| Hotline: 0983.970.780

Đà tiến mới của vựa cây ăn quả Sơn La

Thứ Tư 23/03/2022 , 08:05 (GMT+7)

Cây chanh leo sau thời gian bị dịch bệnh đang được khôi phục, xoài đang phát triển mạnh mẽ để phục vụ chế biến, trong khi dứa là cây ăn quả mới nhiều kỳ vọng.

Chanh leo "sống lại" sau dịch bệnh

Trở lại Sơn La những ngày đầu năm 2022, đúng thời điểm người dân khắp các huyện nô nức xuống giống lứa chanh leo mới sau thời gian dài cho đất tạm nghỉ do sự bùng phát dịch bệnh trên cây chanh leo từ những năm trước. Không khí vui tươi, hồ hởi là điều dễ dàng nhận thấy trên gương mặt của những người dân nơi đây.

Theo anh Lường Văn Chiến, bản Nhất Bó Lạnh, xã Chiềng Sung (Mai Sơn), năm nay được xem là năm khởi động làm 'sống lại' những diện tích chanh leo sau chu kỳ bị dịch bệnh tàn phá. Ảnh: Trung Quân.

Theo anh Lường Văn Chiến, bản Nhất Bó Lạnh, xã Chiềng Sung (Mai Sơn), năm nay được xem là năm khởi động làm “sống lại” những diện tích chanh leo sau chu kỳ bị dịch bệnh tàn phá. Ảnh: Trung Quân.

Anh Lường Văn Chiến, bản Nhất Bó Lạnh, xã Chiềng Sung (Mai Sơn), một trong những người trồng chanh leo từ những ngày đầu chia sẻ: Sở dĩ người dân phải cho đất tạm nghỉ hoặc chuyển sang trồng cây khác trước khi trở lại với cây chanh leo là do từ năm 2019 dịch bệnh bùng phát trên loại cây này.

Ban đầu, không ai biết đó là bệnh gì (người dân gọi là bệnh phấn trắng), chỉ thấy một số gốc chanh leo có biểu hiện như xoăn lá, quả sần sùi teo tóp, cây chột dần..., mãi sau này mới biết đấy là bệnh virus hóa bần. Căn bệnh đó nhanh chóng lan nhanh ra hầu hết các diện tích trồng chanh leo mà đến hiện tại vẫn không có loại thuốc nào trị dứt điểm được.

Cũng theo anh Chiến, năm nay được xem là năm khởi động làm “sống lại” những diện tích chanh leo sau một thời gian dài bị dịch bệnh tàn phá. Rút kinh nghiệm từ bài học xương máu trước đây, lứa chanh leo mới này, người dân tỏ ra rất cẩn trọng từ khâu giống, xử lý đất canh tác, đến chăm sóc…

“Những diện tích chanh leo bị nhiễm bệnh, hết chu kỳ khai thác được chặt bỏ, đất trồng được dọn cỏ sạch sẽ, dùng vôi bột xử lý mầm bệnh. Một số hộ để đất nghỉ hoàn toàn, nhưng hầu hết đều chuyển sang trồng ngô, rau... trong vòng 1 - 2 năm, vừa để cắt đứt mầm bệnh, vừa có thêm thu nhập trong thời gian đợi lứa chanh leo tiếp theo”, anh Chiến cho hay.

Người dân bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập (Mộc Châu) liên tục thăm vườn chanh leo mới trồng, những cây có biểu hiện bệnh sẽ được ngắt bỏ, trồng thay thế. Ảnh: Trung Quân.

Người dân bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập (Mộc Châu) liên tục thăm vườn chanh leo mới trồng, những cây có biểu hiện bệnh sẽ được ngắt bỏ, trồng thay thế. Ảnh: Trung Quân.

Bên cạnh đó, những diện tích đất mới có thể trồng chanh leo đều được các hộ tận dụng tối đa, riêng gia đình anh Chiến vừa trồng mới 130 gốc, hiện đang sinh trưởng và phát triển rất tốt, dự kiến tháng 6 tới sẽ bắt đầu thu hoạch.

