| Hotline: 0983.970.780

Những cuộc cách mạng bất thành của HLV Riedl

Thứ Tư 09/09/2020 , 08:51 (GMT+7)

Ôm nhiều hoài bão khi đến Việt Nam làm việc năm 1998, nhưng rồi HLV Alfred Riedl cũng phải ngả theo cách làm bóng đá cũ ở nước ta.

Cố HLV Riedl dẫn dắt Việt Nam trong 3 giai đoạn, và gây dấu ấn trong cả ba. Ảnh: VFF.

Cố HLV Riedl dẫn dắt Việt Nam trong 3 giai đoạn, và gây dấu ấn trong cả ba. Ảnh: VFF.

Đến Việt Nam lần đầu vào năm 1998, HLV Alfred Riedl tin những kiến thức tích lũy ở châu Âu của ông sẽ giúp ích cho những nền bóng đá đang phát triển. Trong buổi hop báo đầu tiên tại trụ sở VFF, khi được hỏi sẽ mang tới gì cho bóng đá Việt Nam, cố HLV người Áo trả lời ngắn gọn: "4-4-2".

Ngày ấy, bóng đá Việt Nam, từ cấp đội tuyển đến CLB đều nhuần nhuyễn với sơ đồ 5-3-2 (hoặc 3-5-2). Các cầu thủ Việt Nam luôn có tâm thế giữ quân số đông bên phần sân nhà. Cộng với chất lượng ở tuyến tiền vệ và hậu vệ không đồng đều, hầu hết các đội Việt Nam đều khó triển khai những mảng miếng tấn công vì không gian bị bó hẹp.

HLV Riedl nhận ra điều ấy và muốn thay đổi, nhất là khi 4-4-2 giúp tối ưu khả năng hoạt động trong vòng cấm của tiền đạo hàng đầu Đông Nam Á lúc bấy giờ - Lê Huỳnh Đức. Ông thầy sinh năm 1949 chắc mẩm điều ấy, và giữ sự lạc quan suốt thời gian đầu, cho tới khi nhận những kết quả không ưng ý trong quá trình chạy đà cho Tiger Cup 98.

Làm HLV là phải chịu áp lực, đặc biệt là với HLV cấp đội tuyển. Dù chỉ ở Việt Nam vài tháng, chiến lược gia từng giành Chiếc giày đồng châu Âu dần nhận ra những bất hợp lý trong cơ cấu quản lý và tổ chức của bộ máy VFF. Lãnh đạo yêu cầu thành tích rất cao ở cấp đội tuyển, nhưng lại không đầu tư nhiều cho bóng đá trẻ. Ngay cả giải VĐQG cũng chưa lên chuyên nghiệp vào thập niên 90. Cầu thủ mỗi khi lên tuyển, luôn phải đá với tâm thế màu cờ sắc áo là chính, thay vì năng lực.

Những bất cập trong công việc khiến HLV Riedl thốt lên câu nói được cho là bất hủ với bóng đá Việt Nam, kể cả thời điểm hiện tại: "Bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc". Và cũng chính bởi việc "giác ngộ" này, tâm thế làm việc của nhà cầm quân người Áo cũng thay đổi. Ông từ bỏ 4-4-2 và trở lại với 5-3-2, nhằm hướng đến giải đấu cận kề là Tiger Cup 98 được tổ chức trên sân nhà.

Đó là giải đấu đáng nhớ, cũng là dấu ấn đầu tiên bên ngoài nước Áo của HLV Riedl, trong đó điểm nhấn đặc biệt là chiến thắng vang dội 3-0 trước Thái Lan ở bán kết. Hình ảnh ông thầy tóc muối tiêu đấm tay vào không trung, sau khi Văn Sỹ Hùng ấn định tỷ số 3-0 hẳn vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người. Tuy nhiên, Riedl không thể leo lên được tột cùng vinh quang bởi cuộc cách mạng nửa vời. Việt Nam thua Singapore 0-1 ở chung kết, bởi cái lưng của Sasi Kumar.

