| Hotline: 0983.970.780

Dự án VnSAT thực hiện các hoạt động hỗ trợ vô cùng thiết thực

Thứ Tư 22/12/2021 , 09:00 (GMT+7)

Dự án VnSAT với các hoạt động hỗ trợ của mình đã giúp người dân, các tổ hợp tác sản xuất cà phê theo phương thức mới, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Tại xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), Dự án VnSAT đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân và hợp tác xã trong việc sản xuất cà phê, tạo dựng chuỗi giá trị. Ở địa bàn này, Dự án VnSAT bắt đầu triển khai từ năm 2017. Thời điểm đó, dự án xây dựng các mô hình về cà phê tái canh, cà phê cảnh quan và hỗ trợ thành lập tổ chức nông dân để hướng đến chuỗi sản xuất.

Dự án VnSAT giúp nông dân, các hợp tác xã tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) thực hiện mô hình cà phê tái canh và đạt hiệu quả cao. Ảnh: M.H.

Dự án VnSAT giúp nông dân, các hợp tác xã tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) thực hiện mô hình cà phê tái canh và đạt hiệu quả cao. Ảnh: M.H.

Ông Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã Tân Nghĩa (xã Tân Nghĩa) cho biết, trước khi dự án VnSAT có mặt ở địa phương, người dân sản xuất cà phê với cách làm truyền thống và sản xuất theo hình thức riêng rẽ. Đến năm 2017 thì dự án bắt đầu có những hoạt động hỗ trợ đầu tiên và đến nay, các mô hình mà dự án xây dựng đều góp ích rất lớn trong việc phát triển cà phê.

"Người dân hiện nay đã chú trọng vào công tác cải tạo đất, chọn giống chất lượng cao cho tái canh và thực hiện sản xuất, chăm sóc cà phê theo các quy trình chuẩn kỹ thuật. Do vậy, cây phát triển mạnh, năng suất cũng cao hơn", ông Nguyễn Minh Ngọc nói.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Ngọc, Hợp tác xã Tân Nghĩa được Dự án VnSAT hỗ trợ thành lập và đến nay đã có trên 100 thành viên và liên kết sản xuất rất tốt. Dự án VnSAT ngoài việc phổ biến kiến thức, khoa học kỹ thuật còn hỗ trợ hợp tác xã trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Điều này tạo tiền đề giúp hợp tác xã hướng đến sản xuất bài bản, quy mô lớn và phát triển bền vững trong tương lai.     

Mô hình phát triển trồng xen bơ trong vườn cà phê tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) mang lại hiệu quả cao, giúp nông dân cải thiện nguồn thu nhập. Ảnh: M.H.

Mô hình phát triển trồng xen bơ trong vườn cà phê tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) mang lại hiệu quả cao, giúp nông dân cải thiện nguồn thu nhập. Ảnh: M.H.

Nói về Dự án VnSAT, ông Dương Xuân Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa chia sẻ, từ lúc Dự án VnSAT đầu tư thì địa phương phát triển rất nhiều. Các hoạt động hỗ trợ của Dự án như đầu tư các mô hình cà phê tái canh, tưới nước tiết kiệm, các hoạt động đào tạo khoa học kỹ thuật đã giúp người dân củng cố kiến thức để canh tác tốt hơn.

"Đặc biệt Dự án VnSAT đã giúp người dân tổ chức các hợp tác xã, xây dựng chuỗi liên kết giá trị. Đây là hoạt động rất thiết thực trong việc phát triển cà phê bền vững ở địa phương", ông Dương Xuân Tiến thổ lộ và cho biết thêm, thời gian qua, Dự án VnSAT đã hỗ trợ nông dân địa phương xây dựng các tuyến đường nông thôn phục vụ sản xuất. Hơn nữa, Dự án VnSAT cũng triển khai, hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư tái canh, chi phí phân bón, máy móc phục vụ sản xuất. "Đó là sự hỗ trợ rất thiết thực. Tôi nghĩ nếu Dự án VnSAT hỗ trợ thêm cho các loại cây ăn trái khác ở địa phương thì quá tốt", ông Dương Xuân Tiến nói.

Ở xã Nam Hà (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), Dự án VnSAT thực hiện hàng loạt các hoạt động hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác. Ông Tiêu Văn Bính, Chủ tịch UBND xã Nam Hà nhận định, sau khi Dự án VnSAT triển khai các buổi tập huấn, phổ biến kiến thức, khoa học, kỹ thuật thì người trồng cà phê đã phát triển tốt hơn. Do vậy, năng suất cà phê tăng cao. Đặc biệt mùa vụ 2021 này, sản lượng và năng suất cao hơn các năm trước lên đến 30%.

Với sự hỗ trợ của Dự án VnSAT, các tổ chức nông dân, hợp tác xã đã chủ động trong khâu thu hoạch và sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: M.H.

Với sự hỗ trợ của Dự án VnSAT, các tổ chức nông dân, hợp tác xã đã chủ động trong khâu thu hoạch và sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: M.H.

Cũng theo ông Bính, hiện nay, một số cơ sở nhà kho do VnSAT hỗ trợ xây dựng đã bắt đầu đi vào hoạt động và có hiệu quả. Đặc biệt VnSAT đã và đang đầu tư cho xã Nam Hà khoảng 5km đường giao thông nội đồng, đảm bảo các phương tiện đi lại thuận tiện, phục vụ việc sản xuất cà phê ngày càng tốt hơn. Đến thời điểm này, Dự án VnSAT đã đem lại lợi ích kinh tế rất lớn cho những người được tham gia các chương trình dự án và lan tỏa ra cộng đồng, hình thành phương thức canh tác tiên tiến, hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng nhận xét, thời gian qua, Dự án VnSAT Lâm Đồng đã triển khai hỗ trợ hàng loạt tổ chức nông dân về quy trình sản xuất cà phê theo hướng bền vững và hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác về hệ thống nhà kho, sân phơi, máy sấy, máy sơ chế… giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác hoàn thiện quy trình chế biến cà phê của mình. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cà phê. Các mô hình như tái canh, cà phê bền vững được xây dựng tại Lâm Đồng đạt hiệu quả cao và có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.

"Tại địa phương, thời gian qua VnSAT là cầu nối giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cà phê và các đơn vị cung ứng vật tư đầu vào và các doanh nghiệp chế biến, rang xay kết nối với nhau tạo thành chuỗi kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm nâng cao chuỗi giá trị", ông Nguyễn Văn Châu chia sẻ.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.