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn cây giống chất lượng, anh cũng như nhiều hộ trong xã đã “nói không” với cây giống trôi nổi, trực tiếp mua cây giống từ đại lý chính thức của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc (Nafoods Tây Bắc) đóng tại địa bàn huyện Mai Sơn. Đây là những giống chanh leo đã được Bộ NN-PTNT công nhận và cho phép sản xuất chính thức tại Việt Nam. Mặc dù mức giá bán 27.000 đồng/cây, cao hơn so với một số đơn vị cung cấp trên thị trường nhưng hoàn toàn an tâm về chất lượng.

Tại huyện Mộc Châu, người dân các xã Lóng Sập, Trường Sơn... cũng đang tất bật xuống giống vụ chanh leo mới.

Ông Tráng A Tủa, Trưởng bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập (Mộc Châu) cho biết: Hiện tại, diện tích trồng chanh leo của cả bản là 40 ha, trong đó có 30 ha là người dân trồng mới vào tháng 2/2022.

Theo ông Tủa, chanh leo là cây trồng hợp với chân đất đồi, dễ trồng, ít công chăm sóc, không yêu cầu quá cao về mẫu mã, hình thức vì được Nafoods Tây Bắc thu mua về chế biến. Việc trồng chanh leo mang lại lợi nhuận cho người dân trung bình từ 120 - 140 triệu/ha, cao hơn 3 - 4 lần so với trồng ngô, sắn...

Sau giai đoạn dài bị dịch bệnh, người dân Sơn La hiện đã rút ra nhiều bài học xương máu, nhất là khâu chọn giống đảm bảo chất lượng. Ảnh: Trung Quân.

Sau giai đoạn dài bị dịch bệnh, người dân Sơn La hiện đã rút ra nhiều bài học xương máu, nhất là khâu chọn giống đảm bảo chất lượng. Ảnh: Trung Quân.

Để tránh rơi vào “vết xe đổ” trước đây, lứa chanh leo mới này, lãnh đạo bản Phiêng Cài đã trực tiếp xuống nhà máy Nafoods Tây Bắc mua cây giống chất lượng về cung cấp cho người dân.

Tuy nhiên, điều ông Tủa vẫn trăn trở là hiện nay không khó để người dân có thể mua được cây giống chanh leo trôi nổi thông qua mạng xã hội với đủ mức giá khác nhau cùng cam kết về chất lượng, kèm theo hậu mãi không kém những công ty có danh tiếng, còn chất lượng thực sự thì phải đợi cây lớn lên mới có thể đánh giá được.

“Còn cây giống không rõ nguồn gốc là vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại, trong khi giá các loại vật tư làm giàn, phân bón, cải tạo đất... đều tăng, vì vậy nếu không cẩn thận sẽ lại bùng phát dịch bệnh như trước đây”, ông Tráng A Tủa, Trưởng bản Phiêng Cài lo lắng.

Kỳ vọng cây dứa

Ngoài cây chanh leo, thời gian qua, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy việc liên kết phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, chế biến. Trong đó, phải kể đến việc liên kết phát triển vùng nguyên liệu xoài, dứa cung cấp cho Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco).

Vùng nguyên liệu dứa của Doveco tại xã Chiềng Sung (Mai Sơn, Sơn La) đã bắt đầu ra quả non, kỳ vọng sẽ cho kết quả tốt ngay vụ thu hoạch đầu tiên tại đất Sơn La. Ảnh: Trung Quân.

Vùng nguyên liệu dứa của Doveco tại xã Chiềng Sung (Mai Sơn, Sơn La) đã bắt đầu ra quả non, kỳ vọng sẽ cho kết quả tốt ngay vụ thu hoạch đầu tiên tại đất Sơn La. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Doveco Chi nhánh Sơn La thông tin: Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La khởi công xây dựng vào tháng 9/2020, dự kiến đến tháng 5/2022 sẽ đi vào hoạt động với công suất 52.000 tấn sản phẩm, tương đương 300 - 350.000 tấn nguyên liệu các loại/năm.

Hiện tại, Công ty đã phát triển liên kết với các HTX xây dựng được vùng nguyên liệu với 270 ha dứa, 140 ha chanh leo, 200 ha ngô ngọt, đậu tương… Đặc biệt, dứa là loại cây còn khá mới mẻ với người dân tại Sơn La nên khi tham gia liên kết sản xuất với các đơn vị tại tỉnh này, Công ty sẽ cung cấp cây giống, cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm…

Anh Tòng Văn Toản, Giám đốc HTX Toản Duyên, bản Phổng, xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp, Sơn La) cho biết: HTX liên kết trồng 27 ha dứa nguyên liệu cho Doveco từ tháng 5/2021. Hiện tại, toàn bộ diện tích dứa đều sinh trưởng và phát triển rất tốt, hiện đã ra quả non, dự kiến cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022 sẽ cho thu hoạch với năng suất dự kiến khoảng 40 tấn/ha. 

