| Hotline: 0983.970.780

Dưa hấu gặp 'họa kép', vừa mất mùa, vừa mất giá

Chủ Nhật 30/07/2023 , 20:00 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Dưa hấu vụ hè năm nay ở Bình Định chẳng những mất mùa nghiêm trọng lại còn mất giá, người trồng kể như phủi tay, mất trắng cả vốn đầu tư.

“Bó tay” với bọ trĩ

Dọc con đường bê tông đi qua những cánh đồng ở khu Dương Xuân, Thái Xuân, Hòa Tây thuộc xã Nhơn Hạnh (thị xã An Nhơn, Bình Định) những ngày cuối tháng 7, bày ra trước mắt chúng tôi là hàng đống dưa hấu đã thu hoạch được phủ lên bên trên lớp rơm để che nắng, chờ xe tải đến chở đi.

Thấy tôi giương máy chụp hình, nhiều nhân công đang đợi bốc dưa than thở thay cho những chủ ruộng dưa: “Vụ này chủ dưa bể nặng anh ơi, họ bán đổ bán tháo cho thương lái rồi dỡ trại về hết rồi. Vụ này 10 người trồng thì hết 9 người lỗ đậm, 1 người may mắn lắm gỡ gạc được chút đỉnh vốn đầu tư”.

Nhân công lấy rơm phủ lên những đống dưa hấu thu hoạch xong đổ trên đường chờ xe đến chở. Ảnh: V.Đ.T.

Nhân công lấy rơm phủ lên những đống dưa hấu thu hoạch xong đổ trên đường chờ xe đến chở. Ảnh: V.Đ.T.

Dưa hấu trồng ở xã Nhơn Hạnh hầu hết là của những người chuyên du canh trồng dưa hấu đến đây thuê đất trồng, diện tích lên đến khoảng 160ha. Nếu như vào cuối tháng 5 năm nay, đi qua các cánh đồng Dương Xuân, Thái Xuân, Hòa Tây, chúng tôi thấy các chủ ruộng dưa hồ hởi làm đất, kéo bạt, chọt lỗ xuống giống thì nay trên những cánh đồng này bày ra cảnh những ruộng dưa xơ xác, trên ruộng dưa đã thu hoạch những quả dưa èo uột, “cóc ghẻ” do bị bệnh nằm lăn lóc khắp mặt ruộng chẳng ai thèm lượm.

Trên cánh đồng chỉ còn khoảng hơn 3ha dưa chưa thu hoạch nhưng nhìn hoài chẳng thấy quả, thi thoảng mới thấy vài quả dưa nằm lăn lóc bên cạnh những dây dưa héo quắt, co rúm, lá bị héo khô. Hỏi ra thì biết, dưa vụ hè năm nay ở Nhơn Hạnh hầu hết đều bị bọ trĩ gây hại làm mất năng suất nghiêm trọng.

Đã trưa, thấy người đàn ông đầu chẳng mũ nón thẫn thờ đứng nhìn ruộng dưa chưa thu hoạch của mình nằm xơ xác dưới nắng với đôi mắt buồn bã, ghé vào hỏi thăm thì được biết anh là Thái Thanh Bình (56 tuổi) ở thôn 3 xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn, Bình Định) về đây thuê 1ha đất trồng dưa.

Dưa hấu nằm lăn lóc khắp mặt ruộng ở Nhơn Hạnh (thị xã An Nhơn, Bình Định) chẳng ai thèm lượm. Ảnh: V.Đ.T.

Dưa hấu nằm lăn lóc khắp mặt ruộng ở Nhơn Hạnh (thị xã An Nhơn, Bình Định) chẳng ai thèm lượm. Ảnh: V.Đ.T.

Dắt tôi vào lán trại được dựng tạm bợ bằng tre, bạt xanh phủ lên trên làm mái che nắng và bạt bao bọc chung quanh che chắn gió, anh Bình rầu rĩ kể: Bình đã có 20 năm làm nghề trồng dưa hấu du canh, bước chân anh đã “dậm nát” đất các tỉnh Tây Nguyên, Phú Yên để thuê đất trồng dưa.

