Đưa nghiên cứu ra khỏi "ngăn kéo"
Tại buổi làm việc với chuyên gia sáng 17/1, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng công nghệ viễn thám phục vụ ngành nông nghiệp, nông thôn sẽ là một trong những đề tài cần chú ý nghiên cứu triển khai trong năm 2024.
Ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, Viện đã phối hợp với đơn vị chức năng thuộc Bộ NN-PTNT trong nhiều đề tài, dự án nghiên cứu về công nghệ viễn thám. Đây cũng là đề tài được Viện nghiên cứu triển khai từ cách đây khoảng 20 - 30 năm. Theo ông Tuấn Anh, việc phóng vệ tinh phục vụ viễn thám là một nội dung vô cùng quan trọng trong việc xây dựng chiến lược và xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam theo nhiệm vụ của Viện Hàn lâm.
TS Vũ Anh Tuân, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thông tin, Bộ NN-PTNT là một trong những đơn vị ứng dụng công nghệ viễn thám sớm nhất, tuy nhiên đến nay việc áp dụng, phát triển viễn thám ở các lĩnh vực khác đang có sự nổi trội hơn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
“Chúng tôi mong muốn có thể cung cấp sự khớp nối giữa năng lực của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và nhu cầu của Bộ NN-PTNT để đưa ra những đề xuất công việc cụ thể, đem lại hiệu quả rõ ràng”, ông Tuân cho biết.
“Hình ảnh vệ tinh, viễn thám sẽ là sức mạnh để hình thành tư duy, ý tưởng sáng kiến khi nhìn trực quan, thay vì những số liệu trên giấy cố định. Một lưu vực sông có công nghệ viễn thám sẽ giúp hình dung ra toàn bộ cuộc sống của cư dân tại lưu vực sông này thay vì chỉ gói gọn trong cảnh báo phòng chống thiên tai như hiện nay”, Bộ trưởng gợi mở vấn đề.
Tại Việt Nam hiện có 2 chiến lược chi phối các hoạt động liên quan đến ứng dụng viễn thám là Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Chiến lược nêu rõ các mục tiêu ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám trên mọi lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa, đưa trình độ viễn thám của Việt Nam lên tầm quốc tế… và Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030.
Hiện Việt Nam đang làm chủ 2 vệ tinh viễn thám VNREDSat-1, hoạt động từ 2013. Vệ tinh này do Viện Hàn lâm và Công nghệ Việt Nam vận hành đã hoạt động được hơn 10 năm với tuổi thọ thiết kế chỉ 5 năm nên tiến tới cần được thay thế. Dự kiến cuối năm 2024, đầu năm 2025, vệ tinh LOTUSat-1 dự kiến sẽ đưa lên quỹ đạo với công nghệ chụp ảnh xa, xuyên qua mây, có khả năng theo dõi thiên tai, lũ lụt tốt.
Theo lộ trình phát triển vệ tinh Việt Nam, vệ tinh LOTUSat-1 khi đi vào hoạt động sẽ được xin cơ chế miễn phí cung cấp ảnh vệ tinh cho các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, để vệ tinh tăng tần suất quan sát và chụp ảnh thường xuyên trên lãnh thổ Việt Nam, phía Viện sẽ làm việc để trao đổi ảnh giữa các vệ tinh với các nước bạn.
Hiện nay, ứng dụng viễn thám trong ngành nông nghiệp được triển khai phổ biến trong điều tra quy hoạch rừng (được ứng dụng từ cách đây 40 năm); thành lập bản đồ cây trồng (bản đồ lúa, bản đồ các loại cây trồng khác); dự báo sản lượng; theo dõi và dự báo hạn hán; theo dõi diện tích nuôi trồng thủy sản; các ứng dụng liên quan đến theo dõi, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu như: lũ lụt, sạt lở đất, thiệt hại do thiên tai, phát thải khí nhà kính, sạt lở bờ biển, quản lý tài nguyên nước, chất lượng nước…
Theo lãnh đạo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, một quá trình hình thành nghiên cứu của Viện Hàn lâm đã khá hoàn chỉnh từ thực hiện nghiên cứu, mô hình hóa, thuật toán, sau đó đưa ra các sản phẩm như theo dõi năng suất lúa, cây trồng, cảnh báo mất rừng. Từ đó, phối hợp với Bộ NN-PTNT xây dựng các hệ thống cho các lĩnh vực, chỉ số phát triển rừng, hoặc chỉ số carbon, chỉ số sinh khối… Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu hiện “vẫn nằm trong ngăn kéo”, để đưa các nghiên cứu ra ứng dụng, người nghiên cứu cần bắt đầu và đồng hành cùng người sử dụng để đi đến cuối cùng. Đây cũng là gợi ý hợp tác giữa hai bên từ Viện Hàn lâm.
Cần kế hoạch thực hiện công nghệ viễn thám trong nông nghiệp
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết về mặt pháp lý, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 149 Phê duyệt Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, trong đó Bộ NN-PTNT được giao 6 nhiệm vụ song Bộ chưa có kế hoạch thực hiện chiến lược.
Từ năm 2015, Bộ NN-PTNT đã có Quyết định 3738 về ứng dụng công nghệ viễn thám trong chỉ đạo sản xuất, điều hành… và đề án đính kèm nhưng sự triển khai còn nhỏ lẻ.
Như vậy, Thứ trưởng đề nghị Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường sớm lập kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về ứng dụng công nghệ viễn thám theo Quyết định của Thủ tướng. Trong đó 6 lĩnh vực giao cho Bộ NN-PTNT cần được cụ thể hóa trong kế hoạch.
Ứng dụng công nghệ viễn thám là nội dung quan trọng, một công cụ cho chỉ đạo điều hành và chuyển đổi số. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Trung tâm Chuyển đổi số (Bộ NN-PTNT) đưa nội dung ứng dụng viễn thám vào giao ban thường xuyên.
Thứ trưởng cho rằng cần có chỉ đạo để Bộ NN-PTNT và Viện Hàn lâm phối hợp cùng thực hiện các nội dung làm việc liên quan đến ứng dụng viễn thám trong nông nghiệp.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng ứng dụng viễn thám chính là câu chuyện mở đường hợp tác giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Khoa học và Công nghệ, từ đó thay đổi quản trị, điều hành của Bộ từ việc ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học.
“Chúng ta cần xem bà con nông dân cần gì vì cuối cùng công nghệ được triển khai tới tận đồng ruộng, phục vụ nông dân”, Bộ trưởng trăn trở.
Việc tận dụng sức mạnh công nghệ cũng giúp ngành nông nghiệp vượt qua sự mù mờ về dữ liệu, quản trị điều hành. Bộ trưởng đề nghị tư duy của mỗi ngành, lĩnh vực của Cục, vụ, đơn vị tư vấn… thuộc Bộ cần phải thay đổi sang tư duy số, tư duy công nghệ trong đó có công nghệ viễn thám trong một số lĩnh vực.
Bên cạnh đó, cần có tư duy tích hợp đa ngành trong phối hợp trong lĩnh vực viễn thám để triển khai và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu được cung cấp.