| Hotline: 0983.970.780

Đưa giống ST25 ra phía Bắc sản xuất tiềm ẩn nhiều rủi ro?

Thứ Ba 29/06/2021 , 10:23 (GMT+7)

Cục Trồng trọt cho rằng, việc một số đơn vị, doanh nghiệp, nông dân đưa giống lúa ST25 sản xuất ở phía Bắc khi chưa được khảo nghiệm sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thời gian qua, giống lúa ST25 đã được một số đơn vị, doanh nghiệp, HTX cũng như nông dân đưa vào sản xuất thử nghiệm tại nhiều vùng trên cả nước, nhất là các tỉnh phía Bắc. Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) liên quan tới vấn đề này.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ảnh: TĐ.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ảnh: TĐ.

Hiệu quả, năng suất, chất lượng… của giống lúa ST25 ở mỗi nơi cũng có nhiều nhận xét, đánh giá rất khác nhau, ông đánh giá triển vọng và có khuyến cáo nào cho việc đưa giống lúa này ra sản xuất tại các vùng khác ngoài vùng ĐBSCL?

Sau khi đoạt giải nhất tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2019, Bộ NN-PTNT đã ban hành quyết định công nhận giống cây trồng mới đối với giống lúa ST25 cho vùng sản xuất sản xuất ở ĐBSCL. Nghĩa là giống ST25 mới chỉ được Bộ NN-PTNT công nhận và cho phép lưu hành, trồng, sản xuất kinh doanh tại vùng ĐBSCL, chứ chưa công nhận và cho phép lưu hành, trồng, sản xuất kinh doanh tại các vùng khác tại nước ta.

Hiện tại, Luật Trồng trọt năm 2018 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Theo Luật Trồng trọt, cây trồng chính (trong có lúa) muốn được công nhận và cho phép lưu hành ở vùng nào thì phải tiến hành khảo nghiệm ở vùng đó.

Như vậy, nếu giống ST25 muốn được cấp quyết định lưu hành, trồng, sản xuất kinh doanh ở các vùng khác (ngoài vùng ĐBSCL) thì phải tiến hành khảo nghiệm trước khi được cấp quyết định lưu hành.

Thời gian qua, nhất là sau khi giống ST25 đoạt giải nhất tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới 2019, đã có hiện tượng một số đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đem giống lúa này ra sản xuất thử nghiệm trong phạm vi của đơn vị, doanh nghiệp và ở một số diện tích tại các vùng khác ngoài vùng ĐBSCL như Tây Nguyên, miền Trung, vùng ĐBSH…

Tình trạng này là chưa phù hợp với quy định của Luật Trồng trọt, vì giống ST25 chưa được tiến hành khảo nghiệm và cấp quyết định lưu hành tại các vùng khác ngoài vùng ĐBSCL.

Giống lúa ST25 sản xuất tại Kim Sơn (Ninh Bình) vụ đông xuân 2020 - 2021. Ảnh: Lê Bền.

Giống lúa ST25 sản xuất tại Kim Sơn (Ninh Bình) vụ đông xuân 2020 - 2021. Ảnh: Lê Bền.

Vậy với một số mô hình trồng thử nghiệm giống lúa ST25 tại các tỉnh phía Bắc thời gian qua, cá nhân ông đánh giá thế nào về sự phù hợp, năng suất, chất lượng gạo… của giống lúa này khi đưa ra trồng ở phía Bắc?

Như đã nói, việc một số cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp tự đưa giống lúa ST25 ra trồng thử tại một số vùng khác (ngoài vùng ĐBSCL) khi chưa được thực hiện khảo nghiệm, chưa được công nhận và cấp phép lưu hành là chưa phù hợp với Luật Trồng trọt, nên bản thân tôi chưa có cơ sở để trả lời câu hỏi này.

Tuy nhiên, điều này cũng dẫn tới rất nhiều rủi ro trong sản xuất, nhất là từ những nguồn giống không được xác định rõ về nguồn gốc, xuất xứ.

Có thể một giống lúa khi đưa ra sản xuất ở nhiều vùng sinh thái, có thể vẫn sinh trưởng phát triển bình thường, nhưng không thể phát triển tối ưu.

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, giống ST25 thích ứng, sinh trưởng phát triển tốt, cho chất lượng gạo rất tốt ở vùng tôm - lúa, vùng hơi lợ ở ĐBSCL.

Một số giống lúa thường sẽ phù hợp và phát huy hiệu quả cao nhất ở một số điều kiện sinh thái nhất định. Có những giống tính thích ứng rộng, có thể phát triển được ở rất nhiều vùng, nhưng để phát huy hiệu quả, năng suất, chất lượng, sự phù hợp tối ưu chỉ ở những vùng nhất định nào đó.

Một số vùng ven biển huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) bước đầu cho thấy sự phù hợp với giống ST25. Ảnh: Lê Bền.

Một số vùng ven biển huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) bước đầu cho thấy sự phù hợp với giống ST25. Ảnh: Lê Bền.

Có nhiều đánh giá cũng cho rằng, ngay tại vùng ĐBSCL, gạo ST25 trồng ở Sóc Trăng mới ngon, chứ không phải vùng nào cũng ngon. Ông có bình luận gì về điều này?

