| Hotline: 0983.970.780

Du lịch sinh thái bền vững nhờ nông sản sạch

Thứ Ba 30/05/2023 , 06:19 (GMT+7)

Tây Ninh đã xuất hiện những mô hình du lịch nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thu hút khách du lịch. Điều này hứa hẹn là những tiềm năng du lịch bền vững.

Hút khách nhờ đặc sản Đà Lạt ở xứ nóng

Vài tháng trở lại đây, tại vườn cà chua Nova phong cách Đà Lạt của anh Nguyễn Tuấn Anh (phường Ninh Sơn, TP Tây Ninh), khách tham quan đủ mọi lứa tuổi, rủ nhau về đây để tận hưởng đặc trưng miền lạnh ngay trên đất Tây Ninh.

Ngày thường, có đến hàng trăm người đến đây. Còn cuối tuần, số khách tham quan lên tới cả hàng ngàn người. Tận mắt thưởng lãm, du khách sẽ không khỏi choáng ngợp bởi vẻ đẹp của vườn cà đang mùa sai quả. Từng cây cà được xếp hàng thẳng tắp, hai bên là những cành cà chua sai trĩu quả.

Vườn cà chua Nova của anh Tuấn Anh tại TP Tây Ninh đang thu hút hàng ngàn khách tham quan đam mê du lịch sinh thái tới mỗi cuối tuần. Ảnh: Lê Bình.

Vườn cà chua Nova của anh Tuấn Anh tại TP Tây Ninh đang thu hút hàng ngàn khách tham quan đam mê du lịch sinh thái tới mỗi cuối tuần. Ảnh: Lê Bình.

Vườn cà chua này được anh Tuấn Anh trồng theo hình thức hữu cơ, không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào, quy trình trồng cũng được kiểm soát nghiêm ngặt phòng trừ sâu bệnh. Cà chua Nova là loại rau quả có độ dinh dưỡng gấp khoảng 6 lần cà chua thường. Đặc biệt, trong loại cà chua này có những chất chống oxy hóa và lượng vitamin C rất cao, giúp tăng sức đề kháng cho người sử dụng.

Trở lại vườn cà chua Nova lần thứ 3, chị Lê Thị Hiền (phường 4, TP Tây Ninh) vẫn giữ nguyên được sự thích thú của mình. Không chỉ được ngắm nhìn những chùm cà chua căng mọng, sum suê mà chị được ăn thỏa thích tại vườn, hái mang về.

“Đến đây mình thích nhất được trực tiếp hái những trái cà chua và thưởng thức luôn, không sâu bệnh, không thuốc hóa học thì còn gì bằng. Mình cũng khoe lên trên mạng xã hội để quảng bá về mô hình rất mới lạ này tại tỉnh nhà và được nhiều người đến ủng hộ”, chị Hiền chia sẻ.

Chỉ với 10.000 đồng tiền phí thăm vườn, khách du lịch có thể ăn cà chua Nova thỏa thích, 'sống ảo' với mô hình nhà vườn mà chưa ai nghĩ có thể xuất hiện tại Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Chỉ với 10.000 đồng tiền phí thăm vườn, khách du lịch có thể ăn cà chua Nova thỏa thích, "sống ảo" với mô hình nhà vườn mà chưa ai nghĩ có thể xuất hiện tại Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Còn đối với cô Mai Thị Kim Yến (TP Tây Ninh) thì vườn cà chua này khiến cô liên tưởng tới không khí mát lạnh của Đà Lạt. Không cần đi quá xa, chỉ cách nhà vài km cũng giúp cô tận hưởng được không gian và những trái rau quả sạch.

“Phải nói cà chua ở đây rất sạch, quá là ngon và đẹp mắt nữa. Chỉ tốn 10.000 đồng phí vào vườn, mình thích ăn bao nhiêu cũng được. So với vườn ở Đà Lạt thì tôi vẫn thích ở đây hơn”, cô Yến thích thú chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Tuấn Anh - chủ vườn cà chua Nova, trong một lần đi Đắk Lắk, anh có tham quan một vườn cà trái cây Nova và lập tức bị mê hoặc. Anh tạm bỏ nghề điện và về quê để quay qua nghề nông trồng cà chua.

Theo tìm hiểu của anh Tuấn Anh, nghề nông hiện đại với nhà lưới và trồng theo công nghệ giống phải là giống mới, tươi sạch, ngon lành. Giống cà trái cây Nova của Đài Loan này đáp ứng những tiêu chí đó bởi chúng có năng suất cao, ngon miệng và bổ dưỡng như một loại trái cây. Anh quyết định đầu tư xây dựng một nhà lưới rộng 1.000m2 để trồng loại cà chua này.