Trong hai năm kế tiếp, HLV Riedl có nhiều thời gian để hướng đội tuyển Việt Nam đi theo 4-4-2, sơ đồ yêu thích của ông, cũng là "mốt" của bóng đá thế giới thập niên 90. Tuy nhiên, ông tiếp tục chối từ. Thay vì tìm kiếm những mảnh ghép phù hợp, ông phát hiện ra chốt chặn Đỗ Khải ở vị trí trung vệ thòng, và tiếp tục giữ 5-3-2 đến SEA Games 1999 rồi Tiger Cup 2000. Cả hai giải đấu, Việt Nam đều giữ được sự chắc chắn nơi hàng thủ, nhưng lại ngã gục ở thời khắc quyết định.

Nguyên nhân trực tiếp có nhiều, nhưng gián tiếp nằm ở việc Việt Nam thiếu những phương án dự phòng chất lượng. Khi thua sút thể lực, hoặc chiến thuật ban đầu không phát huy tác dụng, HLV Riedl không có những con bài thay thế, giống như Quang Hải của HLV Calisto ở AFF Cup 2008. Tuy nhiên, là một người bảo thủ - như nhận xét của nhiều trợ lý, HLV Riedl cho rằng: "Thời tôi huấn luyện, Hồng Sơn hay nhất Đông Nam Á".

Cố HLV người Áo rời Việt Nam sau năm 2000, và trở lại vào năm 2003, khi Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 22 tổ chức trên sân nhà. Lúc này, sơ đồ 4-4-2 mà ông hằng ấp ủ đã thành hình nhờ bàn tay sắp xếp của HLV Nguyễn Thành Vinh. Bộ khung gồm Văn Quyến, Thanh Bình, Tài Em, Minh Phương, Quốc Vượng, Hữu Thắng được ông thầy người Áo bê nguyên xi tới tận chung kết, thậm chí mang tới cả kỳ SEA Games kế tiếp tại Bacolod, Philippines.

Những tưởng được sử dụng chiến thuật ưa thích và có một thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam, HLV Riedl sẽ cụ thể hóa bằng các danh hiệu, nhưng thực tế ngược lại. Sự nghiệp của ông tiếp tục đi giữa lằn ranh thành công và thất bại. Việt Nam tiếp tục về nhì ở cả hai giải đấu, trong đó ngoài vấn đề tâm lý cầu thủ, còn ở cách ông định hình 11 cái tên ra sân. Công Vinh, một tượng đài của bóng đá Việt Nam sau này, luôn phải dự bị cho Văn Quyến và Phan Thanh Bình bất kể phong độ. HLV Riedl duy trì quan điểm là cần có một tiền đạo cắm khi đá 4-4-2, và Thanh Bình, theo ông, là có tố chất ấy.

HLV Riedl có nhiều công lao với bóng đá Việt, nhưng khi có được thành công, ông lại không đào sâu thêm mà tỏ ra hài lòng với chính cách quản lý "xây nhà từ nóc". Ở cả ba giai đoạn, đội hình và chiến thuật của Việt Nam không có nét mới. Cấu trúc đội hình đá một giải được rập khuôn và lặp đi lặp lại cho tới trận đấu cuối. Đó có lẽ là nguyên do khiến ông bị bắt bài ở những thời điểm then chốt, và không thể hoàn thành cuộc cách mạng dang dở nơi quê hương thứ hai.

Xem thêm
'Cỗ xe tam mã' của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng

Trong hồi tưởng của Đại tá Lê Trọng Nghĩa (1921 - 2015), tại Sở chỉ huy Mường Phăng, luôn có bộ 3 cán bộ bên cạnh Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Nhà sản xuất Lý Hải có một điều ước gây bất ngờ

Nhà sản xuất Lý Hải tạo nên cơn sốt mới cho thị trường điện ảnh, khi bộ phim ‘Lật mặt 7: Một điều ước’ đạt doanh thu 200 tỷ đồng sau dịp nghỉ lễ.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.