| Hotline: 0983.970.780

Dự án New City Việt Nam chậm triển khai có phần trách nhiệm nhà đầu tư

Thứ Hai 17/06/2024 , 09:15 (GMT+7)

Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên cho rằng, việc chậm triển khai thực hiện dự án New City Việt Nam có phần trách nhiệm của nhà đầu tư…

Dự án New City Việt Nam ở xã An Phú, TP Tuy Hòa. Ảnh: KS.

Dự án New City Việt Nam ở xã An Phú, TP Tuy Hòa. Ảnh: KS.

Ngày 14/6, Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên cho biết, đã thông tin một số nội dung liên quan đến dự án khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam (gọi tắt dự án New City Việt Nam) ở xã An Phú, TP Tuy Hòa.

Theo đó, dự án New City Việt Nam là một trong các dự án lớn do Công ty TNHH New City Việt Nam làm chủ đầu tư với quy mô diện tích 565 ha, tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD. Dự án được UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho chủ đầu tư vào tháng 7/2008.

Tuy nhiên qua 6 năm cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án, nhà đầu tư rất chậm trong việc triển khai dự án. Mãi đến năm 2014 do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính nên đã đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án.

Trên cơ sở hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan đơn vị chức năng có liên quan tham mưu UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án thay đổi lần thứ nhất cho nhà đầu tư, với quy mô diện tích điều chỉnh từ 565 ha xuống còn hơn 357 ha. Tổng mức đầu tư dự án từ 4,3 tỷ USD xuống còn 1 tỷ USD; vốn điều lệ của nhà đầu tư là 8.400 tỷ đồng.

Thế nhưng sau đó, nhà đầu tư tiếp tục chậm triển khai thực hiện dự án, không thực hiện góp đủ vốn chủ sở hữu khoảng 8.400 tỷ đồng để đảm bảo nhà nước cho thuê đất thực hiện đầu tư dự án theo quy định Luật Đất đai năm 2013.

Trước vi phạm này, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xử phạt chủ đầu tư vi phạm hành chính về việc đã không góp đủ vốn chủ sở hữu tại quyết định số 06/QĐ-XPHC ngày 28/11/2019. Sau đó, nhà đầu tư đã điều chỉnh vốn điều lệ từ 8.400 tỷ đồng xuống khoảng 125,691 tỷ đồng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên, từ khi dự án New City Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đến nay gần 16 năm, đã có nhiều thay đổi chính sách pháp luật về đất đai. Cụ thể, Luật Đất đai năm 2003 được thay thế bằng Luật Đất đai 2013, sắp tới là Luật Đất đai năm 2024, còn Luật Đầu tư năm 2005 được thay thế bằng Luật Đầu tư năm 2014 và sau đó thay thế bằng Luật Đầu tư năm 2020. Cùng với việc nhà đầu tư chậm triển khai dự án, chậm góp đủ vốn chủ sở hữu để cho thuê đất thực hiện đầu tư dự án theo quy định pháp luật về đất đai nên dự án đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, đầu tư.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lần 2, từ hơn 357 ha xuống còn hơn 139 ha, tổng vốn đầu tư giảm xuống còn khoảng 7.990 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp chủ sở hữu để thực hiện dự án khoảng 1.199 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 15% tổng vốn đầu tư).

Đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng tại dự án, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận: Ngoài phần diện tích rừng được cho phép khai thác chưa đầy đủ trình tự thủ tục theo quy định, nhà đầu tư còn tự ý khai thác 2,7 ha rừng khi chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, chưa được cấp phép khai thác, chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng là hành vi khai thác rừng trái phép, vi phạm quy định khoản 1 Điều 12 Luật bảo vệ và phát triển rừng.

Sau kết luận của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã tổ chức khắc phục các sai sót, vi phạm trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện dự án. Đồng thời tỉnh có các báo cáo, văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng phòng hộ sang mục đích khác để triển khai thực hiện dự án New City Việt Nam.

Bên trong dự án New City Việt Nam. Ảnh: KS.

Bên trong dự án New City Việt Nam. Ảnh: KS.

Để hỗ trợ, giải quyết khó khăn, hướng dẫn cho nhà đầu tư khắc phục vi phạm, ngày 6/10/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã tổ chức họp, mời nhà đầu báo cáo để xem xét, xử lý giải quyết. Tuy nhiên người đại diện pháp luật của nhà đầu tư dù đã đến Sở Kế hoạch và Đầu tư dự họp nhưng không đồng ý đối thoại, tự ý rời khỏi cuộc họp, tỏ ra bất hợp tác, thiếu tôn trọng, xem thường các cơ quan chức năng chính quyền tỉnh Phú Yên.

Tuy vậy, UBND tỉnh Phú Yên vẫn đang giao cho các cơ quan, đơn vị có chức năng rà soát lại toàn bộ dự án để báo cáo các cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết để xử lý dứt điểm.

Như vậy, với việc chậm triển khai thực hiện dự án New City Việt Nam như hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên cho rằng, có phần trách nhiệm của nhà đầu tư và các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc nhà nước thay đổi các chính sách pháp luật về đất đai, đầu tư.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên cho biết, quan điểm của tỉnh là tập trung tháo gỡ để dự án New City Việt Nam được triển khai, nhưng phải đúng quy định pháp luật. Do vậy, tỉnh rất cần sự hợp tác của nhà đầu tư để cùng bàn phương án tháo gỡ.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.