Doveco đã có cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá tối thiểu 4.800 đồng/kg, ước tính nếu trừ chi phí đầu tư giống, phân bón, công làm đất... (khoảng 80 - 90 triệu đồng/ha), HTX có thể thu lãi từ 100 - 120 triệu đồng/ha ngay ở năm đầu tiên. Mức lợi nhuận này sẽ tăng lên cao hơn nhiều trong các năm tiếp theo do không còn phải đầu tư giống.

Dứa đang là cây ăn quả mới mang nhiều kỳ vọng cho người dân Sơn La. Ảnh: Trung Quân.

Dứa đang là cây ăn quả mới mang nhiều kỳ vọng cho người dân Sơn La. Ảnh: Trung Quân.

Vựa xoài Mai Sơn sẵn sàng vào nhà máy chế biến

Tại huyện Mai Sơn (Sơn La), vùng nguyên liệu xoài đang bước vào giai đoạn ra hoa, kết quả, sẵn sàng cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu và chế biến.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng NN-PTNT Mai Sơn cho biết: Tính đến hết năm 2021, diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt hơn 10.800 ha (chiếm 12,8% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh), sản lượng quả đạt 70.000 tấn (chiếm 16% sản lượng cây ăn quả toàn tỉnh). Trong đó, diện tích xoài của huyện hơn 3.600 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch hơn 2.300 ha.

Vụ xoài năm năm 2022, dự kiến sản lượng xoài đạt 24.000 tấn, sản lượng phục vụ xuất khẩu đạt 8.700 tấn. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với mưa và mưa rào từ ngày 19 - 25/2, đã làm nhiều diện tích xoài bị ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu quả. Tuy nhiên, khi thời tiết thuận lợi trở lại, người dân đã kịp thời phun phòng, chăm sóc nên dự kiến sản lượng không bị ảnh hưởng nhiều, đảm bảo đủ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Vụ xoài năm năm 2022, huyện Mai Sơn dự kiến sản lượng đạt 24.000 tấn, sản lượng phục vụ xuất khẩu đạt 8.700 tấn. Ảnh: Trung Quân.

Vụ xoài năm năm 2022, huyện Mai Sơn dự kiến sản lượng đạt 24.000 tấn, sản lượng phục vụ xuất khẩu đạt 8.700 tấn. Ảnh: Trung Quân.

Ghi nhận tại xã Hát Lót, bà Nguyễn Thị Phượng, bản Noong Xôm, xã Hát Lót (Mai Sơn) chia sẻ: Gia đình bà trồng 2,5 ha xoài, 1 ha nhãn, 2.000 m2 bưởi. Hiện tại, toàn bộ diện tích xoài của gia đình tỷ lệ ra hoa rất cao, tuy nhiên do gặp phải thời tiết mưa nhiều, mưa axit thời điểm sau Tết nên nhiều cây đang gặp phải bệnh nấm hoa (theo cách gọi của người dân) khiến hoa bị khô, tỷ lệ rụng hoa tăng lên.

Theo bà Phượng, không chỉ gia đình bà mà nhiều vườn trồng trong khu vực cũng gặp phải tình trạng tương tự. Hiện, các hộ đang tranh thủ thời tiết ủng hộ tiến hành phun phòng trừ sâu bệnh. 

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót (huyện Mai Sơn) cho biết: HTX hiện có 100 ha trồng xoài, nhãn, dứa. Năm 2022, HTX thỏa thuận liên kết với Doveco Sơn La cung cấp 150 tấn dứa, 15 tấn xoài phục vụ chế biến.

Theo ông Dũng, hiện tại, tình hình sâu bệnh hại trên diện tích xoài của HTX như thán thư, rệp sáp, nấm đang được kiểm soát tốt, dự kiến vẫn đảm bảo đủ sản lượng và chất lượng cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến như hợp đồng thỏa thuận…

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.