Vụ hè năm nay, nghe bạn bè kháo nhau vùng đất Nhơn Hạnh rất phù hợp với cây dưa hấu nên anh về đây thuê 1ha đất với giá 44 triệu đồng/vụ để thử vận trên đất Bình Định quê nhà. Không ngờ đầu vụ trời ít mưa, nắng gắt kéo dài khiến bọ trĩ phát sinh gây hại nên cây dưa bị “rút” không phát triển nổi, thậm chí không cho quả, nếu nhánh nào cho quả thì quả cũng èo uột, nứt nẻ, “mụn cóc” đầy da…

“Giá thuê đất ở Nhơn Hạnh đắt hơn ở Tây Nguyên, đến 44 triệu đồng/ha/vụ (2 tháng rưỡi). Vụ này cây dưa mới ra 2 lá thì đã bị bọ trĩ phát sinh gây hại. Khi cây dưa lớn, bọ trĩ đã xâm nhập nặng, không còn cứu vãn được, mỗi ngày bơm thuốc tiền triệu mà không thể diệt được bọ trĩ.

Bọ trĩ ăn cây dưa đến khô lá, cháy dây, khi ấy cây dưa đã hết sức nên không còn hấp thụ được phân để sinh trưởng. Phân vãi vào luống để nuôi cây mà cây không “ăn” được nên phân xì lên trắng cả dây dưa. Khi cây dưa đã bị nhiễm bọ trĩ, nếu nhánh nào cho quả thì quả cũng nhỏ tí, èo uột, cóc ghẻ đầy da”, anh Thái Thanh Bình buồn bã chia sẻ.

1 vụ dưa mất đứt 18 con bò lai

Theo tính toán của anh Bình, vụ dưa hè năm nay anh đầu tư tất tần tật từ công làm đất đến mua giống, chi phí phân bón, thuốc BVTV, thuê công chăm sóc cho cây dưa… hết 7 triệu đồng/sào (500m2/sào), vị chi là 140 triệu đồng/ha. 

Anh Thái Thanh Bình thẫn thờ đứng nhìn ruộng dưa chưa thu hoạch của mình nằm xơ xác dưới nắng với đôi mắt buồn bã. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Thái Thanh Bình thẫn thờ đứng nhìn ruộng dưa chưa thu hoạch của mình nằm xơ xác dưới nắng với đôi mắt buồn bã. Ảnh: V.Đ.T.

Đó là mức đầu tư khi cây dưa đã bị bệnh, không hấp thụ được phân nên lượng phân bón giảm xuống. Nếu cây dưa khỏe mạnh, hấp thụ phân tốt, mức đầu tư sẽ khoảng 8 - 9 triệu đồng/sào. Mức đầu tư cao nhưng nếu cây dưa cho năng suất cao, quả có trọng lượng lớn thì người trồng có lãi nhiều. Tuy nhiên vụ này thì ngược lại, dưa mất mùa nặng.

Theo anh Bình, 1ha dưa của anh trong vụ hè thu này năng suất đạt cao nhất cũng chỉ 12 tấn. Trong khi nếu cây dưa không bị bọ trĩ gây hại, 1ha dưa bình quân có thể cho năng suất 45 - 50 tấn. Vụ này dưa trên 2kg/quả được thương lái mua 2.200đ/kg, loại dưới 2kg/quả thương lái không mua, chủ ruộng bỏ đầy đồng.

Anh Bình ca thán: Ruộng dưa của anh mới được thương lái ứng trước 5 triệu đồng, cắt được bao nhiêu tính bấy nhiêu. Nếu khi cắt mà quả dưới 2kg nhiều thì chắc chắn thương lái sẽ không mua, chỉ mua loại từ 2kg/quả trở lên, 1ha dưa thu vào chưa chắc đủ trả tiền cắt, vận chuyển dưa lên đổ đống trên đường và chất dưa lên xe.

Khi cây dưa hấu đã bị bệnh bọ trĩ, nhánh nào cho quả thì quả cũng èo uột không bán được. Ảnh: V.Đ.T.

Khi cây dưa hấu đã bị bệnh bọ trĩ, nhánh nào cho quả thì quả cũng èo uột không bán được. Ảnh: V.Đ.T.

“Thôi, bán được bao nhiêu mừng bấy nhiêu chứ để dưa trên ruộng thêm vài hôm nữa thương lái không mua có khi trắng tay. 1ha dưa hấu của tôi vụ này bị lỗ ít nhất cũng hơn 180 triệu đồng cả tiền thuê đất và chi phí đầu tư. Đó là chưa kể cả 2 vợ chồng và đứa con trai lớn của tôi hàng ngày phải đội nắng suốt 2 tháng rưỡi để chăm sóc dưa, đêm về sống dật dựa trong lán trại tạm bợ. Đóng cái giếng mất 1,2 triệu đồng mà mạch nước ngầm bị ô nhiễm, hôi thối quá, đến cả tắm cũng không được, gia đình tôi phải tắm nước mương bẩn ơi là bẩn mà cũng phải tắm”, anh Bình nói như khóc.