Thế nhưng, để trồng loại cây thích hợp với môi trường xứ lạnh như cà chua Nova tại vùng đất nổi tiếng với nắng gió Tây Ninh là điều không dễ dàng. Có thể tạo nên một vườn cà đẹp như tranh cho du khách tham quan, anh Tuấn Anh đã phải trải qua nhiều khó khăn bởi cà chua Nova rất “đỏng đảnh” và khó canh tác. Quy trình chăm sóc khá vất vả vì cây rất dễ nhiễm bệnh, rụng bông, héo đọt khi nhiệt độ tăng cao.

Cà chua Nova rất 'đỏng đảnh' và khó canh tác nên để thành công như ngày hôm nay, anh Tuấn Anh đã phải nghiên cứu kĩ lương và rất vất vả khi trồng cấy. Ảnh: Lê Bình.

Cà chua Nova rất “đỏng đảnh” và khó canh tác nên để thành công như ngày hôm nay, anh Tuấn Anh đã phải nghiên cứu kĩ lương và rất vất vả khi trồng cấy. Ảnh: Lê Bình.

“Hiện ở vườn mình thì hoàn toàn là không sử dụng thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng phân chuyên biệt cho cây thủy canh”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Sau hai tháng chăm sóc, vườn cà trái cây Nova được anh Tuấn Anh trồng trong nhà lưới diện tích khoảng 1.000m2, với 3.200 cây, liên tục cho thu hoạch để phục vụ khách du lịch và bỏ mối cho các siêu thị.

“Đứng về phía làm nông, mình rất là vui, tự hào. Thấy du khách bẻ trái, người nào cũng tấm tắc khen ngon, vui vẻ, tươi cười và mua về cho mọi người cùng ăn. Vui vì mình có thể cung cấp những trái cây sạch, không thuốc cho mọi người thưởng thức và được nhiều người ủng hộ. Như thế thì còn gì bằng!”, anh Tuấn Anh bày tỏ.

Với những thành công ban đầu đáng khích lệ, ông chủ vườn dự định sẽ xây dựng thêm một số vườn cà chua nữa để bán mối và thu hút thêm khách tham quan du lịch. Vậy là Tây Ninh giờ đây sẽ có thêm một nghề sản xuất nông sản mới. Cùng với đó là một sản phẩm du lịch mới - nhà vườn hiện đại.

Mê mẩn trái dâu tằm hữu cơ theo hướng chuẩn Nhật

Chúng tôi đến vườn dâu tằm Ba Phong (ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) vào đầu giờ chiều giữa trời tháng 5 oi bức. Dưới tán lá sum suê của những cây dâu tằm, nhiều du khách đang mê mẩn hái những trái dâu tằm chín mọng để “giải nhiệt” và mua về nhà.

Tự chạy xe máy hơn 10km, chị Nguyễn Thị Bích Liên (ngụ tại phường 3, TP Tây Ninh) tìm đến vườn dâu tằm Ba Phong để tận tay hái, mua những trái dâu về để ngâm cho gia đình uống trong những ngày oi bức. Chị Liên cho biết, nghe con cháu giới thiệu rất nhiều về trái dâu tằm ở đây, an tâm khi đây là sản phẩm nông sản không thuốc, không sâu bệnh…

Vườn dâu tằm hữu cơ Ba Phong rộng hơn 2ha với 1.000 gốc đang là địa chỉ thu hút khách tham quan mỗi khi đến với Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Vườn dâu tằm hữu cơ Ba Phong rộng hơn 2ha với 1.000 gốc đang là địa chỉ thu hút khách tham quan mỗi khi đến với Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

“Trái dâu tây ở đây rất ngọt, bóng và múi dâu rất to. Tôi cũng mua nhiều dâu tây ở nhiều nơi nhưng chưa khi nào được thưởng thức dâu ở đâu ngọt và trái to như ở đây. Thăm vườn miễn phí, ăn thỏa thích mà giá cả lại rất rẻ…”, chị Nguyễn Thị Bích Liên chia sẻ.

Ngoài bán trái dâu tươi, chủ vườn còn bán các sản phẩm được chế biến sẵn từ quả dâu tằm như dâu sấy, rượu dâu, mật dâu… Tất cả được sản xuất theo phương pháp thủ công, không sử dụng chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu và các chất hóa học khác.