Một giống lúa, dù có thích ứng rộng đến đâu nhưng không thể chỗ nào cũng phát huy hết đặc tính tốt nhất của giống. Và hầu như thực tế không một giống nào có thể tập trung được tất cả đặc tính tốt nhất của một giống lúa như năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, chất lượng gạo ngon tuyệt vời, khả năng thích ứng rộng, chống chịu tốt với sâu bệnh, chống đổ ngã…

Lý thuyết chúng ta hướng tới giống lúa như thế, nhưng thực tế thì hiếm có giống lúa nào hoàn hảo, đáp ứng được mọi tiêu chí, tích hợp được tất cả những đặc tính như vậy. Đương nhiên giống ST25 cũng vậy.

Nhưng một giống lúa có gạo ngon như ST25, thiết nghĩ chúng ta cũng rất nên khuyến khích nghiên cứu, khảo nghiệm để đưa ra sản xuất trên diện rộng, thưa ông?

Vấn đề này phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của tác giả giống, của đơn vị, doanh nghiệp sở hữu bản quyền sản xuất, phân phối kinh doanh của giống ST25, xem họ có chiến lược mở rộng sản xuất, cung ứng giống đó ra phía Bắc hay các vùng khác ngoài vùng ĐBSL hay không.

Nếu đơn vị, doanh nghiệp nào đó có chiến lược muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, phân phối giống ST25 ra ngoài vùng ĐBSCL, thì phải được sự đồng ý của tác giả giống, và cần phải tiến hành quá trình đánh giá, khảo nghiệm tại các vùng khác (ngoài vùng ĐBSCL).

Trên cơ sở những kết quả khảo nghiệm, Cục Trồng trọt sẽ căn cứ vào những quy định hiện hành để đề nghị Bộ NN-PTNT cấp hoặc không cấp quyết định công nhận, cho phép lưu hành tại các vùng khác.

Xin cảm ơn ông!

Nơi hồ hởi, nơi thận trọng

Từ khi giống ST25 nổi lên sau khi đoạt giải Gạo ngon nhất Thế giới, giống lúa này không chỉ được mở rộng sản xuất tại vùng ĐBSCL mà còn được các đơn vị, doanh nghiệp, nông dân ở nhiều địa phương trên cả nước thuộc các vùng như Tây Nguyên, Trung Bộ, các tỉnh phía Bắc đưa vào sản xuất.

Vụ đông xuân 2020 - 2021, giống lúa ST25 đã được nhiều địa phương vùng ĐBSH triển khai sản xuất thử. Tại tỉnh Ninh Bình, ông Vũ Khắc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh này cho biết vụ đông xuân 2020 – 2021 là vụ thứ 3, tỉnh này đưa giống lúa ST25 vào sản xuất thử tại một số địa phương trong tỉnh với tổng diện tích khoảng 50ha.

Qua 3 vụ, đều cho thấy ST25 sinh trưởng phát triển rất tốt, chống chịu sâu bệnh, năng suất cao và chất lượng gạo rất ngon, nhất là tại các vùng đất phèn, mặn tại huyện Kim Sơn. Tại huyện Kim Sơn, theo đánh giá, năng suất giống ST25 vụ đông xuân 2020-2021 đạt khoảng 69 tạ/ha, chất lượng gạo thơm ngon. Nông dân, các HTX rất hồ hởi với giống lúa này bởi gạo ngon, được thương lái ưa chuộng mua với giá rất cao (khoảng 15.000 đồng/kg thóc).

Ông Vũ Khắc Hiếu cho biết thêm: Qua 3 vụ trồng thử, bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn gần như không xuất hiện. Nhược điểm nhất của giống là bộ lá đòng lòng mo, rậm, rất dễ bị sâu cuốn lá và rầy. Tuy nhiên đây lại là 2 loại sâu rất dễ phòng trừ nên không ngại.

ST25 tỏ ra rất hợp với chân đất phèn, hơi chua và mặn ở vùng ven biển như huyện Kim Sơn, hợp cả vụ mùa và vụ đông xuân. Nhưng nhược điểm duy nhất chỉ là thời gian sinh trưởng hơi dài, từ 130-135 ngày ở vụ đông xuân, dài hơn các giống đại trà khoảng 7 - 10 ngày…

Trong khi đó tại tỉnh Thái Bình, vụ đông xuân năm nay, giống ST25 cũng đã được thử nghiệm trồng tại một số địa phương, nhất là các vùng ven biển. Tuy nhiên theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh này, giống ST25 trồng tại Thái Bình lại cho năng suất không cao, chỉ khoảng 170 - 180 kg/sào.

Tại Nam Định, trong kế hoạch triển khai sản xuất vụ mùa 2021, Sở NN-PTNT tỉnh này đã đề nghị các huyện, thành phố quản lý chặt chẽ mô hình trình diễn giống lúa (ST24 và ST25) theo đúng quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp khi triển khai phải báo cáo, ký kết hợp đồng và chịu hoàn toàn trách nhiệm trong quá trình thực hiện.

Xem thêm
Biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn thức ăn chăn nuôi chính

Thay đổi thói quen canh tác, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã biến những phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao.

Tiêm vacxin bao vây ngăn bệnh viêm da nổi cục lây lan

Quảng Bình Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vacxin, ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò lây lan.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm