| Hotline: 0983.970.780

Đưa xoài Đồng Tháp vươn xa thị trường thế giới

Thứ Sáu 28/04/2023 , 23:48 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Ngày 28/4, UBND tỉnh Đồng Tháp kết hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ và thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng xoài.

Hội nghị kết nối tiêu thụ và thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng xoài 2023 tại Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hội nghị kết nối tiêu thụ và thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng xoài 2023 tại Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

"Vương quốc xoài" Đồng Tháp

Sau nhiều năm phát triển, đến nay, ngành hàng xoài tại tỉnh Đồng Tháp đã có những bước tiến đáng kể. Mặc dù vậy, việc tiêu thụ và xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều thách thức và khó khăn. Với mục tiêu tăng cường tiêu thụ và thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng xoài, hội nghị tập trung giới thiệu các quy định mới của thị trường xuất khẩu, giới thiệu những tiềm năng và cơ hội phát triển ngành hàng xoài, đồng thời kết nối các doanh nghiệp trong ngành để tạo điều kiện cho người dân, các doanh nghiệp liên quan có thông tin tiếp cận với các thị trường mới, nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm xoài.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Hiện Đồng Tháp là một trong những vựa xoài lớn nhất vùng ĐBSCL với tổng diện tích 14.000ha, trong đó xoài cát Hòa Lộc chiếm tỷ lệ 19,0%, xoài Cát Chu chiếm 41,3%, xoài tượng da xanh chiếm 35,7%, xoài khác chiếm 4,0%. Sản lượng hàng năm ước đạt 185 nghìn tấn.

Không chỉ phát triển về diện tích, sản lượng mà chất lượng xoài Đồng Tháp cũng ngày càng được nâng cao thông qua việc chăm sóc, thu hoạch theo quy trình sản xuất an toàn, hướng hữu cơ. Toàn tỉnh hiện có 296 vùng trồng xoài được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, EU với diện tích 8.228,4ha.

Toàn tỉnh hiện có 296 vùng trồng xoài được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Toàn tỉnh hiện có 296 vùng trồng xoài được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Minh, để trái xoài Đồng Tháp phát triển bền vững cần nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, tổ chức liên kết chặt chẽ trong từng khâu sản xuất, kiểm soát được chất lượng và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đồng Tháp luôn chú trọng phát triển ngành hàng xoài thành ngành hàng mũi nhọn theo hướng chuyên canh quy mô lớn, theo tiêu chuẩn, đặt hàng của doanh nghiệp, chú trọng xây dựng mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc hướng đến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; lồng ghép với quảng bá du lịch và tổ chức lễ hội xoài, hội thi trái ngon…

Bên cạnh đó, Đồng Tháp đang kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, phát triển hệ thống logistics và quản lý chuỗi cung ứng để người dân an tâm sản xuất, tổ chức đầu ra sản phẩm xoài và các loại nông sản khác gắn với chợ đầu mối trái cây...

Cục Bảo vệ thực vật đồng hành phát triển ngành hàng xoài

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.

Tại hội nghị "Kết nối tiêu thụ và thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng xoài" trong khuôn khổ Lễ hội xoài Đồng Tháp 2023, ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ:

Lễ hội xoài Đồng Tháp là dịp quan trọng để nhìn lại những thành tựu và kết quả ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã mang lại cho ngành sản xuất xoài.

Đây là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân cùng ngành nông nghiệp tỉnh trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp mới thúc đẩy ngành hàng xoài phát triển; tạo thêm cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp và nhà sản xuất. Về phía Cục Bảo vệ thực vật, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn các quy định của nước nhập khẩu, giúp nông dân và doanh nghiệp nắm vững thông tin, thích ứng và đáp ứng yêu cầu của từng thị trường; Đàm phán và mở cửa thị trường mới, tạo cơ hội xuất khẩu xoài cho doanh nghiệp và nông dân, góp phần nâng cao giá trị ngành hàng xoài Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở NN-PTNT Đồng Tháp trong triển khai ứng dụng công nghệ, cơ sở dữ liệu để kiểm soát tận gốc cũng như cải cách hành chính để giảm thời gian thông quan đối với các lô hàng xoài xuất khẩu theo yêu cầu kiểm dịch và ATTP của từng thị trường nhập khẩu.

Tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật

Với sự phát triển của kinh tế toàn cầu, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung và quả xoài nói riêng cũng như tăng cường quan hệ thương mại với các đối tác quốc tế là điều cực kỳ cần thiết. Bên cạnh đó, cần tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật của các thị trường xuất khẩu.

Ông Lương Ngọc Quang, Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết: Đối với trái xoài xuất khẩu vào các nước trong WTO, phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật của hiệp định SPS và Công ước quốc tế về Bảo vệ thực vật - IPPC.

Yêu cầu cơ bản đối với mặt hàng quả tươi là phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền cấp và lô hàng không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật. Một số thị trường nhập khẩu chỉ cần đáp ứng yêu cầu cơ bản trên gồm: Các nước khu vực Trung đông (UEA, Qatar, Li Băng, Ả rập Xê út…) các nước Đông Âu (Nga, Ucraina…), các nước ASEAN (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Lào, Myanmar…) và Canada.

Để phát triển trái xoài của Đồng Tháp bền vững, cần nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để phát triển trái xoài của Đồng Tháp bền vững, cần nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Quang, để đáp ứng được quy định do các nhà nhập khẩu đưa ra, trước tiên các vườn trồng hay cơ sở đóng gói có nhu cầu cần đăng ký mã số vùng trồng hay cơ sở đóng gói. Việc đăng ký mã số vùng trồng hay mã số cơ sở đóng gói trên cơ sở tự nguyện, từ đó Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra đánh giá, là căn cứ để cấp mã số hoặc duy trì, phục hồi mã số và phải được công nhận bởi nước nhập khẩu.

Cục Bảo vệ thực vật đưa ra nhiều khuyến nghị để trái xoài Đồng Tháp vươn xa hơn nữa, vì hiện nay Đồng Tháp là tỉnh trồng xoài lớn nhất ở ĐBSCL, vừa phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ngày càng thuận lợi. Trước nhất, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tập trung thúc đẩy tiêu thụ nội địa.

Thứ hai là phát triển và nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ, giúp ổn định giá cả và đầu ra cho bà con nông dân.

Thứ ba, ứng dụng và đẩy mạnh phát triển các hình thức tiêu thụ nông sản thông qua các loại hình phân phối bán lẻ hoặc bán hàng qua hệ thống online.

Thứ tư, cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản khác nhau có lợi thế bên cạnh thị trường truyền thống.

Trái xoài của Việt Nam rất tiềm năng xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trái xoài của Việt Nam rất tiềm năng xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ năm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm soát, hướng dẫn, quán triệt các cơ quan báo chí về cơ chế thông tin tuyên truyền để đảm bảo cung cấp các thông tin đầy đủ, đúng đắn, tích cực đến người dân, kích thích phát triển sản xuất.     

Thứ sáu, đề nghị các cơ sở có nhu cầu xuất khẩu nghiên cứu kỹ các quy định, hướng dẫn có liên quan trong xuất khẩu.

Về xuất khẩu xoài sang thị trường Trung Quốc, bà Lương Thị Hải Yến (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, hiện nay phía nhà nhập khẩu của Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm rất cao, doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tương đương với tiêu chuẩn HACCP, yêu cầu này các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó đáp ứng ngay lập tức.

Ngoài ra, hải quan Trung Quốc đang tạm ngừng việc đăng ký nhóm trái cây đông lạnh đối với doanh nghiệp Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp số đăng ký giai đoạn năm 2021 (đăng ký nhanh) chưa thực hiện đăng ký bổ sung theo quy định của Công hàm 353 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. 

Trưng bày xoài tại Lễ hội xoài năm 2023 tại Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trưng bày xoài tại Lễ hội xoài năm 2023 tại Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Văn Công, Tham tán thương mại Việt Nam tại EU nhận định, trái xoài của Việt Nam rất tiềm năng, trong đó Hà Lan là thị trường nhập nhiều nhất. Năm vừa qua, Việt Nam xuất khẩu quả xoài sang thị trường EU gặp khó khăn trong khâu bảo quản. Bên cạnh mặt kiểm dịch thì châu Âu đặt tiêu chí an toàn thực phẩm và ngưỡng tồn dư thuốc BVTV rất nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, còn có yêu cầu về chứng nhận an toàn, tiêu chuẩn về môi trường, xã hội rất khác so với trước đây.

“Xoài Đồng Tháp xuất khẩu vào châu Âu có lợi thế về thuế, nhưng chưa thâm nhập tốt do khoảng cách xa, thời gian bảo quản không được lâu. Bên cạnh đó giá vận chuyển qua đường hàng không rất cao nên khả năng vận chuyển số lượng lớn là rất khó. Chính vì vậy, quả xoài của Việt Nam gặp khó khăn” ông Trần Văn Công, Tham tán thương mại Việt Nam tại EU cho biết thêm.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.