Thăm vườn miễn phí, ăn dâu tằm thỏa thích... là những lợi ích mà khách du lịch sinh thái có được khi đến vườn dâu tằm Ba Phong. Ảnh: Lê Bình.

Thăm vườn miễn phí, ăn dâu tằm thỏa thích... là những lợi ích mà khách du lịch sinh thái có được khi đến vườn dâu tằm Ba Phong. Ảnh: Lê Bình.

Thay vì chọn những điểm du lịch biển, gia đình anh Tuyến - chị Hiền (quận 12, TP.HCM) lại chọn cách đưa 2 bé nhà mình trải nghiệm nhà vườn kết hợp với du lịch tâm linh tại Tây Ninh. Anh Tuyến chọn vườn dâu tằm Ba Phong làm điểm dừng chân trước khi cả nhà về lại TP.HCM bởi gia đình anh chị có nhiều thời gian hơn tại vườn, mang chút dâu tươi và các sản phẩm từ dâu về nhà làm quà.

“Không gì quý bằng việc để trẻ tự hái trái cây, bới đất… trải nghiệm nông nghiệp một cách chân thực. Thế nhưng, để yên tâm cho trẻ trải nghiệm thì chúng tôi phải tìm những nhà vườn theo hướng hữu cơ hoàn toàn như tại Ba Phong”, anh Tuyến tâm sự.

Đây là mô hình du lịch sinh thái, trồng dâu tằm lấy trái theo hướng hữu cơ, chuẩn Nhật Bản. Chủ mô hình là anh Nguyễn Thanh Vũ, với khao khát mang đến tay người tiêu dùng sản phẩm sạch và thay đổi cách làm về nông nghiệp, tăng giá trị lợi nhuận cho nông sản Việt.

Anh Vũ chia sẻ, gia đình đã chuyên tâm cải tạo đất từ 2 năm trước khi trồng bằng nhiều cách như tạo thảm thực vật, bón các sản phẩm hữu cơ... Tháng 11/2022, trên diện tích 2ha, gia đình anh Vũ trồng khoảng 1.000 gốc dâu tằm, kết hợp sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt để góp phần giảm công chăm sóc, chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho gia đình.

Nhờ trồng trọt theo phương pháp hữu cơ chuẩn Nhật Bản nên dâu tằm ở Ba Phong được mọi người yên tâm, yêu thích. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ trồng trọt theo phương pháp hữu cơ chuẩn Nhật Bản nên dâu tằm ở Ba Phong được mọi người yên tâm, yêu thích. Ảnh: Trần Trung.

Phương châm làm vườn của anh Vũ đối với vườn dâu Ba Phong là học theo bí quyết của người Nhật làm nông nghiệp sạch, hữu cơ - nông nghiệp bền vững.

Theo đó, vườn dâu Ba Phong không sử dụng cày, cuốc, không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không dùng phân hóa học, chỉ tập trung cải tạo đất, bón nhiều hữu cơ, dưỡng cỏ cho tốt rồi cắt cỏ làm phân, tủ gốc cây.

Hiện, bình quân mỗi ngày, gia đình anh Vũ  thu hoạch 70 - 80kg dâu tằm, giá dâu dao động khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg. Đầu ra sản phẩm chủ yếu bán sỉ cho các tiểu thương ở TP.HCM, khách tham quan vườn, doanh thu khoảng 200 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ ha/năm.

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã tổ chức nhiều đoàn tham quan cho các nông dân đến học tập kinh nghiệm trồng trọt hữu cơ tại vườn dâu tằm Ba Phong. Đây là mô hình điểm, đáng để các hộ nông dân tại Tây Ninh học tập, nhất là về phương pháp hữu cơ chuẩn nhật.

“Thành công của vườn dâu tằm Ba Phong chính là mình chứng cho việc chỗ đứng và sự bền vững của nông sản hữu cơ trong phát triển du lịch nông thôn. Bằng việc tổ chức nhiều chuyến học tập tại vườn, có thể nhiều người không chọn lựa nhân rộng mô hình dâu tằm nhưng chúng tôi kì vọng người nông dân sẽ ý thức và học được cách trồng trọt hữu cơ đầy tâm huyết này”, ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh chia sẻ.

Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã đăng ký 7 mô hình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương. 7 mô hình này được triển khai trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tại TP Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, Trảng Bàng và các huyện Gò Dầu, Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2025, trong chương trình xây dựng nông thôn mới của Tây Ninh có nhiều chuyên đề quan trọng như: Mỗi xã một sản phẩm, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh và du lịch nông thôn.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.