Ở huyện Phù Mỹ (Bình Định), dù vụ hè này cây dưa không bị bọ trĩ như dưa trồng ở Nhơn Hạnh, nhưng năng suất vẫn thấp vì thời tiết bất thuận, chỉ từ 800kg - 1 tấn/sào. Giá dưa ở Phù Mỹ tuy có cao hơn dưa ở Nhơn Hạnh, nhưng cũng chỉ từ 3.500 - 4.200đ/kg, trong khi vụ hè năm ngoái dưa hấu ở đây có giá từ 9.000 - 12.000đ/kg. Người trồng dưa ở Phù Mỹ vụ này kể như công cốc, chẳng cầm được đồng lãi nào, nhiều hộ còn lỗ vốn.

Ruộng dưa có diện tích 1ha của anh Thái Thanh Bình thi thoảng mới thấy vài quả dưa nằm lăn lóc bên cạnh những dây dưa héo quắt. Ảnh: V.Đ.T.

Ruộng dưa có diện tích 1ha của anh Thái Thanh Bình thi thoảng mới thấy vài quả dưa nằm lăn lóc bên cạnh những dây dưa héo quắt. Ảnh: V.Đ.T.

Tại xã Mỹ Phong, vùng chuyên canh dưa hấu của huyện Phù Mỹ hiện có 78ha dưa hấu đang giai đoạn thu hoạch, tập trung nhiều nhất ở thôn Văn Trường Đông và thôn Văn Trường. Dưa hấu ở đây bắt đầu thu hoạch khoảng gần nửa tháng nay, giá dưa chỉ bằng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Dưa hấu vụ hè thu năm nay năng suất không bằng mọi năm, hầu hết chỉ đạt khoảng 800kg - 1 tấn/sào, giảm tới 40% so với năm ngoái. Năm nay tôi trồng 4 sào dưa, may mắn là dưa đạt năng suất tốt, trái đều và đẹp với trọng lượng bình quân 4 - 5kg/quả, đạt 1,5 tấn/sào. May hơn nữa khi ruộng dưa tôi thu hoạch giá nhỉnh lên được 4.200đ/kg (trước đó chỉ nằm ở mức 3.500 - 3.800đ/kg) nên tôi cũng thu hồi được vốn đầu tư”, ông Nguyễn Văn Đắng ở thôn Văn Trường Đông cho hay.

Thương lái chỉ chọn mua những quả dưa hấu từ 2kg/quả trở lên. Ảnh: V.Đ.T.

Thương lái chỉ chọn mua những quả dưa hấu từ 2kg/quả trở lên. Ảnh: V.Đ.T.

Bà Nguyễn Thị Nga, thương lái chuyên thu mua dưa hấu ở xã Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ) cho hay: “Cùng thời điểm, năm ngoái tôi thu mua dưa với giá từ 9.000 - 13.000đ/kg, năm nay từ đầu vụ đến giờ tôi chỉ mua với giá từ 3.500 - 4.500đ/kg tùy chất lượng. Giá dưa thấp chủ yếu do việc xuất đi Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, còn thị trường trong nước thì dưa phải đẹp thì mới dễ bán”.

“Vụ này tiền thuê đất, tiền cày, tiền đầu tư cho 1ha dưa của tôi hết hơn 180 triệu đồng, dưa mất trắng thì kể như gia đình tôi mất đứt 18 con bò lai, vì bò lai hiện có giá chỉ khoảng 10 triệu đồng/con. 2 năm dịch Covid-19, gia đình tôi mất trắng 4 vụ dưa liền, đi tong hơn 1 tỷ đồng, mới gượng lại được vài vụ thì vụ này lại thua lỗ, làm dưa như đánh bạc, thua thắng thất thường”, anh Thái Thanh Bình than thở.

Xem thêm
Kon Tum ưu tiên thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao

Tỉnh Kon Tum chú trọng thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao, quy trình khép kín từ khâu sản xuất, con giống đến chế biến, phân phối sản phẩm ra thị trường.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.