| Hotline: 0983.970.780

Đột nhập "vựa" cây thuốc phiện lớn ở Tây Bắc

Thứ Tư 20/03/2013 , 08:53 (GMT+7)

Sau nhiều đêm hầu rượu dân anh chị có số má ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, chúng tôi được mách lối để tìm ra “thủ phủ” trồng cây thuốc phiện. Họ bảo rằng, mùa này dùng ngâm rượu là tốt nhất, bởi cây có đủ thân, rễ, lá, hoa và quả.

Phóng viên NNVN mạo hiểm vào vai người đi mua cây thuốc phiện về ngâm rượu bán, đã đột nhập được vào vựa cây thuốc phiện ở Mộc Châu (Sơn La). Tận thấy những vạt hoa thuốc phiện tím ngắt, quả được chích nhựa ngả mầu nâu đen mới thấy chính sách cấm trồng cây thuốc phiện của chính quyền chưa thể vượt qua được những vách cao, vực thẳm nơi cao nguyên này.

NHỮNG CON NGHIỆN MỘT THỜI DẪN LỐI

Sau nhiều đêm hầu rượu dân anh chị có số má ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, chúng tôi được mách lối để tìm ra “thủ phủ” trồng cây thuốc phiện. Họ bảo rằng, mùa này dùng ngâm rượu là tốt nhất, bởi cây có đủ thân, rễ, lá, hoa và quả.

Cậy nhờ "dân 06"

Từng lên công tác vùng Tây Bắc nhiều lần, chúng tôi đã biết về rượu ngâm cây thuốc phiện. Mỗi lần như vậy, chúng tôi đi truy tìm nguồn gốc xuất xứ đều nhận được một câu trả lời: Cây trồng trong núi sâu, đi lại rất khó khăn. Còn hỏi đường vào họ khuyên rằng: Đừng dại mà vào những nơi đó, đường đi vào thì dễ nhưng ra rất khó, thậm chí mất mạng.


Đường vào thung lũng Nà Ka

Sau nhiều lần dò hỏi, chúng tôi tìm ra được khu vực trồng cây thuốc phiện có thể đột nhập. Như đã hẹn với Gi (một người bản địa nắm rõ nơi trồng thuốc phiện) ở huyện Mộc Châu. Có mặt tại đây, tôi đặt vấn đề: “Anh đang cần mua cây thuốc phiện về ngâm rượu bán nhưng phải lấy cây đang trồng tại vườn, chú tìm mối giúp. Chỗ anh, em tiền công trả sòng phẳng”.

Nghe vậy, Gi bảo: “Tưởng gì, chuyện này em lo được. Tối nay, em họp "anh em 06" làm bữa rượu thì chuyện gì cũng ra hết. Nhưng em cũng nói trước, bọn em chỉ lối, mách đường cho anh vào, còn việc anh mua thế nào do anh tính toán, em không động đến. Như anh đã biết, dính đến “món” này, ít thì vài tháng, nhiều vài năm ngồi trong trại giam”.


Để vào được nơi trồng thuốc phiện trên đỉnh Nà Ka phải vượt qua những vách đá 
dựng đứng

Tôi vờ hỏi Gi: "Anh em 06" nghĩa là sao? Gi giải thích: “06 viết tắt của Trung tâm 06 thuộc Trung tâm Giáo dục Lao động tỉnh Sơn La. Họ là những người từng nghiện thuốc phiện, ma tuý được cai ở đây ra".

Nhờ sự sắp đặt của Gi, đêm hôm đó, chúng tôi hầu hầu rượu "dân 06" ở thị trấn Nông trường Mộc Châu gần đến sáng. Cuộc nhậu tàn canh, chúng tôi có được một số địa điểm hiện đang trồng cây thuốc phiện tại huyện Mộc Châu như bản Phiêng Cành, Tả Phìn xã Tân Lập và bản Pa Khen (thị trấn Nông trường Mộc Châu).

Sáng hôm sau, từ thị trấn Nông trường Mộc Châu, Gi làm “hoa tiêu” dẫn chúng tôi theo con đường vào xã Tân Lập chừng 20 km. Tại đây, Gi dẫn chúng tôi vào "ra mặt" Tr (đại ca một thời ở Mộc Châu nhưng nay đã quy ẩn), nhờ Tr đứng ra “bảo kê”. Khi nghe tôi đặt vấn đề, Tr mắng luôn: “Các chú có bị điên không đấy? Tìm được chỗ mua cây thuốc phiện đã khó, đừng nói đến chuyện vào nơi trồng đưa nó ra. Các chú toàn người lạ, mọi người ở đây không ai nhận lời dẫn đường đâu, còn tự đi tìm thì giữa rừng sâu biết đâu mà lần. Thôi ăn bữa cơm, uống chén rượu với anh rồi cuốn gói về Hà Nội cho sớm”.

