của tôi nhận khoán và buộc phải hoàn thành việc lặt lá đúng tiến độ chủ vườn yêu cầu, xong việc vườn này nhận tiền đủ một lần rồi kéo sang vườn khác, cũng phải cam kết đúng tiến độ.
Do các nhà vườn đồng loạt lặt lá mai nên trong 1 vụ không thể làm được nhiều, nhưng nhờ thời điểm lắt lá mai bán cho thị trường miền Bắc chênh với mai bán cho thị trường miền Nam nên tiền kiếm được cũng đủ mua bánh mứt cho con ăn Tết”, chị Thắm chia sẻ.
Theo các chủ nhà vườn trồng mai cảnh, đặc tính của cây mai là cây ra hoa khi rụng hết lá, do đó, việc lặt lá giúp kích thích để cho cây ra hoa. Ngoài ra, việc lặt lá còn giúp cây mai phô dáng thế đẹp cũng như bộ đế (gốc) của cây, giúp khách hàng cảm nhận được vẻ đẹp của cây mai.
“Mỗi mùa lặt lá, tôi yêu cầu nhân công mỗi khi lặt xong lá một chậu mai phải dùng 1 cọc tre vót nhọn găm hết những chiếc lá rụng chung quanh gốc để trông cây mai sạch sẽ, nhờ đó thương lái cả miền Nam lẫn miền Bắc rất chuộng mua mai của tôi”, anh Lê Tấn Bộ, người trồng khoảng 8.000 cậu mai ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An cho hay.
Vài năm gần đây, doanh thu từ mai Tết của Thị xã An Nhơn đạt bình quân 80 - 90 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, kết thúc vụ mai xuân năm ngoái, doanh thu từ tiền bán hoa của nông dân Thị xã An Nhơn đạt kỷ lục hơn 150 tỷ đồng. Thời điểm này, dọc tuyến tránh QL1 qua Thị xã An Nhơn, nhiều nhà vườn đã bắt đầu đưa mai lên các bãi trống dọc tuyến quốc lộ để chào bán cho khách.