Dừa xiêm ngọt lịm trên xứ cát
Huyện Phù Cát, địa phương được mệnh danh là “xứ cát” của tỉnh Bình Định trước đây chẳng có tên tuổi gì trên bản đồ cây ăn quả của đất võ. Vào khoảng thập niên 80 của thế kỷ 20, cây ăn quả trên đất Phù Cát có chăng cũng chỉ là những cây điều và dừa ta chẳng cho hiệu quả gì. Từ khi hệ thống kênh tưới của đập dâng Văn Phong đưa nước về xứ cát, nông dân ở đây đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để khai thác tiềm năng của đất. Những diện tích điều và dừa ta già cỗi được thay thế bằng dừa xiêm và xoài cát.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, toàn huyện này hiện có khoảng 1.188ha dừa xiêm, tập trung ở các xã Cát Hiệp, Cát Trinh, Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Hanh, Cát Tân và Cát Khánh. Sở dĩ nông dân Phù Cát chọn cây dừa xiêm để gửi gắm niềm tin là vì loại cây này dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, không kén đất, cả những vùng đất cát ven biển cây dừa xiêm vẫn “đẻ ra tiền”.
Ở Phù Cát, hầu như nhà nào cũng trồng dừa xiêm, nhà ít vài chục cây, nhiều đến vài trăm cây. Thực tế cho thấy, dừa xiêm là loại cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tiềm lực kinh tế của nhiều hộ nông dân. Dừa xiêm trên đất cát cho nước có độ ngọt cao, thơm, được nhiều thị trường ưa chuộng.
Mỗi ha có thể trồng 300 cây dừa xiêm, 4 năm sau khi trồng cây dừa xiêm sẽ cho quả. Dừa xiêm 5 - 6 năm tuổi mỗi năm cho khoảng 100 - 120 quả/cây. Dừa xiêm ở Phù Cát luôn có giá ổn định, vào mùa nắng nhu cầu giải khát tăng cao thì dừa xiêm đứng giá 10.000 - 12.000đ/quả, mùa mưa giá dẫu có hạ nhưng vẫn đứng mức 7.000đ/quả.
Riêng dịp Tết Nguyên đán, dừa xiêm được bán theo buồng để chưng bàn thờ tổ tiên thì giá còn cao hơn. Theo tính toán của nông dân Phù Cát, mỗi cây dừa xiêm cho lãi khoảng 1 triệu đồng/năm. Một số người am hiểu kỹ thuật, thu dừa khô làm giống còn có thu nhập cao hơn, bởi dừa giống có giá đến 60.000 đồng/quả.
“Để lấy ngắn nuôi dài, mấy năm đầu dừa chưa khép tán, chưa cho quả thì mình trồng xen đậu phộng (lạc), mì, rau màu dưới tán dừa để có thu nhập. Phân bón cho đậu phộng, mì và rau màu cây dừa cũng được ăn theo nên phát triển rất tốt. Khi dừa được 4 năm tuổi, bắt đầu cho thu hoạch là chủ nhà vườn bắt đầu rủng rỉnh tiền. Trồng dừa cũng không lo đầu ra, thương lái đến tận vườn mua gom”, nông dân Nguyễn Văn Yên, chủ vườn dừa ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh (huyện Phù Cát) chia sẻ.
Cây dừa xiêm trồng trên đất cát ven biển còn cho hiệu quả bất ngờ hơn. Theo kinh nghiệm của nông dân Nguyễn Công Tại ở thôn An Quang Tây (xã Cát Khánh), cây dừa xiêm trồng trên đất cát ven biển chỉ khó trong giai đoạn đầu, khi cây đã bắt rễ thì cũng phát triển như trồng trên những chân đất khác.
Đặc biệt, dừa xiêm trồng trên đất cát ven biển quả cho nước có vị ngọt đậm, rất đặc trưng. “Tôi trồng 100 cây dừa xiêm từ năm 2012 - 2013, đến năm 2017 thì có thu hoạch, ngay lứa đầu bình quân mỗi cây đã được khoảng 100 quả. Mỗi năm 100 cây dừa xiêm cho gia đình tôi thu nhập hơn 100 triệu đồng”, ông Tại chia sẻ.
Theo ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, dừa xiêm là loại cây trồng không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật chăm sóc lại rộng đầu ra, giá cả ổn định nên mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn, diện tích dừa xiêm trên địa bàn huyện đã tăng đến gần 1.200ha.
Chuẩn hóa những cây ăn quả chủ lực
Sau dừa xiêm, xoài cát cũng là cây ăn quả chủ lực của huyện Phù Cát, hiện diện tích xoài cát trên địa bàn huyện này đã có được 208ha, tập trung chủ yếu ở xã Cát Hanh.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cát Hanh cho biết, xã đang có diện tích trồng xoài tập trung đến hơn 100ha, trong đó hầu hết đã cho kinh doanh. Địa phương phát triển cây xoài cát đầu tiên ở xã Cát Hanh là thôn Tân Hóa Nam.
“Cây xoài cát Hòa Lộc mang về từ miền Nam về rất phù hợp với đất cát nên mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con thấy vậy phá hết những diện tích trồng dừa ta trước đây cho hiệu quả kém để mở rộng diện tích trồng xoài. Cây xoài nhanh chóng phủ kín những diện tích đất vườn trên địa bàn toàn xã, hiện nay đã có trên 100ha”, ông Thanh cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc (sinh năm 1955) đang sở hữu 800 gốc xoài cát trồng trên diện tích 4ha ở thôn Tân Hóa Nam, trong đó có hơn 300 gốc đã được được 21 năm tuổi và gần 500 gốc được 13 năm tuổi. Với 800 gốc xoài cát cao niên, mỗi năm ước tính ông Ngọc thu hoạch trên 40 tấn quả. Năm được giá, xoài loại 1 được thương lái đến tận vườn mua với giá 22.000đ/kg, xoài loại 2 mua 12.000đ/kg, bình quân giá xoài khoảng 15.000đ/kg.
Với hơn 40 tấn xoài, mỗi năm ông Ngọc ước tính có thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Trừ các loại chi phí từ thuê công tỉa cành, phân bón, thuốc BVTV mất khoảng 100 triệu đồng thì ông còn lãi ròng được 500 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, địa phương này xác định 2 loại cây ăn quả chủ lực là dừa xiêm và xoài cát để đầu tư phát triển theo hướng hàng hóa. Do vậy, những năm qua, ngành nông nghiệp Phù Cát phối hợp với các địa phương đã rà soát diện tích sản xuất của 2 cây trồng này, lập quy hoạch và định hướng người dân đầu tư thâm canh, phát triển đồng bộ theo quy trình canh tác để đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng.
Năm 2021, UBND tỉnh Bình Định đã cho phép huyện Phù Cát sử dụng địa danh “Phù Cát - Bình Định” đăng ký nhãn hiệu “xoài cát Phù Cát”. Đến nay, có khoảng 40ha xoài tập trung của Phù Cát đã được cấp chứng nhận VietGAP.
Giai đoạn 2023 - 2025, huyện Phù Cát đăng ký sản xuất thêm 110ha xoài hợp chuẩn VietGAP tập trung ở các xã Cát Hanh, Cát Hiệp và Cát Lâm, riêng trong năm 2023 sẽ trồng 60ha, đồng thời đề xuất hướng dẫn cấp mã số vùng trồng cho 25ha.
Cũng giai đoạn này, Phù Cát sẽ trồng thêm khoảng 100ha dừa xiêm, riêng trong năm 2023 tăng 50ha và 2 năm 2024 - 2025 tăng thêm 50ha. Toàn bộ diện tích dừa xiêm trồng mới này sẽ được điều chỉnh sản xuất theo một quy trình để triển khai đồng bộ.
Cũng theo ông Lê, huyện Phù Cát đã xây dựng mô hình khuyến nông thâm canh dừa xiêm thời kỳ cho quả theo hướng hữu cơ với quy mô diện tích 1,2ha ở xã Cát Hiệp; chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân có nhu cầu để nhân rộng.
Khi đã chuẩn hóa quy trình và chất lượng sản phẩm, Phù Cát sẽ tiếp tục hỗ trợ để xây dựng và đăng ký sản phẩm OCOP, đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm xoài, dừa xiêm của địa phương. Đẩy mạnh quảng bá nông sản chủ lực qua các kênh tiêu thụ, kết nối với Sở Công thương Bình Định để mở rộng thị trường.
“Trong vụ đông xuân 2022 - 2023, huyện Phù Cát đã tổ chức tập huấn về kỹ thuật canh tác và chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là diện tích trồng cây ăn quả kết hợp cấp mã số vùng trồng”, ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát cho hay.
“Trong năm 2023, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định sẽ hướng dẫn canh tác và chứng nhận VietGAP cho 110ha cây ăn quả, trong đó có 50ha bưởi ở huyện Hoài Ân và 60ha xoài ở huyện Phù Cát; chứng nhận hữu cơ cho 100ha dừa xiêm, trong đó huyện Hoài Ân 50ha và huyện Phù Cát 50ha.
Toàn bộ diện tích được chuẩn hóa này được cấp mã số vùng trồng, thực hiện truy xuất nguồn gốc và đề nghị công nhận sản phẩm OCOP”, ông Lê Hoài Lam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định chia sẻ.