Mặc cho Tr ngăn cản, chúng tôi quyết tâm vào “thủ phủ” trồng cây thuốc phiện bằng được. Ngăn mãi không xong, Tr đành mách lối: “Việc đầu tiên, các chú vào bản Phiêng Cành, xã Tân Lập. Từ trước đến nay, nơi đây trồng cây thuốc phiện nhiều, tình trạng buôn bán để ngâm rượu thường diễn ra. Vào đó tìm gặp những tay thợ săn và mạnh tay “vung tiền” may ra có người nhận lời".

Bẫy và chết chóc rình rập

Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường vào bản Phiêng Cành. Chúng tôi hỏi mua cây thuốc phiện, trăm người như một nói "chí pâu" (không biết). Lân la đến chiều, chúng tôi cũng tìm đến nhà H (một tay thợ săn). Khi hỏi về cây thuốc phiện, H lắc đầu. Tôi bảo với H muốn mua một ít về chữa bệnh, mong anh làm ơn giới thiệu chỗ. H liền nói: “Tôi không biết đâu, các chú đi nơi khác mà hỏi”.


Hoa thuốc phiện vào mùa vẫn nở trên đỉnh núi Nà Ka

Mặc dù chúng tôi đã nói đủ cách nhưng H không mách lối. Nhớ lời Tr dặn, chúng tôi liền ngã giá. Nghe vậy, H bảo: “Mỗi ngày dẫn đi 500 ngàn đồng, tôi sẽ đưa vào nơi trồng rồi các chú ăn trộm đưa về. Chỗ gần nhất cả đi, cả về gần 2 ngày, còn chỗ xa đi 3-4 ngày, hôm nay nghỉ lại ngày mai lên đường”.

Từ sáng sớm, H đã đánh thức chúng tôi dậy chuẩn bị lên đường, vừa bước ra khỏi nhà, H dặn: “Trên đường đi có gặp ai hỏi thì bảo lấy phong lan, đừng tiết lộ là vào vườn trồng thuốc phiện”.


Một điểm trồng thuốc phiện ở thung lũng Nà Ka xen lẫn với rau cải

Trước những năm 90 thế kỷ trước, cây thuốc phiện trồng để xuất ra nước ngoài làm dược liệu. Mộc Châu nói chung và các tỉnh Tây Bắc nói riêng trồng thuốc phiện chỉ có lấy nhựa. Nhưng nay, ngoài nhựa ra, cây thuốc phiện được sử dụng ngâm rượu. Theo người dân tại bản Phiêng Cành, xã Tân Lập cho biết, thương lái thường lén lút về đây thu mua với giá 150.000 đồng/kg gồm rễ, thân, lá, hoa và quả.

Sau 4 giờ đồng hồ, hết lên rồi xuống qua những vách đá cheo leo, chúng tôi có mặt tại thung lũng Nà Ka. H dẫn chúng tôi về phía Tây thung lũng, đi chừng gần 1 km ngay dưới đỉnh núi cùng tên xuất hiện một vườn cây thuốc phiện rộng chừng 200 m2 trồng xen với rau cải.

Tuy nhiên, cây đã ra quả hết, trên quả những vết chích nhựa đang đóng thành cục màu nâu đen. Thấy vậy, tôi bảo H: “Bọn em muốn lấy loại cây có đủ thân, lá, rễ, hoa và quả, ở đây không còn hoa lấy làm gì. Bài thuốc bắt buộc phải đủ vị thì mới chữa khỏi bệnh”. H liền giải thích: “Bữa nay cuối mùa rồi, hầu hết cây đã cho quả, như loại này đã lấy nhựa hai lần rồi. Muốn lấy loại có hoa, vậy đi tiếp thôi”.


Dễ dàng vơ cả đống cây thuốc phiện

Vừa đi, H nói: “Quãng đường tiếp theo sẽ leo lên đỉnh trời, độ cao thì không ai biết nhưng để leo đến đỉnh sẽ mất hết 6 giờ đồng hồ”. H nói tiếp: Núi Nà Ka theo tiếng Mông có nghĩa núi đầu lợn, đỉnh núi là nơi phân cách giữa bản Phiêng Cành, xã Tân Lập và tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Từ chân núi, chúng ta sẽ men theo con đường độc đạo một bên là những vách đá dựng đứng, một bên vực sâu. Do đó, tay phải bám thật chặt, chân trụ thật vững, nếu sảy là chỉ có nhặt xác mang về. Đặc biệt dọc đường sẽ không tránh khỏi những người trồng thuốc phiện đặt bẫy. Ở những điểm nguy hiểm, bọn chúng sẽ gác cây cưa gần đứt, nếu mình không để ý khi đi trên sẽ gãy và rơi xuống vách đá. Có những bẫy bọn chúng làm bằng dây rồi treo đá trên cao, mình dẫm phải sẽ rơi trúng người.

Quãng đường với cái chết luôn rình rập nhưng chúng tôi chinh phục xong. Tại đây, có một thung lũng rộng chừng 2000 m2 trồng cây thuốc phiện xen lẫn với rau cải. Có những cây đang ra hoa, cây cho quả được chủ nhân chích nhựa.


Vi deo cây thuốc phiện xen lẫn với rau cải

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm